Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết trên trang cá nhân: "Tôi hầu như không muốn ra khỏi nhà vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bởi suốt từ thứ 2 đến thứ 6 mình đã ra khỏi nhà, hoà vào "đám đông" và mệt nhoài. Ở giữa "đám đông", nhiều lúc mình không hoàn toàn là mình nữa cho dù mình tôn trọng mọi khác biệt. Tôi nghĩ mọi người cũng có cảm giác đó như tôi.
Tôi có viết một câu thơ rất nhiều năm trước đây: "Chàng đi qua đám đông nhưng đám đông không cộng được chàng và chàng không cộng mình vào đám đông".
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi trở về căn phòng của mình, ông luôn tìm thấy tự do. Cho dù có hai không gian tự do: một không gian vật lý và một không gian tinh thần. Nếu không gian tinh thần không tìm thấy tự do thì không gian vật lý chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng thế nào là tự do cũng không phải là điều dễ hiểu. Đôi khi sự thúc đẩy của cảm giác tự do lại giam cầm mình ở một ý nghĩa nào đấy.
''Với một ly cà phê nóng, một tẩu thuốc, một bức tranh đang vẽ, một bản thảo đang đọc lại... tôi bắt đầu có dấu hiệu tìm thấy tôi cho dù cái tôi ấy đầy khiếm khuyết, nhiều bóng tối và không đồng dạng với xung quanh", nhà thơ bày tỏ.
"Tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Quyến viết về con ốc sên khi anh 16 tuổi. Tất cả các những loài vật khác cứ ngỡ con ốc sên từ trời rơi xuống, nhưng con ốc sên cất tiếng:
Tôi là ốc sên
Không nhớp nháp hơn sự nhớp nháp của tôi
Không chậm chạp hơn sự chậm chạp của tôi
Tôi là ốc sên.
Tôi nghĩ đấy là bản tuyên ngôn của con ốc sên về sự thật của nó, về bản quyền tự do của nó. Khi con ốc sên tuyên ngôn về chính nó như vậy thì hình như nó bắt đầu tìm thấy tự do cho mình. Nó sẽ đánh mất tự do khi nó phải gánh những thứ không thuộc về nó hoặc nó không hiểu được thứ nó phải mang theo kể cả cái gọi là lòng tốt hay sự phán xét'' - vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trải lòng.
Thiên Di