Số tiền thiệt hại trong vụ này ước tính lên đến vài chục tỷ đồng và tính chất nghiêm trọng hơn là làm méo mó chính sách cử tuyển đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc và các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.
Phù phép hồ sơ
Vào năm 2013, UBND tỉnh Bình Phước có công văn chỉ đạo về công tác đào tạo diện dự bị cử tuyển và giao Sở GD-ĐT tỉnh này lập danh sách, tham mưu UBND tỉnh. Sau đó, trên cơ sở tờ trình của Sở GD-ĐT, UBND tỉnh ra QĐ 1669/QĐ-UBND cho phép học sinh diện cử tuyển năm 2011, 2012 chuyển ngành, học lại dự bị đại học với 42 học sinh được đánh số từ 1 đến 42.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác cử tuyển. |
Có trong tay các tài liệu, ông Hoàng Ngọc Hiển (sinh năm 1978, thời điểm đó là Phó Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước - sau về làm chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT) lẽ ra phải phát hành đến các trường đại học, cao đẳng. Do người này quen thân với ông Trần Quang Lục (cha của học sinh Trần Mạnh Cường, sinh năm 1994 và cha của học sinh Bùi Hoàng Diệu Ly, sinh năm 1995, nên “ém giữ” các tài liệu để “phù phép” ra quyết định gồm 43 học sinh. Trong đó, đáng chú ý là ông Hiển bỏ ra ngoài danh sách 7 học sinh và thêm vào 8 học sinh không đủ tiêu chuẩn, trong đó có Cường và Ly.
Vụ việc bại lộ nên cuối năm 2017, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Bình Phước, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hiển về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Tuy nhiên, ông Hiển “chối bay” và lập luận rằng QĐ1669/QĐ-UBND kèm danh sách 43 học sinh do UBND tỉnh điều chỉnh, nhưng thực tế, tại UBND tỉnh chỉ lưu QĐ 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 kèm danh sách cử tuyển là 42 học sinh và tờ trình 2315/TTr-SGD-ĐT ngày 5/9/2013 kèm danh sách 42 HS, chứ không có QĐ 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 gồm 43 học sinh như ông Hiển trình bày.
Trong khi đó, các trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Đại học GTVT TP.HCM, Đại học Nông Lâm TP.HCM và Đại học Y Dược TP.HCM lại lưu QĐ 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 kèm danh sách 43 học sinh, không trùng khớp với bản gốc lưu tại UBND tỉnh Bình Phước.
Cơ quan điều tra xác định, ông Hiển có nhiệm vụ tham mưu văn bản cho lãnh đạo Sở GD-ĐT nhưng đã làm giả danh sách kèm theo QĐ1669/QĐ-UBND, nhưng quá trình điều tra không xác định được vì sao có danh sách 43 học sinh, đánh số thứ tự từ 1 đến 42 và trong đó có đến 2 số thứ tự 25 và cách thức tạo ra dấu mộc treo tại các tài liệu.
Và nhiều người khai nhận đã đưa cho ông Hiển 30-60 triệu đồng nhờ “chạy” học cử tuyển nhưng không đủ tài liệu chứng minh.
Bất ngờ nhất là các học sinh được thêm vào gồm Đỗ Hoàng Hải, Nông Thị Thin, Nông Thị Ngọc Bích, Thạch Hoàng Vũ, Ngưu Thành Trọng, Phạm Hoàng Trung (đã buộc thôi học và bồi hoàn kinh phí đào tạo) và 7 học sinh bị cho “ra rìa” trong hồ sơ nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được động cơ và hành vi.
Khó xử lý hình sự?
Theo tìm hiểu riêng của phóng viên, tại cơ quan công an, ông Hiển khai tờ trình kèm theo 43 học sinh có xin ý kiến của Nguyễn Châu Vĩnh (Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc) nhưng ông Vĩnh chối bỏ việc chỉ đạo làm giả hồ sơ nên không thể xử lý.
Ông Trần Văn Trọng là người ký sao y bản chính QĐ 1669-QĐ-UBND do ông Hiển đưa, nhưng không đối chiếu bản chính nên chỉ vi phạm quy trình công tác…
Đáng nói nhất là ông Huỳnh Công Khanh (lúc này là Phó giám đốc Sở GD-ĐT, lãnh đạo trực tiếp của ông Hiển) ký tài liệu giả mạo nhưng viện lý do tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra, do đó không thuộc diện đồng phạm giúp sức hay truy cứu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Ngoài ra, ông Hiển còn khai việc làm giả hồ sơ được sự hướng dẫn của ông Trần Đại Chính (lúc này là Phó phòng Văn xã, UBND tỉnh Bình Phước) nhưng vị này cũng không thừa nhận.
Dư luận đặt câu hỏi quá trình tham mưu UBND tỉnh cử học sinh đi học hệ cử tuyển đại học qua nhiều khâu thẩm định, phê duyệt từ cấp cơ sở đến UBND tỉnh Bình Phước (cơ quan tham mưu trực tiếp là Sở GD-ĐT) nhưng sao vẫn sai phạm?
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước bày tỏ sai phạm trong công tác cử tuyển đã kéo dài suốt nhiều năm, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cán bộ công tác tại Sở GD-ĐT và UBND tỉnh Bình Phước, nhưng chỉ có một cán bộ bị xử lý hình sự, trong khi hàng loạt cán bộ khác liên quan vẫn vô can?
Vị cán bộ này kỳ vọng việc cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh thêm 7 học sinh ở các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp đăng ký học cử tuyển vào Đại học Y Dược TP.HCM năm 2014, sẽ giúp phanh phui đường dây “chạy” đi học cử tuyển đại học ở tỉnh này.
Thông tin mới nhất cho hay Công an tỉnh Bình Phước đang điều tra bổ sung để làm rõ các khuất tất, như xác minh đối tượng sửa và làm sai lệch hồ sơ, giám định tài liệu bị sửa chữa; thu thập các tờ trình do ông Huỳnh Công Khanh (lúc này là Phó giám đốc Sở GD-ĐT) ký có đóng dấu mộc đỏ, đồng thời trưng cầu giám định dấu treo của UBND tỉnh, quy trình họp xét cử tuyển và trách nhiệm của các thành viên hội đồng xét cử tuyển.
Theo nhóm PV/ Báo Sài Gòn Giải Phóng
Lời xin lỗi của trưởng phòng và câu trả lời bất ngờ của Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La
Các thuộc cấp của mình bị đề nghị khởi tố vì liên quan tới gian lận thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chẳng có lấy một lời xin lỗi.