Theo tin từ Sở TT&TT Hậu Giang, Sở TT&TT Hậu Giang vừa có văn bản giải trình về chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang năm 2016, trong đó, giải trình cụ thể về hai tiêu chí ứng dụng CNTT và cung cấp công dịch công trực tuyến.
Theo Sở TT&TT Hậu Giang, chỉ có tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin đạt 0,5 điểm về thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Các tiêu chí còn lại như tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử, mức độ hoàn thành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4, thực hiện quy định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đều chưa đạt điểm.
Để tăng điểm số về tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng, mức độ hiện đại hóa tại các tỉnh, thành phố nói chung, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cho biết, Sở sẽ có tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí kinh phí cho các dự án để ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm kịp thời và bố trí kinh phí xây dựng khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang.
Song song đó, tham mưu cho UBND chỉ đạo các đơn vị trao đổi tất cả văn bản dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật) để đạt điểm tối đa. Mặt khác, sớm triển khai phần mềm Quản lý văn bản cấp huyện để thực hiện kết nối liên thông trao đổi văn bản giữa cấp tỉnh, huyện và xã; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến; tạo tài khoản và hướng dẫn người dân sử dụng công dân điện tử; khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến qua mạng. Ngoài ra, đề xuất các sở, ngành khẩn trương triển khai nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ngày 30/5/2017, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 (Par Index năm 2016) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các tỉnh, thành phố là 74,64%, trong đó có 30/63 đơn vị đạt kết quả trên giá trị trung bình. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 được chia thành 04 nhóm. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 đạt được là 90,32% và là địa phương duy nhất có kết quả chỉ số thuộc Nhóm A. Hậu Giang là địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đứng cuối bảng xếp hạng đạt 62,55%, thấp hơn 27,77% so với vị trí dẫn đầu.
Hiện nay các bộ, ngành địa phương đang tích cực triển khai cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hồi tháng 1/2017. Theo đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức rà soát, đánh giá TTHC theo phạm vi quản lý hoặc thực hiện để cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm những TTHC không cần thiết, không còn phù hợp, đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ TTHC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19 ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về chuẩn hóa, công bố, công khai, niêm yết và cập nhật TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền nhằm tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện đối thoại định kỳ với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC thuộc phạm vi chức năng và thẩm quyền quản lý để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Đặc biệt, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu, định kỳ 6 tháng/lần phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC và giải quyết TTHC.