Không chỉ Trung Quốc và nước láng giềng Việt Nam mà cả thế giới đang rúng động trước tin người ta vừa phát hiện đến 100.000 tấn thịt nhập lậu vào Trung Quốc, trong số đó có hàng trăm tấn được bảo quản đến 40 năm. Đây không chỉ là “giọt nước làm tràn cốc nước” mà là một quả bom tấn cảnh báo: thuốc độc đang được đưa vào miệng con người chứ không còn là những bữa ăn an lành nữa.
Hàng trăm tấn được coi là “thịt tiền sử” này phần lớn là thịt bò, chân gà, cánh gà và cổ vịt. Đó là những thứ khoái khẩu của người Việt. Không ai mất công cãi nhau cái gì nên ăn, cái gì nên bỏ, sở thích là miễn bàn.
Nhưng chân gà, cổ vịt, đầu cánh là những thứ rất nhiều nước bỏ đi, cho nên giá rẻ mạt gần như cho, trong khi chúng được bán cho dân nhậu nước mình với giá đặc sản. Lợi nhuận thương mại cao ngút trời. Cho nên, tuy chuyện xưa nay hiếm này xảy ra ở Trung Quốc, nhưng chúng ta có quyền lo lắng. Với siêu lợi nhuận như thế, những thứ đó sẽ có nhiều cơ hội lọt vào mâm cơm của con cái chúng ta.
Đây không còn là nguy cơ mà là tai vạ có thật, đã gây không ít tác hại nhiều năm nay tuy không ai đong đếm được. Con em chúng ta chắc chắn đã đưa vào miệng không ít thực phẩm bẩn và độc hại vô tình hoặc bất khả kháng vì chúng được bán với giá rẻ và người nghèo luôn là nạn nhân. Chúng đến từ đâu vậy?
Chúng ta có hàng trăm cây số biên giới với nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Nhưng lớn chưa hẳn đã là người lớn. Giàu chưa hẳn đã sang. Mạnh chưa hẳn đã là lành mạnh. Thế giới từ nhiều năm nay đã cảnh báo hội chứng “Chết dưới tay Trung Quốc” bằng những lời lẽ thẳng thừng đẫm mùi tuyệt vọng: “Về mặt an toàn của người tiêu dùng, các doanh nhân vô đạo đức Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường thế giới với một loạt sản phẩm, thực phẩm, dược phẩm không gây chết người thì cũng cực kỳ có hại, gây ung thư, dễ gây cháy, độc (...). Dĩ nhiên, nếu vừa đói vừa muốn tự tử, ta luôn luôn có thể thưởng thức cá, trái cây, thịt hay rau nhập khẩu từ Trung Quốc ngấm ngon lành các kiểu kháng sinh bị cấm, vi khuẩn thối rửa, kim loại nặng, hay thuốc trừ sâu bất hợp pháp... Và họ “sử dụng Trái Đất như một gạt tàn thuốc khổng lồ” (Peter Navarro and Greg Autry - Chết dưới tay Trung Quốc). Thực sự nhiều năm nay thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch lỏng lẻo đã biến chúng ta thành cái gạt tàn. Hàng ngàn tấn mỡ lọc từ nước cống bị cảnh sát bắt ở Quảng Châu rất có thể sẽ vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở phía Bắc nước ta. Rồi hàng trăm loại hóa chất, thành tựu của hóa học hiện đại tuồn qua biên giới cho các “ông chủ nhỏ”, giúp họ hái rau muống vài ngày một lứa hay biến rác thành “đặc sản” và vơ đầy túi. Thị trường nước ta tiếp nhận chúng hồn nhiên và vô tư, ai chết mặc ai, quyết không bỏ qua món chân gà, “liều mình như không có”.
