Năm nay tôi 29 tuổi, bà xã nhỏ hơn 5 tuổi. Chúng tôi cưới nhau được 4 tháng, bà xã và tôi trước khi cưới chưa bao giờ vượt quá giới hạn. Đây chính là điều làm cho sau ngày cưới chúng tôi rất háo hức khám phá nhau.

Tuy vậy, có vẻ như bà xã tôi thuộc tuýp người cổ điển: cô ấy không dám chủ động đòi hỏi dù nhiều khi tôi thử thách bằng cách 3-4 ngày, thậm chí một tuần lễ “không làm gì”; cô ấy cũng không dám trả lời những câu hỏi của tôi về chuyện vợ chồng hoặc khi tôi đề nghị những kiểu cách mới thì cô ấy rất sượng sùng.

Tôi biết chuyện gối chăn thành công hay không là phải từ hai phía, thế nhưng bà xã tôi lại thụ động, hiền lành quá khiến tôi gặp không ít rắc rối. Có lần tôi thử áp dụng tư thế hơi khác một chút, vậy là cô ấy cứ tra hỏi tôi “đã từng làm như thế với ai chưa?”. Hoặc có lần, tôi muốn bà xã đổi chỗ cho tôi, thế là cô ấy lại nghi ngờ “chắc hồi trước anh có làm kiểu này rồi hả?”.

Cách gì cũng bị thắc mắc, nghi ngờ nên tôi mất hết hứng thú, sáng tạo. Có cách gì “mở mang” cho bà xã tôi không? Nếu cứ như vầy, chỉ việc trả lời những câu hỏi ngây ngô của bà xã cũng đủ khiến tôi cụt hứng, ngã ngựa...

[email protected]

Bạn thân mến,

Đàn ông các anh thật lạ. Gặp chị vợ “sành điệu” quá cũng thắc mắc, nghi ngờ; trúng phải người hiền lành, ngây thơ quá thì cũng kêu ca, than vãn. Âu đó cũng là chuyện thường tình, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, trời cho ai nấy hưởng. Cái quan trọng là nếu đã xác định là “đối tác chiến lược”, là “bạn đời tin cậy” của nhau thì từ từ mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bà xã bạn giống như một đứa trẻ mới tập tễnh bước vào ghế nhà trường. Vậy nên giáo trình của bạn phải bắt đầu bằng ABC chứ không thể lập tức cho cô ấy làm tích phân, đạo hàm. Ngoài ra, “phương pháp giảng dạy” cũng là điều rất quan trọng. Nếu nội dung tốt mà phương pháp dở thì học trò cũng không thể nào tiếp thu. Dục tốc bất đạt, bạn nên từ từ tập cho bà xã làm quen; chỉ khi nào quen rồi thì mới nói đến chủ động, sáng tạo. Chỉ mới 4 tháng thì có là bao so với cả cuộc đời?

Trước mắt, bạn nên chú ý thái độ, cử chỉ, lời nói lúc vợ chồng gần gũi. Có vẻ như bà xã bạn là người nhút nhát, không thích những gì quá khác thường so với suy nghĩ của mình. Vậy nên nếu có hỏi về chuyện ấy bạn cũng phải hết sức tế nhị, chọn lọc từ ngữ cho đẹp đẽ, đừng thô thiển, tục tằn.

Thông thường, điều người đàn ông cần biết trong các cuộc yêu là bạn tình của mình có hạnh phúc không, có vừa lòng không, có mong muốn “sớm gặp lại” không? Muốn biết điều đó ngoài “nhìn cử chỉ, đoán tâm trạng”, bạn nên hỏi bà xã những câu hỏi nhẹ nhàng nhưng biểu lộ sự quan tâm chân thành như “em thích như thế này hay như thế kia?”, “anh có cần phải nhanh hơn, mạnh mẽ hơn không?”, thậm chí có thể hỏi “em có nhớ anh không?” dù hai người chưa rời xa nhau nửa bước! Tin rằng với những câu hỏi như vậy, dần dần bạn sẽ làm cho bà xã thấy thoải mái, tự tin, mạnh dạn hơn.

Song song đó, việc áp dụng những phương cách mới cũng không nên quá đột ngột, khác thường. Chẳng hạn, nếu bà xã chỉ quen với phong cách cổ điển “anh trên, em dưới” thì trong quá trình “tác chiến” bạn có thể từ từ dịch chuyển sang tư thế nằm nghiêng đối mặt nhau hoặc cả hai cùng nằm ngửa, nằm sấp... chứ không nên đột ngột yêu cầu cô ấy thực hiện những tư thế lắt léo, phức tạp quá.

Còn nếu muốn bà xã đổi chỗ, bạn có thể không cần chờ đến lúc nhập cuộc mới yêu cầu mà làm điều này ngay từ khi chỉ mới chớm có ý định gần gũi. Nhiều người phụ nữ nói rằng họ rất thích cảm giác được nằm úp mặt vào bộ ngực ấm áp, rắn chắc của chồng; bà xã bạn hẳn cũng không ngoại lệ. Hãy tập cho cô ấy quen với việc nằm trên một chiếc nệm vừa ấm áp, gần gũi, thân thương trước khi muốn tiến xa hơn.

Chuyện vợ chồng là của riêng hai người nên giải quyết mọi rắc rối chủ yếu là từ người trong cuộc. Hi vọng với “phương pháp giáo dục” nhẹ nhàng ấy, bà xã bạn sẽ từ từ thích nghi, giỏi giang và chủ động hơn. Không có gì phải lo lắng cả anh bạn ạ. Thời gian phía trước còn rất dài, các bạn hãy tận hưởng hạnh phúc theo cách của mình.

(Theo NLĐ)