Hé lộ doanh nhân nghìn tỷ USD
Không chỉ là người giàu nhất thế giới, Elon Musk còn trên đà trở thành doanh nhân nghìn tỷ USD đầu tiên của thế giới vào năm 2027.
Theo báo cáo Trillion Dollar Club 2024 của Viện kết nối Informa, tài sản ròng của Elon Musk – ông chủ hãng xe điện Tesla, công ty hàng không vũ trụ SpaceX, mạng xã hội X – tăng với tốc độ trung bình 110%/năm.
Còn theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg, Musk là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 251 tỷ USD. Theo dự báo ông Musk sẽ đạt tới mốc tài sản 1 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Phân tích của Viện Informa gợi ý “ông trùm” Ấn Độ Gautam Adani sẽ là người thứ hai đạt danh hiệu nghìn tỷ USD. Điều này có thể xảy ra vào năm 2028 nếu tài sản của ông duy trì tốc độ tăng trưởng 123%/năm.
Jensen Huang, CEO hãng bán dẫn Nvidia, và doanh nhân năng lượng, khai mỏ Prajogo Pangestu của Indonesia có thể là những người tiếp theo gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD, cũng vào năm 2028. Bernard Arnault – ông chủ tập đoàn xa xỉ LVMH, người giàu thứ ba thế giới với khoảng 200 tỷ USD – sẽ đạt danh hiệu vào năm 2030, cùng năm với CEO Meta Mark Zuckerberg.
Một số tỷ phú tưởng chừng có thể là ứng cử viên “nặng ký” cho việc đạt tới khối tài sản nghìn tỷ USD nhưng lại không có mặt trong top 10. Chẳng hạn, ông Jeff Bezos, người hiện giàu thứ hai thế giới với khối tài sản 200 tỷ USD, chỉ đứng thứ 12 trong danh sách những tỷ phú có thể đạt mức tài sản trên.
Huawei ra mắt smartphone gập ba đầu tiên trên thế giới
Hôm 10/9, chỉ vài tiếng sau khi iPhone 16 ra mắt, Huawei giới thiệu Mate XT, mẫu smartphone gập ba hai bản lề. Công ty nhận đặt trước từ ngày 14/9 và bán ra từ ngày 20/9, cùng ngày Apple phát hành iPhone 16.
Theo Richard Yu, Giám đốc điều hành bộ phận tiêu dùng, Huawei đã dành 5 năm phát triển thiết bị. Máy có các màu đỏ và đen cùng ba lựa chọn bộ nhớ, giá từ 12.999 NDT (2.809 USD) đến 23.399 NDT (3.371 USD).
Để so sánh, iPhone 16 có giá khởi điểm 799 USD và iPhone 16 Pro Max giá thấp nhất 1.199 USD.
Theo website công ty, tính đến giữa ngày 10/9, hơn 3,5 triệu người đã đặt trước Mate XT. Với việc giới thiệu Mate XT ngay sau khi Apple ra mắt iPhone 16, Huawei không giấu ý định lấy thêm thị phần từ phía “nhà táo”.
Tại sự kiện, ông Yu khẳng định Huawei không từ bỏ bất chấp 4 vòng cấm vận. Huawei bắt đầu sự kiện từ việc thảo luận về chi tiết và giá bán Mate XT.
Trong khi đó, sau khi theo dõi sự kiện ra mắt iPhone 16, nhiều người cho rằng đây là sự kiện ‘chán’ chưa từng có của Apple.
Ấn Độ tham vọng lớn ngành công nghiệp điện tử
Tại một hội nghị bán dẫn ở New Delhi hôm 11/9, Thủ tướng Narendra Modi ca ngợi lợi thế của Ấn Độ trong các lĩnh vực như bán dẫn. Ấn Độ ước tính thị trường điện tử của mình giá trị khoảng 155 tỷ USD.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử lên 500 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Quốc gia Nam Á đang cố gắng thu hút nhiều nhà sản xuất chip hơn, tương tự cách mà các khoản trợ cấp đã khuyến khích Apple lắp ráp iPhone trong nước
Chính quyền Thủ tướng Modi cho đến nay đã phê duyệt các khoản đầu tư chất bán dẫn trị giá hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có đề xuất xây dựng nhà máy chip lớn đầu tiên của đất nước từ Tập đoàn Tata và nhà máy lắp ráp 2,75 tỷ USD của nhà sản xuất chip Micron.
Công ty bán dẫn Tower Semiconductor cũng đang tìm cách hợp tác với tỷ phú Gautam Adani để xây nhà máy chế tạo trị giá 10 tỷ USD tại miền tây Ấn Độ.
"Đây là thời điểm thích hợp để có mặt ở Ấn Độ", ông Modi nói. "Ở Ấn Độ của thế kỷ 21, chip không bao giờ đi xuống".
Ca ngợi nhóm kỹ sư thiết kế chip tài năng lớn tại Ấn Độ, ông Modi cho biết 20% tổng số những tài năng nổi bật trên thế giới là người Ấn Độ, một con số mà ông cho biết đang tăng theo cấp số nhân.