- HĐND không thể đa phần là đảng viên, đại diện Nhà nước. HĐND không phải cấp ủy nên phải có nhiều đại diện tiếng nói của người dân.
Đó là ý kiến góp ý của Đại tá Lê Duy Minh, Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.HCM nêu tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2012.
Cho ý kiến về tờ trình dự kiến ban đầu về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử HĐND TP, ông Minh cho rằng cơ cấu đa phần là đảng viên, nhà nước, trong khi đại diện dân còn ít.
Đại tá Lê Duy Minh |
Ông cho rằng, HĐND là hội đồng của dân, nó không phải của cấp ủy, nhà nước nên phải có nhiều đại diện tiếng nói của người dân, đặc biệt phải có những bộ phận đại diện tiếng nói của những cộng đồng riêng biệt.
Nêu ngay ví dụ số lượng dự kiến cho đại diện khối DN tư nhân chỉ giới hạn là 3, trong khi khối DNNN là 5, ông Minh yêu cầu phải tăng lên, nếu chỉ đặt họ sau một dấu phẩy thì đáng buồn.
Theo ông Minh, khi thực tế lực lượng DN tại TP đông đảo, trong đó có hàng vạn DN tư nhân, vừa và nhỏ thì việc họ có đại diện vào HĐND không phải để có tiếng nói chính trị mà là để nói tiếng nói thực tế bức xúc phía dưới cần giải quyết của DN.
Ông Nguyễn Hữu Danh, Hội cựu giáo chức TP đồng tình quan điểm trên khi nhấn mạnh DN tư nhân là lực lượng giải quyết lao động khá lớn cho TP. DNNN có đơn vị hoạt động lãi, có đơn vị hoạt động lỗ nhưng sở hữu số ghế đại diện nhiều hơn trong Hội đồng là chưa hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Bé |
Theo ông Danh, TP.HCM đóng vai trò là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mục tiêu vươn tới là trung tâm kinh tế của khu vực mà đại diện tiếng nói trong HĐND chỉ giới hạn như vậy phải xem xét lại.
Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM Nguyễn Văn Bé không phản đối việc có 5 đại diện của DNNN nhưng việc xác định cơ cấu, số lượng giới hạn như trên là không bám chắc Nghị quyết của Đảng cũng như 6 chương trình trọng điểm của TP coi DN là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UB bầu cử TP ghi nhận các ý kiến đóng góp xác đáng, nhấn mạnh việc tính toán cơ cấu, số lượng các thành phần, trong đó có DN còn tính đến trong cơ cấu kết hợp khác.
Sau khi hiệp thương, tiến hành điều chỉnh cơ cấu số lượng ở một số khối khác, hội nghị đã biểu quyết thống nhất tăng thêm đại diện cho khối DN tư nhân.
Tự ứng cử, ngoài Đảng
Trong hiệp thương lần đầu, theo bà Quyết Tâm, cơ cấu đại diện tự ứng cử vào HĐND TP khóa mới là một điểm tiến bộ so với nhiệm kỳ trước.
Chủ tịch UB Bầu cử TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Lần này, tỉ lệ ĐB tự ứng cử cơ cấu dự kiến ít nhất 10 người, số lượng người ngoài Đảng tham gia cũng không dưới 10 người.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội DN TP Huỳnh Văn Minh cho rằng, tỉ lệ người ngoài Đảng như vậy là thấp và kiến nghị trong tình hình hiện nay nên nghiên cứu thêm.
Một số ĐB khác kiến nghị TP.HCM là TP năng động, có sự chuyển động mạnh mẽ ở cơ sở nên tỉ lệ đại biểu chuyên trách nên tăng để đủ sức làm việc, bao quát gần cơ sở hơn.
Ý kiến khác thì muốn có thêm đại diện chủ trang trại vì doanh thu của họ gấp mấy lần DN tư nhân. Hay luật sư cần có thêm đại diện trong Hội đồng...
Trên cơ sở thảo luận dân chủ, hội nghị đã tiến hành hiệp thương thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới lần 1 với tổng số ứng cử giới thiệu không dưới 200 người.
Ảnh: X.Linh |
Các đại biểu sẽ tiếp tục hiệp thương các vòng tiếp theo để chọn ra người ứng cử đại biểu HĐND, rồi danh sách sơ bộ những người ứng cử, lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri về người ứng cử trước khi lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử chính thức cuối cùng.
TP.HCM kỳ vọng sẽ bầu được tối đa, đủ 1 lần 105 đại biểu HĐND như luật định dành cho các đô thị đặc biệt.
Hà Nội giới thiệu 60 người ứng cử ĐBQH HĐND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban MTTQ TP về dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng đại biểu ứng cử Quốc hội khóa 14. Theo đó, dự kiến số lượng người giới thiệu là 60 người, trong đó có 5 người tự ứng cử (trong phân bổ không có cơ cấu cho đại biểu tự ứng cử.) Số lượng đại biểu Quốc hội khóa 14 của TP Hà Nội được phân bổ bầu chính thức là 30, trong đó 16 đại biểu do thành phố giới thiệu, số còn lại trung ương giới thiệu. |
Xuân Linh - Hồng Nhì