Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đề án về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (ngày 26/5), toàn tỉnh đã tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho 73.032/75.000 lao động. Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 4.139 lao động, với số tiền trên 141 tỉ đồng. Dự báo đến cuối năm 2020 toàn tỉnh tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho 91.032/75.000 lao động, đạt tỷ lệ 121,38% kế hoạch.
Một góc Hậu Giang nhìn từ trên cao |
Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn bản có liên quan, các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 381/300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt tỷ lệ 127%.
Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, qua kết quả tổng điều tra đầu năm 2016, Hậu Giang có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,91% và 5.853 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3%. Đến đầu năm 2020, Hậu Giang có 10.088 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% và 8.832 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,36%. Như vậy, toàn tỉnh giảm được 18.957 hộ nghèo, biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 2,48%, vượt mục tiêu đề ra mỗi năm giảm trên 2%.
Để thu được kết quả trên, Hậu Giang đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cụ thể, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho 73.418 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng doanh số cho vay trên 1.600 tỉ đồng.
Trên 2.540 hộ nghèo được hỗ trợ nhà tình thương, hỗ trợ xây dựng 974 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững như dự án Chương trình 135, dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135…
Giảm nghèo bền vững song song với đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Nhằm duy trì và phát huy những thành quả đạt được trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã chỉ đạo một số vấn đề:
Ban Chỉ đạo giảm nghèo, giải quyết việc làm các cấp cần tập trung kiện toàn, củng cố và nâng chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, phân công trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tiếp cận, hướng dẫn từng hộ nghèo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình.
Nghiên cứu thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đề xuất các cơ chế khuyến khích hộ nghèo tự lực vươn lên. Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng địa phương để từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo với giải pháp đúng hướng, giúp người nghèo, xã nghèo, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, người nghèo theo hướng chuyển dần từ chỗ không sang hỗ trợ có điều kiện.
Song song đó, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sử dụng lại lao động được đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nâng cao chất lượng dự báo, tăng cường rà soát tình hình lao động mất việc làm, thiếu việc làm, kết nối cung cầu lao động, để tạo nhiều việc làm mới cho người lao động.
V.v…
Vĩnh Sang
Ảnh: Lệ Yên