Đối thoại Giáo dục Toàn cầu năm 2015 diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc, trong hai ngày 26 và 27/2. Chủ đề năm nay là vai trò của công nghệ trong cuộc đua tài năng toàn cầu.
Ở một tầm mức sâu hơn, hội thảo đã đặt ra những câu hỏi rất quan trọng và lý thú về tương lai của GDĐH.
Vietnamnet có cuộc trò chuyện với ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH FPT, một trong các diễn giả của cuộc đối thoại năm nay.
Ông Minh cho biết đã có rất nhiều ý tưởng mới về GDĐH được đưa ra.
Ông Đàm Quang Minh |
Anh ấn tượng với những ý tưởng nào?
- Vì là đối thoại, nên các ý tưởng được đưa ra liên tục. Nhưng về cơ bản, mọi người tương đối thống nhất rằng GDĐH trong thời gian tới sẽ có những thay đổi rất lớn, trong đó có những tuyên bố khá sốc như 25% số trường đại học trên thế giới sẽ biến mất hoặc bị sáp nhập trong vòng 10 – 15 năm tới.
Ngay cả những trường hàng đầu cũng đồng ý rằng GDĐH cần phải thay đổi vì gặp chung một vấn đề: Sinh viên ra trường không có việc làm.
Đại diện của Intel có giải thích khá thú vị về việc rất nhiều nghề trong thời gian tới sẽ biến mất hay thu hẹp quy mô, sẽ bị thay thế bởi những nghề khác nếu các trường cứ dạy như hiện nay. Đó là các nghề như nhà báo, nghề lái máy bay…, và không hiểu sao có cả nghề luật sư.
Thứ hai, là chúng ta sẽ phải đối phó với sinh viên thế hệ mới như thế nào. Họ được gọi là “thế hệ i” (i-generation), một thuật ngữ chỉ những người sinh từ năm 1985 về sau, thế hệ đầu tiên trưởng thành trong môi trường mà việc sử dụng công nghệ truyền thông trở thành phổ biến rộng rãi. Họ sinh ra đã thấy và sử dụng các thiết bị công nghệ như như smartphone, tablet… thành thạo và thường xuyên trong mọi hoạt động của đời sống, không hề biết thế giới mà không có những cái đó sẽ như thế nào.
Mọi người đều xác định rằng cách dạy thế hệ mới sẽ rất khác, vì thông tin đã quá tràn ngập.
“Thế hệ i” làm chủ công nghệ, và nếu người thầy còn dạy theo cách cũ thì hoàn toàn vô nghĩa. Mọi người kết luận vấn đề không nằm ở bọn trẻ, mà sẽ nằm ở những người già, sẽ dạy và thích nghi với cả cái xu thế mới như thế nào.
Trên trang cá nhân anh có nhắc tới thống kê của một diễn giả so sánh giữa chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp về sự thích ứng với sự thay đổi toàn cầu về giáo dục, trong đó Chính phủ được đánh giá là bên chậm chạp nhất. Anh có thống kê hay so sánh nào về điều này ở Việt Nam?
- Tôi không có con số thống kê nào về vấn đề này, chỉ biết rằng chúng ta đang rất chậm, chậm đến mức chúng ta không nhận ra rằng mình đang chậm.
Tôi cũng không muốn kết luận, quy kết cho ai chậm nhất, bởi điều đó không quan trọng bằng việc chúng ta phải xác nhận rằng tất cả đều đang chậm. Chậm đến mức không biết rằng thế giới đang thay đổi. Nếu chúng ta không ý thức được rằng giáo dục đại học đang thay đổi trên quy mô toàn cầu mà chúng ta còn tranh cãi toàn chuyện vớ vấn thì đến lúc họ thay đổi xong rồi chúng ta vẫn đang tranh cãi những chuyện vớ vẩn đấy, chưa ra khỏi vũng lầy đấy.
Ai chậm chạm trong việc thích ứng của việc thay đổi toàn cầu về giáo dục? - Bài nói của một diễn giả tại Đối thoại giáo dục Toàn cầu năm 2015 |
Hãy để các trường có quyền được chết
Quay trở lại với dự đoán 1/4 số trường đại học sẽ biến mất trong thời gian tới. Phải chăng, đây là một con số hơi bị thổi phồng?
- Câu chuyện này hơi cực đoan, nhưng những người tham gia đối thoại không nghĩ đấy là câu nói đùa.
Gần đây có bài báo viết rằng năm vừa rồi ĐH Harvard đạt kỳ lục về số tiền quyên tặng và số lượng sinh viên nộp đơn xét tuyển. Và bài báo này đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải người chiến thắng sẽ lấy tất cả của những trường còn lại?
Điều này trong kinh tế rất phổ biến. Nhưng đại học hiện nay không thế. Ngay cả ở Hoa Kỳ, là môi trường rất cạnh tranh, có hơn 20 triệu sinh viên với khoảng 4.500 trường ĐH, CĐ, nhưng không có trường nào chiếm tới 30% lượng sinh viên toàn quốc – như hiện tượng chiếm lĩnh thị phần trong kinh tế - mà cùng lắm chỉ chiếm 1 – 2%.
