Hậu Giang là một trong hai tỉnh của Đồng bằng Sông Cửu Long có chất lượng mít ngon nhất. Cây mít chiếm khoảng 2.087 ha trong cơ cấu cây trồng của toàn tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, mít được trồng nhiều ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Sản phẩm mít Hậu Giang được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều nơi, xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc.

Tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành được chọn để xây dựng Mô hình trồng Mít gắn mã số vùng trồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với qui mô 20 ha/ 27 hộ tham gia được triển khai thực hiện trong năm 2024. 

Để chuyển sang mô hình này, bà con nông dân được tập huấn về cải tạo đất, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh, cỏ dại,…. đo độ PH đất và kiểm tra độ ẩm của đất. Đồng thời, được các kỹ thuật viên hướng dẫn các phương pháp để nông dân tiếp tục theo dõi sức khỏe của đất và cây trồng; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, hướng dẫn sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc và nhóm thuốc có độ độc thấp, thời gian phân hủy nhanh, gắn với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên vườn nhằm góp phần từng bước bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Hiểu ý nghĩa và lợi ích của mã số vùng trồng, bà con nông dân đã làm quen việc ghi chép nhật ký sản xuất, giám sát, đảm bảo kỹ thuật được các cán bộ nông nghiệp địa phương thường xuyên thực hiện, từ đó những trở ngại của bà con được nhanh chóng tháo gỡ.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Hiểu ý nghĩa và lợi ích của mã số vùng trồng, bà con nông dân tại Hậu Giang đang dần quen việc ghi chép nhật ký sản xuất, giám sát để duy trì kỹ thuật canh tác. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 100 vùng trồng đã được cấp mã số, trong đó 40 mã số vùng trồng trên cây mít. 

Để thúc đẩy phát triển ngành nông sản theo hướng bền vững theo tín hiệu thị trường, hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch, xã Phú hữu tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thu thập thông tin thị trường nông sản, đặc biệt là việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hữu cho biết trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo kiểu mới tập trung sản xuất, kinh doanh nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu; tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường gắn với thực hiện chương trình OCOP…

 
 

Việt Hùng và nhóm PV, BTV