Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH, CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, được kỳ vọng là quốc sách hàng đầu để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đột phá quan trọng hàng đầu
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong đó đặc biệt đề cao vai trò của ĐMST và CĐS.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, KH, CN, ĐMST và CĐS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cả nước hiện có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển, gần 900 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo,... Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia về Chỉ số ĐMST toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của nước ta còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KH, CN, ĐMST và CĐS còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và người dân về CĐS chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng KH, CN và ĐMST chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi;…
Trước thực tế đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết xác định phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
![SB4196 8 1.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/5/sb4196-8-1-92223.jpg?width=0&s=BNfrbXE9YgYcK1mccesgmQ)
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp. Qua rà soát cho thấy, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp tích cực với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 57.
Động lực để phát triển bứt phá
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tầm nhìn đến năm 2045, KH, CN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS, do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Ngày 9-1-2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Đây là những nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp, nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn tới.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, khẳng định tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị: “Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì cái chung, phương châm Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc thì mong đợi, nên chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ, bám sát nội dung Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, các ngành, các cơ quan và địa phương chủ động tích cực, căn cứ chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn để xây dựng chương trình hành động”.
Từ đó, đưa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, trở thành quốc sách đột phá để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ưu tiên nguồn lực cho các giải pháp công nghệ giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS, chỉ đạo: “Cần ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí, bao gồm giải pháp công nghệ cho những vấn đề của thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0”.
Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)