Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết) của tỉnh Hậu Giang, quá trình triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp giảm nghèo đã tác động tích cực và đạt kết quả rõ rệt góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Trong 7 nhiệm vụ của giai đoạn 2016 – 2020 được tổng kết, thì nhiệm vụ thứ 6 là: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng, đào tạo nghề hợp lý, hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú với quy mô phù hợp; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cử tuyển gắn với sử dụng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo. |
Đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo
Tổng kết cho thấy, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả trong triển khai nhiệm vụ này, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, phân luồng.
Theo đó, trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, cụ thể là đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg được triển khai sâu rộng đến người dân ở vùng nông thôn. Qua đó, giúp người nghèo, cận nghèo có được tay nghề cần thiết, từ đó một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm tại chỗ và cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo.
Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 38.488 lao động nông thôn, trong đó có 4.154 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (chiếm 10,79%/tổng số lao động được đào tạo nghề), các nghề chủ yếu như: nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi thú y, sửa xe gắn máy, điện gia dụng, may gia dụng, đan đát, làm tóc, chằm nón..., tổng kinh phí trên 6.500 triệu đồng; riêng các lớp đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp, tỷ lệ người nghèo, cận nghèo tham gia chiếm khoảng 20%.
Tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” giai đoạn 2018 - 2020.
Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy hiệu quả, khắc phục tồn tại, hạn chế
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần giải quyết. Đó là: Việc tuyên truyền vận động người nghèo, cận nghèo tham gia các lớp đạo tào nghề gặp rất nhiều khó khăn, không tổ chức được riêng lớp đào tạo nghề dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chủ yếu tổ chức chung với các đối tượng khác (kể cả đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao cũng không tổ chức được).
Nguyên nhân là do hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu thấy lợi ích trước mắt, phải đi làm thuê hàng ngày để trang trải cuộc sống, nên hộ nghèo, cận nghèo có sự so sánh khoảng thời gian học nghề sẽ bị mất thu nhập (mặc dù được hỗ trợ tiền ăn hiện nay 30.000 đồng/người/ngày thực học và được hỗ trợ chi phí đi lại, nhưng đến cuối khoá mới được nhận), nên nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo chọn phương án đi làm thuê để có thu nhập hàng ngày, không chọn phương án học nghề.
Bên cạnh đó hiện nay xuất hiện tình trạng một bộ phận phụ nữ còn trẻ, trong độ tuổi lao động, gia đình cho tách hộ ở riêng nên rơi vào hộ nghèo, có tư tưởng không thích lao động, ở nhà trông con, để chồng đi làm thuê về nuôi (qua kết quả đối thoại trực tiếp với hộ nghèo).
Do đó, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tỉnh đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết là:
Rà soát, sắp xếp, đổi mới hệ thống cơ sở đào tạo nghề, chương trình dạy nghề, đội ngũ giáo viên phù hợp với quy mô, yêu cầu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và chính bản thân người lao động.
Thống nhất các chương trình, chính sách về đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số để tập trung nguồn lực, nâng cao mức hỗ trợ học nghề, đầu tư phát triển các trường nghề gắn với nhu cầu thị trường.
Xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động, đào tạo nghề, ngoại ngữ phù hợp, hiệu quả hơn đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về cơ hội nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động để sớm định hướng việc làm và phân luồng giáo dục, đào tạo cho học sinh một cách hợp lý.
Thanh Thủy