Nhưng từ bây giờ sẽ bắt đầu xuất hiện xu hướng những trường lớn sẽ lớn hơn. Trường lớn bành trướng, đương nhiên trường nhỏ sẽ chết. Thực tế là bắt đầu có hiện tượng chết dần các trường ĐH, và Việt Nam sẽ không phải ngoại lệ.
Nhưng chuyện đấy là tích cực. Việc có những trường cứ ngắc ngoải mãi mà không chết là vấn đề của nhà quản lý. Chúng ta dở ở chỗ không cho các trường chết, và cũng không cho đẻ mới. Đáng ra các trường yếu nên chết đi, các trường mới, mô hình mới phát triển hơn, mạnh mẽ hơn thì cho ra đời, cho sống để thay thế. Xu thế sáp nhập hoặc giải thể giống như chúng ta làm với ngân hàng cần được thực hiện để môi trường giáo dục đại học được trong lành hơn.
Công nghệ đóng vai trò như thế nào đối với sự thay đổi của của GDĐH, và sự sống còn của các trường ĐH?
- Đây là câu chuyện mà ai cũng thấy. Tôi có trình bày tại sự kiện này về việc công nghệ thông tin và sự bùng nổ các phát kiến mới đang khiến xã hội thay đổi nhanh chóng. Trong đó, hệ thống GDĐH không phải là ngoại lệ.
Ngày nay, người thầy không thể tiếp tục cách dạy như trước đây được nữa, bởi lẽ sinh viên thành thạo công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn thế hệ trước rất nhiều. Và cái khác biệt so với sinh viên trước đây là họ có thể kiểm chứng gần như lập tức những gì thầy giảng.
Những cơ hội mà công nghệ mang lại cho hoạt động giáo dục hiển nhiên là hết sức to lớn. Đào tạo người thầy có khả năng thích ứng trong môi trường công nghệ cao này là một thách thức lớn, nhưng chính những thách thức đó là điều kiện cho sự trưởng thành của nhà trường cũng như của từng cá nhân.
Thực tế trong lịch sử đại học cũng đã nhiều lần thay đổi. Bây giờ, đang chuyển sang xã hội công nghệ, và có cái gì khác nữa đang định hình. Tôi thấy thú vị nhất là mình đang được sống trong giai đoạn định hình, như giai đoạn này.
Đối thoại lần này còn nói một ý nữa, là đại học sẽ chuyển đổi sang dạng thức khác, nhưng không có nghĩa là nó phủ nhận dạng thức cũ và có kế thừa. Còn dạng thức đấy là gì thì còn chưa rõ ràng, nhưng mình phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi đấy.
"Tôi tin hơn, nhưng sợ một điều"
Anh thấy rằng hiệu ứng lớn nhất của những cuộc, như đối thoại này, là gì?
- Là mọi người có niềm tin hơn. Bởi vì, nói chung mọi người đều đã cảm nhận mơ hồ về sự thay đổi, nhất là những ai nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực GDĐH.
Giống như khi nói là “Hôm qua tôi nhìn thấy đĩa bay trên bầu trời”. Nếu chỉ một mình mình thấy, thì có khi chính mình không tin vào sự kỳ lạ đấy. Nhưng nếu gặp 3, 4 người cùng bảo hôm qua có thấy, thì mọi người tin hơn rằng đó là một sự thật.
Chuyện này cũng vậy. Nếu mình cảm nhận được rằng GDĐH dường như đang thay đổi, và khi cùng ngồi với nhau tất cả đều bảo “Ừ, tôi cũng nghĩ thế”, thì niềm tin lớn hơn nhiều.
Khi có niềm tin, hành động sẽ mạnh mẽ hơn. Rằng không thể chậm trễ nữa rồi, nếu chậm trễ là mình chết, là sẽ nằm trong nhóm 25% kia.
Đó có phải là điều mà các trường đại học VN đang thiếu không, khi mà một năm dù ngồi cùng nhau không ít lần nhưng…
- …Nhưng không bao giờ nói tới những chuyện như vậy. Những chủ đề thế này chưa bao giờ được nói ở Việt Nam. Có thể sự quan sát của tôi chưa đầy đủ, nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ toàn bàn tới tự chủ tài chính, lợi nhuận, phi lợi nhuận…
Xin cảm ơn anh.
Đối thoại Giáo dục toàn cầu là một chuỗi sinh hoạt học thuật thường niên của Hội Đồng Anh, nhằm tập hợp các nhà lãnh đạo trong khu vực chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học từ nhiều nước trong một diễn đàn thảo luận đa quốc gia về những vấn đề trọng yếu nhất đã và đang có tác động mạnh mẽ đến GDĐH trên thế giới. Tham dự đối thoại năm nay có hiệu trưởng các trường ĐH đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ… đại diện doanh nghiệp Microsoft, Intel, Vụ trưởng vụ đại học các nước, chủ tịch ủy ban giáo dục các nước. Việt Nam có đại diện đến từ Trường ĐH FPT và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. |
Chi Mai thực hiện