- Bàn tiếp về vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành, về các cơ sở mầm non chưa được chăm lo chu đáo bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, lương tâm phải là yếu tố hàng đầu rồi mới tới trách nhiệm và pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chuyện bạo hành trẻ em diễn ra liên tục như vậy, theo bà trách nhiệm chính thuộc về ai?
Ý của bạn là phải đặt vấn đề pháp luật lên trước, nhưng cá nhân tôi lại cho rằng lương tâm phải là yếu tố hàng đầu rồi mới tới trách nhiệm và pháp luật.
Bác Hồ từng nói, “trẻ em như búp trên cành” có nghĩa tất cả những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em nhưng chúng ta đã làm được chưa? Nếu đã làm thì việc này đã làm đến mức độ nào, hay chỉ làm tượng trưng, khuôn mẫu?
Tôi thấy bây giờ cái gì cũng phải có tiền thì mới giải quyết được vấn đề. Chúng ta nói rằng sẽ xây dựng thật nhiều nhà trẻ cho trẻ em nhưng cuối cùng phần lớn vẫn là tiền của phụ huynh chung tay đóng.
Công an làm việc với bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh) sáng 27/11. Ảnh: VOV |
Chúng ta không cần nhìn đâu xa mà hãy nhìn ngay trong đất nước mình xem, mặc dù đất nước đã đổi mới, đã hội nhập có bao nhiêu trẻ em vẫn phải phải sống cơ cực? Bao nhiêu trẻ mồ côi vẫn chưa được chăm sóc chu đáo?
Như báo chí đã phản ánh, trong xã hội liên tục xảy ra chuyện cha hành hạ con, bà nội giết cháu rồi dựng hiện trường giả, bảo mẫu hành hạ trẻ em… Đây chính là những tiếng chuông báo động về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội.
Do đó tôi muốn nhấn mạnh hai từ lương tâm vì: Trẻ em luôn là những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội. Các em không có khả năng chống cự một yếu tố khách quan nào nên chúng cần được bảo vệ, cần được chăm lo chu toàn.
Hiện nay chúng ta mới chỉ làm tốt một phần việc yêu thương chăm sóc trẻ trong gia đình. Nhưng lại cũng chính tại nhiều gia đình vẫn xảy ra tình trạng bạo hành máu ruột của mình. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, khổ sở. Nhiều đứa trẻ vẫn không có nơi nương tựa đâu.
Vì tương lai bọn trẻ, chúng ta cần phải đánh thức lương tâm trong mỗi người.
Theo bà, chúng ta phải đánh thức như thế nào bởi lẽ ra đây phải là tình cảm bản năng và được nuôi dưỡng hàng ngày?
Về trách nhiệm, hiện nay Luật Trẻ em (thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) đã có nhưng chúng ta vẫn thực thi chưa nghiêm.
Theo tôi biết, không có phường xã nào trên đất nước này không có tổ chức bảo vệ trẻ em. Vậy hãy nhìn thẳng và nói thật xem, những tổ chức, cá nhân được phân công bảo vệ trẻ em đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Đã đến lúc phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan này vì chúng ta không được phép bỏ rơi một số phận trẻ em nào trong xã hội.
Về việc xử lý kỷ luật người đứng đầu trong hệ thống luật pháp cũng có đủ cả. Nhưng áp dụng như thế nào và người nào là người đứng đầu thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Sự việc xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh nếu theo luật chúng ta kỷ luật ai? Lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo quận 12, hay lãnh đạo phường, trưởng phòng giáo dục, Sở GD-ĐT…?
Có lẽ do chúng ta có quá nhiều người đừng đầu nên không thể chỉ đích danh người nào đứng đầu nào trong câu chuyện một thời gian dài trẻ em bị bạo hành dã man.
Sau những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo hành trẻ mầm non mà chúng ta vẫn quản lý theo kiểu “thành tích này là thành tích của tôi”, hay “khuyết điểm kia là trách nhiệm của tập thể” thì những chuyện đau lòng liên quan tới con trẻ sẽ khó có thể dừng lại được.
