Trao đổi với ICTnews trong lần gặp gỡ mới đây, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cho biết, hạ tầng cũng như các ứng dụng CNTT tại tỉnh Hậu Giang còn khá nghèo nàn.
Với đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, đầu tư cho CNTT ở Hậu Giang rất hạn chế. Từ năm 2011 đến nay, vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT tại Hậu Giang chỉ có hơn 6 tỷ đồng (tức là mỗi năm, ngân sách chi cho CNTT của tỉnh chỉ có hơn 1 tỷ đồng).
Hiện tại, ở Hậu Giang chủ yếu sử dụng mạng kết nối Intenernet công cộng, hệ thống dùng chung và điện toán đám mây để chia sẻ dữ liệu chứ chưa có mạng dữ liệu dùng riêng của tỉnh nên tốc độ chậm. Đường truyền riêng chỉ được nối từ tỉnh xuống huyện phục vụ việc họp trực tuyến nhưng lại chưa về đến các xã nên chưa triển khai được các phền mềm quản lý Nhà nước ở cấp xã.
Về các ứng dụng CNTT, tỉnh đang có 3 hệ thống thông tin dùng chung, bao gồm: Cổng thông tin điện tử của UBND; Hệ thống quản lý văn bản và hệ thống một cửa điện tử (dùng công nghệ cổng) đã được sử dụng có quy mô rộng hơn từ cấp tỉnh, huyện đến các xã giúp quản lý hồ sơ giúp người dân và doanh nghiêp giúp có thể theo dõi xử lý qua Internet và tin nhắn điện thoại (được đưa vào sử dụng từ năm 2013). Tuy nhiên, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, được khai trương từ 2008, vẫn sử dụng công nghệ cũ lạc hậu còn hệ thống xử lý văn bản giúp xử lý, điều hành văn bản trên môi trường mạng nhưng chỉ được sử dụng đến cấp huyện (do ở cấp xã chưa có hạ tầng mạng).
Hiện Sở TT&TT đã hoàn thành dự thảo trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các chương trình mới của Chính phủ nhưng còn gặp khó vì phân bổ vốn trung hạn từ nay đến 2020 dành cho CNTT ở Hậu Giang gần như không có.
Trong Kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử đến 2020, Hậu Giang sẽ tập trung xây dựng nhiều hệ thống thông tin chuyên ngành trong quản lý Nhà nước và dân cư; hệ thống các dịch vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng trung tâm thông tin của tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư. Hiện Sở TT&TT (với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch) vẫn đang nỗ lực thuyết phục lãnh đạo tỉnh để ban hành sớm kế hoạch này.
Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh chính sách phân bổ tài chính để triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực CNTT và truyền thông tại Hậu Giang.
Hậu Giang cũng có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển ứng dụng CNTT, viễn thông trong cơ quan Nhà nước, cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động CNTT và truyền thông. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT trực tiếp phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Các chương trình, dự án quy hoạch, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xây dựng hạ tầng các khu CNTT tập trung; Các dự án đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo quy hoạch, kế hoạch; Hỗ trợ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước trong lĩnh vực CNTT và truyền thông nhằm mục tiêu hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho CNTT và truyền thông bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển và khai thác hạ tầng viễn thông băng rộng, đa dạng hóa các dịch vụ CNTT hay huy động và sử dụng các nguồn vốn khác cho các dự án phát triển CNTT và truyền thông.