Tại ĐBSCL, hàng năm các trang trại nuôi cá tra thải ra hơn 10 tỉ m3 nước thải có chứa khoảng 51.336 tấn nitơ và 16.070 tấn phốt pho không qua xử lý; mỗi năm có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc, 210 tấn hoạt chất thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở ĐBSCL cũng là thách thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tình trạng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và các hóa chất độc hại thải ra môi trường là khá lớn; nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến phát triển nền nông nghiệp và tác động tiêu cực chất lượng cuộc sống của người dân.
Hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Trong xu thế đó, triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhằm hướng đến các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực khác nhau
Từ tinh thần đó trong thời gian qua, Hậu Giang đã cổ vũ, triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững.
Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 5 cấu phần đó là: phát triển công nghiệp, nông nghiệp nông thôn, xây dựng các cụm ngành mũi nhọn và phát triển đô thị.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, Hậu Giang sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, định hướng chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 với kỳ vọng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang hướng tới cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt thu hút các dự án triển khai kinh tế tuần hoàn.
Hiện Hậu Giang đã thu hút được 2 dự án khu sản xuất, chế biến nông sản tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.
Dự án Khu sản xuất, chế biến nông sản tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn (AGINE) do Công ty Cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam làm chủ đầu tư, tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, với tổng mức đầu tư gần 21.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án Khu sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn (GREENDEVI) do Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây dựng cơ giới nông nghiệp THD Việt Nam làm chủ đầu tư, tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Đây là 2 tổ hợp dự án về trồng trọt - chăn nuôi - chế biến khép kín, tuần hoàn. Trong đó, sản phẩm chính là lương thực hữu cơ, phân vi sinh, thực phẩm chất lượng cao sản phẩm chăn nuôi và năng lượng tái tạo, đầu ra của hợp phần này, là đầu vào của hợp phần khác nên không có chất thải rắn, nước thải được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Uớc tổng doanh thu từ 2 tổ hợp dự án này gần 24.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động, với mức thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm.
Đây là 2 dự án có quy mô lớn không những của Hậu Giang, mà lớn đối với khu vực và cả nước, phù hợp với hiện trạng quy hoạch sử dụng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang.
Quy mô dự án hoàn toàn phù hợp với định hướng, chủ trương mới của Trung ương về phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.
Đồng thời, dự án cũng phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh Hậu Giang về phát triển kinh tế bốn trụ cột, trong đó trụ cột nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Qua đó, tỉnh cũng đã xác định chính sách ưu đãi đối với đầu tư là thu hút chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản, các nguyên liệu trên địa bàn.
Cửu Long