Có phải gốc gác vấn đề nằm ở trách nhiệm tập thể cho nên mặc dù có tới 15 cơ quan bảo vệ trẻ em vậy mà nhiều đứa trẻ của chúng ta vẫn phải sống thiếu an toàn do thiếu vắng sự bảo vệ, chăm sóc?
Tôi nghĩ thà có ít cơ quan tổ chức mà làm thật tốt, làm đến nơi đến chốn hơn tổ chức cho thật nhiều cơ quan rồi lơ là, trông chờ, ỷ lại với nhau.
Và tôi cũng có cùng thắc mắc là không rõ có cơ quan bảo vệ trẻ em nào, hằng ngày chủ động vào các trường học xem các cháu ăn uống, học hành như thế nào, hay khi xảy ra sự việc mới thi nhau lên lên tiếng, ghé thăm.
Tôi đảm bảo nếu trong 15 cơ quan này chỉ cần có 1 hoặc 2 cơ quan, hay mấy tổ chức ở cấp phường xã mà làm việc với lương tâm và trách nhiệm, thường xuyên giám sát thì đảm bảo chuyện bạo hành trẻ cũng khó xảy ra.
Hãy đặt những đứa trẻ này vào vị trí là con cái của mình để thấu hiểu nỗi đau mà các em đang chịu đựng.
Theo tôi biết khi xảy ra sự việc các cơ quan đề xuất gắn camera nhưng có lẽ nếu không xuất phát từ lương tâm thì việc gắn camera cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ không xử lý được tận gốc vấn nạn bạo hành, coi thường trẻ con. Vì vậy một lần nữa tôi nhấn mạnh rằng, cần phải có lương tâm, đừng bắt trẻ nhìn vào camera mà hãy gắn camare vào lương tâm của mỗi người.
Bà có tin rằng, cứ phạt tù thì sẽ ngăn chặn được nạn bạo hành trẻ em không?
Những hình thức phạt tù hay các hình thức phạt nặng hơn đối với những cá nhân vi phạm phải được xem xét thấu đáo. Nhưng dứt khoát phải xử lý thật nghiêm khắc những người bạo hành trẻ và quan trọng hơn cả là những hình phạt này phải đủ sức răn đe với họ và với người khác để không ai còn dám tái phạm.
Bà có thấy rằng, việc cấp phép tràn lan và thiếu vắng hậu kiểm tại nhiều cơ sở trông giữ trẻ gia đình cũng cần phải được chấn chỉnh lại, dọn dẹp lại?
Hiện nay, nhiều cơ sở mầm non coi việc có giấy phép hoạt động như một lá bùa hộ mệnh.
Trong khi ai cũng biết để xin được giấy phép từ các cơ quan chức năng thì các bước phải thế nào.
Các cơ quan chức năng cũng đừng nghĩ rằng cứ cấp xong một giấy phép là hết trách nhiệm. Trong luật có đủ các qui định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng này như thế nào rồi.
Chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ.
Lê Na thực hiện
“Nếu NQ 05 được nghiên cứu kỹ thì xã hội nay đã khác rồi”
“Nhà nước chưa bao giờ coi nhẹ bậc mầm non, có lẽ chúng ta cần xem lại cách phân bổ tài chính chi cho giáo dục và đào tạo sao cho hiệu quả, khoa học với từng cấp học, bậc học”
Không thể hết nạn bạo hành con trẻ?
Chuyện bảo mẫu nhà trẻ tư thục bạo hành các cháu tuổi mầm non, mẫu giáo, không phải bây giờ, mà diễn ra nhiều năm rồi...
Lãnh đạo hãy xuống tận nơi, hỏi dân gửi con ở đâu
"Giá như lãnh đạo sát sao với thực tế, dành khoảng 5 ngày trong tháng xuống tận nơi, hỏi dân xem con họ gửi ở đâu, các cháu ăn uống như thế nào..."