“Trông người lại ngẫm đến ta”

Những câu chuyện PGS.TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, chia sẻ đã làm nóng không khí hội thảo “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra tại Hà Nội, do Học viện Báo chí Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức.

Câu chuyện thứ nhất: Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” trên VTV3 "giờ vàng" khắc họa cuộc sống của Pu - cô gái người Dao khát khao vươn tới bầu trời rộng mở, đang nhận không ít tranh cãi từ chính cộng đồng người Dao về trang phục, phong tục, cách thức ứng xử...

“Người Dao chắc chắn không mặc lễ phục khi đi chăn trâu. Nhân vật Chải (nam chính) đeo yếm để nhảy múa là hình ảnh hết sức sai lệch, giống như nam giới người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường. Hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ để thắp hương cũng vô lý vì đây là điều cấm kỵ trong phong tục của người Dao. 

PGS TS Doan Trieu Long.jpg
PGS.TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, chia sẻ thông tin bên lề hội thảo. Ảnh: Bình Minh

Bộ phim được đầu tư khá nhiều về tài chính, dự kiến kéo dài 100 tập, phản ánh cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhưng lại vấp phải sự phản ứng của chính chủ thể văn hóa được phản ánh trong phim.

Tại sao một câu chuyện mang đầy tính nhân văn, một ekip làm phim đầy tâm huyết nhưng vẫn có nhiều lỗi đáng tiếc như vậy? Mục đích truyền thông lan tỏa các thông điệp đẹp liệu có phát huy tác dụng?”, PGS.TS Đoàn Triệu Long nêu vấn đề.

Câu chuyện thứ hai: Nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc nói tiếng Việt, đội nón lá khi diễn tại Việt Nam năm 2023 được giới trẻ Việt Nam đón chào cuồng nhiệt. Chỉ sau 2 đêm, họ đã đạt doanh thu 13,66 triệu USD (hơn 333,4 tỷ đồng), tương đương nửa con số phấn đấu của ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2030.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, thành công của những cô gái BlackPink nói riêng, âm nhạc Hàn Quốc nói chung, và rộng hơn là của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Hòa theo xu hướng hội nhập văn hóa của nhân loại, sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc đã được quảng bá hiệu quả thông qua nhiều hoạt động truyền thông như tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, truyền hình...

IMG_8B443B2674D3 1.jpg
Nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc nói tiếng Việt, đội nón lá khi diễn tại Việt Nam. Ảnh: Thục Anh

"Quá trình vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, tiếp biến văn hóa trong xu thế hội nhập, vừa khoan dung đón nhận những tinh hoa văn hóa thế giới chính là một trong những chìa khóa thành công khi lan tỏa văn hóa Hàn ra thế giới. Đây là một trong những bài học quý cho Việt Nam”, vị giám đốc nhận định.

PGS.TS Đoàn Triệu Long phân tích thêm, dòng phim Hàn Quốc làm mưa làm gió suốt nhiều thập niên qua, nhưng ít ai để ý từ những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam cũng có dòng phim này, đó chính là những bộ phim “mì ăn liền” với dàn diễn viên Lý Hùng, Diễm Hương, Diễm My... thu hút đông đảo người xem. Thế nhưng, chính vì khái niệm truyền thông “mì ăn liền” đã khiến dòng phim đó không được đề cao, không được định hướng đầu tư để khuyến khích phát triển, nên đã “chết yểu”.

“Chúng ta thậm chí đã đi trước nhưng rồi không về đích thành công như những người bạn Hàn Quốc”, ông Long tiếc nuối.

Ứng dụng công nghệ để tăng sức mạnh mềm quốc gia

TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thông chính sách ở Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập đã góp phần nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TS Nguyen Cong Dung.jpg
TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh, đa dạng văn hoá vốn là một đặc tính của văn hoá Việt Nam, trong đó có sự kết tinh giữa bản sắc văn hoá của 54 dân tộc với 99,5 triệu dân đang sinh sống ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc.

Xã hội đa văn hóa của một Việt Nam phồn vinh đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là nguồn lực quan trọng tạo ra sự thu hút, sức hấp dẫn khó có thể chối từ đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Phạm Minh Sơn, đa văn hóa là một sức mạnh mềm của quốc gia và việc truyền thông về chính sách đa văn hóa là quá trình làm cho sức mạnh mềm ấy có cơ hội thăng hoa. 

Khi đa văn hoá vẫn chưa phải là thuật ngữ quen thuộc thì các hình thức truyền thông chính sách cần phải được làm mới nhiều hơn, hướng tới cách thức truyền tải thông điệp sáng tạo và ý nghĩa, thậm chí còn cần phải được cá biệt hóa hơn nữa trong thời kỳ số hóa.

"Những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và hoạch định, thực thi chính sách cần đảm bảo rằng thông điệp về đa văn hóa được truyền tải một cách chính xác, tôn trọng và đầy đủ; cần khám phá và thể hiện sự đa dạng trong các hình thức truyền thông, từ báo chí đến truyền hình, từ mạng xã hội đến phim ảnh", PGS.TS Phạm Minh Sơn khuyến nghị.

PGS.TS Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có hàng trăm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành về việc chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, song kết quả vẫn chưa thực sự tốt như mong muốn.

Thiếu nguồn lực và công nghệ truyền thông hiện đại được xác định là một trong những nguyên nhân. Thời gian tới, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ truyền thông, sử dụng công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông phù hợp với từng cộng đồng, vùng miền.

“Hàn Quốc đã ứng dụng rất tốt công nghệ để phát huy hiệu quả hoạt động truyền thông về đa văn hóa. Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính sách vẫn còn hạn chế. Kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ là một vấn đề hết sức cơ bản. Nhưng còn nhiều yếu tố khác như tầm nhìn, sự lãnh đạo, chỉ đạo, làm sao đủ quyết liệt, thông suốt cũng cần quan tâm hơn”, PGS.TS Đoàn Triệu Long chia sẻ.