Theo thông tin từ trang Tanks-encyclopedia.com, Không quân Liên Xô vào cuối những năm 1930 từng lắp thử một số thiết giáp hạng nhẹ như T-27, T-37A và D-8 vào thân dưới máy bay ném bom TB-3 nhằm mục đích thả thiết giáp xuống chiến trường ở độ cao thấp, để tránh việc xe bị hư hỏng do va đập mạnh. 

Chiếc xe tăng T-37 được thả từ máy bay TB-3. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com

Nhưng do những điều kiện tác chiến trên thực tế khi đó, kíp điều khiển thiết giáp sẽ phải nhảy dù riêng và điều này khiến họ mất thời gian di chuyển tới nơi khí tài đáp xuống. Do vậy, nhà chức trách Liên Xô vào đầu thập niên 1940 đã yêu cầu ông Oleg Antonov - người sáng lập Tập đoàn Hàng không Antonov (nay là Tổ hợp Khoa học/Công nghệ Hàng không Antonov) - thiết kế một loại tàu lượn quân sự để vận chuyển xe tăng qua đường hàng không. 

Kỹ sư Oleg Antonov. Ảnh: Wikipedia

Thay vì chế tạo một tàu lượn quân sự để vận chuyển xe thiết giáp, ông Antonov đã lắp cho xe tăng hạng nhẹ T-60 cánh của loại máy bay hai cánh đôi và thêm phần đuôi kép. Ý tưởng của nhà sáng chế khi đó là để một máy bay khác kéo chiếc xe tăng có lắp cánh ‘lướt’ vào chiến trường, sau đó hạ cánh và để kíp lái sẵn sàng chiến đấu chỉ trong vài phút. 

Để có thể làm nhẹ chiếc xe tăng T-60 được dùng cho nguyên mẫu, kỹ sư Antonov và các đồng nghiệp đã bỏ đạn dược và đèn lắp trên cỗ khí tài, chỉ để lại một ít xăng bên trong thùng chứa của xe.

Vào năm 1942, nguyên mẫu đầu tiên của cỗ xe tăng lắp cánh đã được hoàn thiện và được đặt tên là A-40 Antonov. Theo số liệu được quyển sách The Osprey Encyclopedia of Russian Aircraft 1875–1995 công bố, A-40 Antonov dài 12,06m; sải cánh rộng 18m; trọng lượng tối đa là hơn 7,8 tấn.

Bản thiết kế A-40 Antonov. Ảnh: thedefencematrix.in

Tới đầu tháng 9/1942, quân đội Liên Xô đã chấp nhận đưa chiếc A-40 Antonov vào thử nghiệm. Phi công thực hiện cuộc thử nghiệm là ông Sergei Anokhin, người được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào năm 1953. 

Trong cuộc thử nghiệm diễn ra ở một sân bay vào ngày 2/9/1942, máy bay ném bom TB-3 đã được triển khai để ‘kéo’ chiếc A-40 Antonov lướt trên không. Nhờ lực kéo từ oanh tạc cơ, nên chiếc xe tăng lắp cánh đã bay lên mà không gặp phải vấn đề gì. 

Tuy nhiên, các động cơ của máy bay TB-3 khi kéo chiếc A-40 Antonov không đủ mạnh để đạt đến tốc độ thiết kế là 160 km/giờ. Do vậy, phi công Anokhin đã lập tức cho kết thúc cuộc thử nghiệm, hạ cánh chiếc oanh tạc cơ và A-40 Antonov xuống cánh đồng nằm gần sân bay. 

Mẫu thiết kế A-40 Antonov. Ảnh: Wikipedia 

Theo trang Tanks-encyclopedia.com, dự án A-40 Antonov về sau đã bị hủy bỏ vì một số lý do. Trước tiên, A-40 Antonov có một bộ cánh khổng lồ nên sẽ mất thời gian để kíp lái tháo bỏ cánh khỏi xe tăng. Thứ hai, để bay được thì chiếc xe tăng sẽ phải tháo bỏ phần nhiên liệu và đạn dược, nên kíp lái lại tốn thời gian đi đến vị trí đạn dược và nhiên liệu. Cuối cùng, loại thiết giáp dùng trong dự án này là xe tăng T-60 trang bị pháo TNSh 20mm có hỏa lực chỉ đủ mạnh để chống lại xe thiết giáp hạng nhẹ.