Chuyến công du Trung Đông và châu Phi lần này của ông Tập Cận Bình một lần nữa cho thấy những trọng tâm ngoại giao được tính toán kỹ lưỡng, khôn ngoan của Trung Quốc.

 

 

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Trung Đông và 4 quốc gia châu Phi, gồm Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius, cũng như tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), đang là tâm điểm thu hút sự chú ý không chỉ từ giới quan sát chính trị mà còn từ các nhà quân sự và kinh tế toàn cầu. Bởi đây là chuyến công du nhằm khẳng định thêm tầm ảnh hưởng vốn đã rất mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với châu lục 1,2 tỷ dân này cũng như với Trung Đông nhiều biến động.

Đặc biệt, chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi đang ngày càng phai nhạt, là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng vị thế của mình tại đây. 

{keywords}
Tổng thống Senegal đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Dakar ngày 21/7. Ảnh: AP

Trước tiên, nhìn vào lịch trình của chuyến công du có thể thấy sự đa dạng trong mục tiêu tiếp cận của Trung Quốc đối với châu Phi cũng như sự khéo léo trong ngoại giao của Bắc Kinh. Ngoài quốc gia có diện tích lớn nhất, cũng là nền kinh tế lớn nhất ở châu lục là Nam Phi, ông Tập Cận Bình chọn dừng chân ở các quốc gia nhỏ bé và ít phát triển hơn là Senegal, Rwanda và Mauritius.

Nằm bên bờ Đại Tây dương, Senegal - quốc gia được coi là cửa ngõ vào Tây Phi - là chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiếp đó là quốc gia nhỏ bé ở Trung Phi - Rwanda - và cuối cùng là quốc đảo Mauritius bên bờ Ấn Độ Dương.

Đây là những quốc gia nằm ngoài tốp dẫn đầu về đầu tư của Trung Quốc ở châu lục do không giàu tiềm năng khoáng sản, nhưng lại là những vị trí kết nối thuận tiện để phục vụ chiến lược “Vành đai và Con đường”, chính vì vậy, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác đầu tư, chủ yếu cho hệ thống cơ sở hạ tầng, và kết nối chính sách để phục vụ chiến lược lớn và lâu dài của Bắc Kinh. Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, khai khoáng và xây dựng…, tại các quốc gia này.

Cũng với chuyến thăm lần này, ông Tập Cận Bình đã trở thành nguyên thủ Trung Quốc đầu tiên tới Rwanda và đáng lưu ý, chỉ cách đó khoảng 2 giờ bay là căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh tại nước ngoài, đặt tại Djibouti.

Với Nam Phi, đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc và diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Hiện hai nước đã nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 trụ cột chính: tin tưởng chính trị, hợp tác kinh tế cùng có lợi, giao lưu nhân dân và phối hợp trên các diễn đàn quốc tế. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 39.2 tỷ USD, gấp 25 lần so với 20 năm trước. Trung Quốc đang đầu tư khoảng 25 tỷ USD vào Nam Phi và tạo ra hơn nửa triệu việc làm tại đây.

Khi thăm Nam Phi lần trước vào năm 2015, ông Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch 60 tỷ USD cho các dự án phát triển nhằm thúc đẩy nông nghiệp, giao thông, bến cảng, đường sắt và xóa một số khoản nợ cho châu Phi. Nhưng số liệu của Hội đồng nghiên cứu quốc tế của Nga (RIAC) cho biết tính đến hết năm 2017, tổng số tiền Trung Quốc đầu tư thông qua cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi đã vượt quá 100 tỷ USD.

Hàng nghìn kilomet đường sắt mới và hàng chục cảng biển, sân bay, nhà máy điện máy điện, mạng lưới viễn thông… của châu Phi đã và đang được xây dựng nhờ các dự án đầu tư của Bắc Kinh. Các công trình hạ tầng do Trung Quốc xây dựng đang thay đổi nhanh chóng diện mạo châu Phi. Bên cạnh đó, “cơn lốc” khách du lịch Trung Quốc cũng đem lại nguồn thu lớn cho các nước khu vực.

Hiện Trung Quốc nhập khẩu tới 15 - 16% hàng hóa của châu Phi, phần lớn là nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, quặng sắt, nông sản, đồng thời là nguồn cung dầu mỏ lớn thứ hai của Bắc Kinh sau Trung Đông, với 1,4 triệu thùng/ngày.

Có thể nói châu Phi là nơi chứng kiến ảnh hưởng kinh tế và cả tham vọng chiến lược của Bắc Kinh ngày càng lớn trong nhiều năm qua. Ông Gordon G. Chang, nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Mỹ, nhận định “Trung Quốc không có đối thủ trong đầu tư vào Châu Phi”. Rõ ràng, xét trên phạm vi toàn châu lục, Trung Quốc đã "qua mặt"’ Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở lục địa này với kim ngạch thương mại lên đến 220 tỷ USD.

