Theo Sở TT&TT Hậu Giang, ngày 25/8/2017, Đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang. Tiếp đoàn đại diện Sở TT&TT cùng đại diện cán bộ phụ trách chữ ký số của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, ngành và UBND thành phố Vị Thanh.
Theo đó, việc triển khai chữ ký số tại Hậu Giang được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình của địa phương. Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm và nhận thức cao của lãnh đạo các cấp. Sở TT&TT đã tiếp nhận từ Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền cấp 1.173 chứng thư số, trong đó, có 1.103 chứng thư số cá nhân (lãnh đạo, trưởng phó phòng các Sở, ngành, lãnh đạo, trưởng phó phòng UBND các huyện, thị xã, thành phố) và 70 chứng thư số tổ chức cho các đơn vị, 31 thiết bị ký số cá nhân đã thu hồi. Đến nay, có 14/34 đơn vị sử dụng chữ ký số tổ chức, 29/34 đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân ký số các loại văn bản. Mặt khác, việc tập huấn chữ ký số được tiến hành từng bước, từ hướng dẫn cho lãnh đạo, văn thư, chuyên viên quản trị “cài đặt, áp dụng, tổ chức triển khai”. Đến nay, Sở đã tổ chức 54 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng chứng thư số cho gần 1.000 cán bộ tham gia (lãnh đạo, văn thư, quản trị). Hiện nay chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số được sử dụng trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, góp phần tạo nền tảng cho việc ứng dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số tại đơn vị mình. Việc thực hiện ký số của cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị chưa thường xuyên, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Hiện tại, việc ký số chỉ áp dụng cho một số văn bản thông thường (chưa áp dụng đối với các văn bản liên quan đến tài chính, kinh phí). Công tác lưu trữ văn bản giấy vẫn còn duy trì mặc dù công văn gửi đi được số hóa. Chưa tích hợp chữ ký số trong một số phần mềm dùng chung: phần mềm Một cửa điện tử, Cổng thông tin điện tử. Các văn bản được ký số còn ít và đơn giản nên hiệu quả còn hạn chế…
Trước những kiến nghị của Sở TT&TT, Đoàn kiểm tra cho biết Bộ Nội vụ đang có dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng chữ ký số cũng như hướng dẫn cụ thể về thể thức trình bày và tính pháp lý của văn bản có chữ ký số. Việc thay đổi thông tin của chứng thư số cần thực hiện đúng theo quy trình để đảm bảo tính an toàn, bảo mật cũng chứng thư số. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm phần mềm thực hiện ký số trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS hoặc Android…
Ghi nhận những kết quả đạt được của Hậu Giang trong ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ và Đoàn kiểm tra đề nghị Sở TT&TT Hậu Giang cần có kế hoạch tổng thể hàng năm và quy chế ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước trình Thường trực UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để giới thiệu, tuyên truyền việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo dõi, đề xuất, hỗ trợ chữ ký số cho các đơn vị thuộc khối Đảng và các đơn vị thuộc khối Nhà nước chưa thực hiện chữ ký số để đảm bảo văn bản điện tử liên thông.