Người tiêu dùng đã vô tình đồng lõa với những kẻ đầu độc xã hội bằng miếng ăn. Ham rẻ, ham đồ ngoại được đánh bóng bằng hóa chất và màu mè độc hại mà bỏ qua chuyện chúng đã bị cấm ngặt với dân sở tại nhưng lại được đẩy sang cho người tiêu dùng nhẹ dạ nước ngoài. |
Về người tiêu dùng, rõ ràng là họ đã vô tình đồng lõa với những kẻ đầu độc xã hội bằng miếng ăn. Ham rẻ, ham đồ ngoại được đánh bóng bằng hóa chất và màu mè độc hại mà bỏ qua chuyện chúng đã bị cấm ngặt với dân sở tại nhưng lại được đẩy sang cho người tiêu dùng nhẹ dạ nước ngoài. Có câu “ở bẩn sống lâu” vì ăn của bẩn chưa chết ngay như ăn phải thuốc độc. Lối suy nghĩ ấy xuất phát từ cảnh nghèo nhưng thực ra nó lại làm người ta nghèo hơn vì đau ốm, thuốc thang. Triết lý đưa “ăn” lên hạng nhất trong tứ khoái, học đòi mốt ăn đặc sản từ rắn rết, chuột bọ đến thú rừng, hay ăn “để biết” khi đi du lịch, ăn để có cơ hội “giao tiếp”, “trốn việc” trong các buổi nhậu nhẹt triền miên. Tóm lại, nếp nghĩ “sống để ăn” chứ không phải “ăn để sống” đã phải trả giá.
Công bằng mà nói, không thể đổ lỗi cho một phía người bán. Tiểu ngạch thành đại ngạch, đường mòn thành đại lộ cho đội quân buôn lậu. Có một ông hàng xóm như thế mà cửa không đóng, then không cài hay sẵn sàng ngủ quên một giấc để nhận cái phong bì đựng nhân dân tệ thì trước hết không nên trách kẻ trộm. Rồi nhiều nhà kinh doanh vô lương tâm lớn nhỏ trở thành đồng lõa và nhiều khi thủ phạm chính cống như vài ông lái thịt ở Bình Dương có hàng bể chứa thịt bẩn chờ chế biến.
Nghiêm ngặt kiểm tra biên giới, chống hối lộ vặt để hàng bẩn thông quan là trách nhiệm của chính quyền phải chấn chỉnh thực thi luật pháp và đạo đức công chức. Nhưng không thể bỏ qua đạo đức của người kinh doanh, luôn là gốc của vấn đề. Đành rằng lợi nhuận là mục tiêu cao nhất nhưng loài người vẫn không quên dùng chung cụm từ “tiền sạch”, “lợi nhận chính đáng”. Tự cổ chí kim, từ phương Đông đến phương Tây, từ xã hội tự cung tự cấp cổ xưa đến kinh tế thị trường, đạo đức kinh doanh luôn được đề cao. Đó là chuẩn phân biệt người và thú, xã hội dã man và văn minh. Vồ con chó dẫn đường của người ăn xin mù xô đẩy anh ta lâm cảnh chết đói, con hổ không cần một phút lưỡng lự phân vân về chuyện đạo đức. Hạng Vũ trong ba ngày nấu hai mươi vạn dân lành Bành Thành, cũng không nghĩ tới chuyện đạo đức mà chỉ quan tâm đến ngôi bá, ngôi vương.
Nhưng là một con người, không phải lang sói hay Hạng Vũ, hơn nữa, một nhà buôn, một ông chủ doanh nghiệp lẽ nào vẫn “tự nhiên như ruồi” khi tiếp tay cho thương lái Trung Quốc đưa thực phẩm giết người bán cho đồng loại?
Chỉ cần họ suy nghĩ một phút: giá như trên mâm cơm nhà mình, trong bữa ăn của con cái mình có những thứ này và chúng nó ngày này qua tháng khác vẫn ngấu nghiến ăn mà không hay thì sao nhỉ? Nhà văn đoạt giải Nobel, Albert Camus đã nhắc chúng ta: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”.
Xin được viết thêm: “Dù bộn tiền cho vào túi, không ai đứng về phía đao phủ đang huơ đao trên đầu con cái”.
(Theo TBKTSG)