Trái ngược với nhiều xu hướng nuôi dạy con để thành công, Melina đã đưa ra một quan điểm độc đáo. Nữ chuyên gia cho rằng, việc cố gắng “lập trình” trẻ theo định hướng của bố mẹ là một điều vô nghĩa và không thể khiến đứa trẻ thành công
“Là cha mẹ, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng nuôi dạy con trở thành một người hạnh phúc và biết cách tự kiếm sống”.
Dưới đây là những lời khuyên của bà Mellina về những sai lầm trong việc nuôi dạy con cái, không thể khiến trẻ trở nên hạnh phúc, giàu có trong tương lai.
Giáo sư tâm lý học nổi tiếng người Nga - Marina Mellina.
Cố gắng dạy con thành “nhà vô địch”
Những đứa trẻ bị ám ảnh bởi việc “phải trở thành người xuất sắc nhất” thường lớn lên trong những gia đình có cha mẹ đã đạt được những thành công nhất định và họ cũng mong muốn con mình phải làm được như vậy.
Hoặc chúng cũng có thể lớn lên trong gia đình có cha mẹ từng mơ ước về một điều gì đó, nhưng không thể đạt được và họ đặt mong muốn này lên con cái. Trước những sự áp đặt đó, các “nhà vô địch tương lai” phải dành cả ngày để học và tập luyện. Chúng cũng cảm thấy bức bối nhưng không dám bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Áp lực ngày càng lớn khiến trẻ tin rằng bản thân sẽ chỉ hạnh phúc khi đạt được những mục tiêu này.
Nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ hoàn hảo ngay từ khi còn nhỏ đang dần trở nên phổ biến. Ngày nay, hầu hết cha mẹ đều bắt đầu dạy con mọi thứ từ rất sớm. Nhưng điều đó có phần rất nguy hiểm, bởi nó có thể làm quá tải não của trẻ.
GS Marina Mellia cho rằng, không nên áp đặt lịch trình nghiêm ngặt cho trẻ, bởi điều đó chỉ biến đứa trẻ thành những người có tuổi thơ ảm đạm.
“Cha mẹ hãy cho trẻ có một chút thời gian rảnh rỗi, đôi khi chỉ để hít thở không khí trong lành hay nhìn ngắm bầu trời. Đây chính là cách mà sự sáng tạo được nảy ra”, bà Mellina nói.
Cha mẹ hay kể công
Trên thực tế, việc nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của cha mẹ. Phụ huynh có thể lựa chọn hy sinh vì con hay không. Do đó, cha mẹ không nên đòi hỏi con phải luôn biết ơn vì điều đó. Bà Mellia đưa ra lời khuyên, phụ huynh đừng nói những câu như “Mẹ đã hy sinh rất nhiều, con phải…”.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng thích nói đạo lý với con, điển hình như “Tiền không phải vỏ hến”, “Hồi bằng tuổi con, mẹ đã…”. Thực tế, cách nói này không có tác dụng giáo dục. Thay vào đó, cha mẹ nên thảo luận chi tiết về một tình huống cụ thể.
Ví dụ, nếu trẻ muốn mua một món đồ đắt tiền nào đó, cha mẹ có thể dạy con cách dành dụm tiền để mua, chẳng hạn như giúp con lên kế hoạch tiết kiệm và theo dõi con thực hiện kế hoạch đó.
Trả tiền cho những việc làm của con
Ngày nay, không ít cha mẹ có thói quen trả tiền cho con mỗi khi chúng đạt được điểm tốt, biết tự dọn dẹp phòng hay làm những việc khác tương tự. Việc cha mẹ cổ vũ con khi ngoan ngoãn, học tốt là không sai, nhưng không nên thưởng bằng vật chất.
Việc được trả tiền cho những việc này về lâu dài sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý đòi hỏi, thụ động và chỉ làm tốt nếu việc đó đem lại giá trị vật chất.
Cha mẹ có thể cho con tiền tiêu vặt nhưng cần phải cân nhắc số tiền và phải ấn định số tiền, thời gian cố định. Cha mẹ hãy để trẻ tự quyết định chúng sẽ tiêu tiền vào việc gì. Đây là cách cha mẹ cho trẻ thấy bản thân tin tưởng với các quyết định tài chính của con.
Tất nhiên, cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn con cái, nhưng quyết định cuối cùng phải nằm trong tay trẻ. Chúng có thể mắc sai lầm nhưng điều đó đem lại bài học cho trẻ.
Cha mẹ “đè bẹp” ước mơ của con
Nhiều đứa trẻ có mong muốn được thổ lộ ước mơ của mình với cha mẹ. Nhưng thay vì khuyến khích, ủng hộ, nhiều phụ huynh gạt phăng suy nghĩ của trẻ vì cho rằng điều đó là không thực tế. Khi không được cha mẹ ủng hộ, trẻ trở nên thu hẹp mình, rụt rè và mất niềm tin vào bản thân.
“Cha mẹ nên dạy trẻ chủ động và nói với chúng rằng điều quan trọng là không nên sống theo kỳ vọng của người khác mà hãy làm theo mong muốn của bản thân. Khi cha mẹ nói với trẻ, không nên dùng những từ như “Con phải…” hoặc “Con cần phải làm…”. Điều đó sẽ giết chết động lực và sự sáng tạo của trẻ”, GS Marina Mellia gợi ý.
Thời Vũ (Theo Bright Side)
Những điều cha mẹ cần dạy con trước khi trẻ 10 tuổi
Tất cả những hành vi của trẻ phần lớn đều hình thành thông qua việc giáo dục. Đặc biệt giai đoạn trước tuổi lên 10, đây là thời điểm quan trọng ảnh hưởng lớn tới nhân cách của trẻ sau này.