Theo Phó Giáo sư Mauricio Santoro, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Rio de Janeiro, sức hút lớn nhất của châu Phi chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên của lục địa này, khi mà Trung Quốc luôn rất "khát" dầu mỏ, quặng sắt và nhiều khoáng sản khác. Bên cạnh đó, châu Phi là một trong những thị trường rộng lớn và đang phát triển nhanh nhất thế giới, nhu cầu đa dạng. Trong bối cảnh nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc, đây có thể là thị trường đầy tiềm năng để Trung Quốc giảm thiệu tác động của hàng rào thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên, lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi không chỉ dừng lại ở thương mại hay bảo đảm nguồn cung nhiên liệu. Giới phân tích quốc tế đều đánh giá Trung Quốc có nhiều lý do để quan tâm tới châu Phi. Tiếp cận và thắt chặt quan hệ với châu Phi còn đem lại cho Trung Quốc thêm nhiều sự ủng hộ về chính trị, giúp gia tăng tiếng nói và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các tổ chức đa phương hay các diễn đàn quốc tế lớn.

Trên thực tế, về khía cạnh ngoại giao, các nước châu Phi mang đến cho Bắc Kinh một số lượng đồng minh đáng kể tại Liên hợp quốc và luôn sẵn lòng ủng hộ quốc gia này trong mọi vấn đề quốc tế. Cùng với đó, Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa-chính trị ở “Lục địa Đen” thông qua lĩnh vực quân sự, đặc biệt là mở căn cứ quân sự ở châu lục và gia tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực. Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ khi chiếm tới 11% xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.

Trước khi tới Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã có chặng dừng chân quan trọng tại Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) với kết quả quan trọng là hai nước quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Việc UAE trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc không bất ngờ bởi quốc gia này là mắt xích quan trọng trong chiến lược “Vành đai và Con đường" mà Trung Quốc đang thúc đẩy.

Thông qua UAE, Bắc Kinh muốn gia tăng sức ảnh hưởng trong các vấn đề vốn vô cùng phức tạp của Trung Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hiện là đối tác thương mại lớn nhất của UAE, và hai bên đang muốn nâng gấp đôi kim ngạch hai chiều lên mức khoảng 100 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký hàng loạt thỏa thuận về năng lượng, nông nghiệp, thương mại, tài chính và giao lưu nhân dân. Chính vì vậy, dư luận không ngạc nhiên khi ngoài các nghi lễ ngoại giao long trọng nhất để chào đón ông Tập Cận Bình, UAE đã có nhiều động thái “trải thảm đỏ” với Bắc Kinh, như là đổi tên một mạng di động phổ biến của nước này thành “WelcomePresChina”.

Rõ ràng, chuyến công du Trung Đông và châu Phi lần này của ông Tập Cận Bình đã một lần nữa cho thấy những trọng tâm ngoại giao được tính toán kỹ lưỡng và khôn ngoan của Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang gia tăng căng thẳng, việc thúc đẩy quan hệ một cách đa dạng với các nước đối tác đang phát triển như vậy càng đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi hơn cho Trung Quốc.

Theo Baotintuc

 

Vì sao TQ im lặng bất thường trước đe dọa mới của ông Trump?

Vì sao TQ im lặng bất thường trước đe dọa mới của ông Trump?

Ba ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu bổ sung với 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn im lặng một cách bất thường.

Nữ đại gia xinh đẹp đứng sau bê bối vắc-xin rởm rúng động TQ

Nữ đại gia xinh đẹp đứng sau bê bối vắc-xin rởm rúng động TQ

Sự kiện công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, Cát Lâm sản xuất và tiêu thụ vắc-xin không đủ tiêu chuẩn đang gây phẫn nộ khắp Trung Quốc.  

TQ chấn động vụ bê bối vắc-xin giả, kém chất lượng

TQ chấn động vụ bê bối vắc-xin giả, kém chất lượng

Cục Giám sát Dược phẩm Trung Quốc phát hiện Công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, tỉnh Cát Lâm đã làm giả các số liệu về vắc-xin phòng dại.

TQ âm thầm chế tàu ngầm sát thủ không người lái

TQ âm thầm chế tàu ngầm sát thủ không người lái

Trung Quốc đang âm thầm phát triển các loại tàu ngầm không người lái cỡ lớn, có thể thực hiện nhiều sứ mệnh từ hậu cần, gài đặt mìn tới tấn công tự sát.

Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hứng chịu những đòn choáng váng của Washington, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Đòn phản công đó của Trung Quốc là gì?