Tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004; khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng ĐBSCL; thu nhập bình quân đầu người khoảng 06 triệu đồng/năm; thu nội địa khoảng 180 tỷ đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh gần 24%; tỷ lệ trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia rất thấp.
Sau gần 20 năm thành lập, với sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch
Tại Hội nghị triển khai sơ kết, tổng kết một số văn bản của Trung ương, của tỉnh mới đây, các ý kiến tại Hội nghị nhất chí cao cho rằng, Hậu Giang đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Nhất là khi các tuyến đường cao tốc, giao thông nội tỉnh mở ra cơ hội lớn thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch. Để đón bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, hiện thực hoá tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực phát triển cần sớm hình thành quỹ đất sạch đủ lớn triển khai các dự án.
Từ thực tiễn cho thấy, khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là khâu phức tạp, khó khăn, dễ phát sinh khiếu kiện, làm chậm tiến độ dự án. Do đó, Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó công tác dân vận phải được chú trọng ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình khi triển khai dự án gắn với thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”. Quyền lợi người dân phải được đảm bảo tốt nhất.
Trên cơ sở Hướng dẫn số 169 của Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư. Đặc biệt, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay trên địa bàn tỉnh, Ban thường vụ tỉnh uỷ ban hành Quy chế về công tác dân vận tham gia trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất trong giai đoạn phát triển mới.
Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ
Triển khai Đề án số 06 ngày 01/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ xác định rất rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ vẫn luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Đề án “Tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới” có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết nhằm tạo đột phá hiện thực hoá mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới.
Đề án là một trong những đột phá của tỉnh trong công tác xây dựng Đảng; là tâm huyết và trách nhiệm cao của hệ thống chính trị trong tỉnh trong đổi mới tinh giản biên chế cán bộ có chất lượng, hiệu quả công việc thấp gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Để triển khai tổ chức đề án đạt mục tiêu và kết quả thực chất, tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực thúc đẩn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất nhận thức và hành động với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn.
Tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc tổ chức quán triệt, phổ biến Đề án đến cán bộ, đảng viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, trong thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung triển khai đồng bộ các công tác: Qui định bộ tiêu chí chấm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ; Đề án nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án thí điểm tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cập Nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp (đối tượng 3, 4); và kế hoạch cử cán bộ đào tạo nước ngoài (nguồn Trung ương và của tỉnh).
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kết quả bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp được tăng cường; công tác cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số sở, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể; các cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp dưới còn lúng túng, bị động trong quá trình triển khai thực hiện; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ đến nay còn chậm; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu còn thấp...
Để phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa biểu quyết với sự nhất trí cao 100% thống nhất ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, cùng sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng và đạt nhiều kết quả khả quan:
Theo đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường được nâng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Nhiều chính sách, giải pháp ứng phó thích ứng biến đổi khi hậu được triển khai thực hiện, công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhiều cơ sở, nguồn có nguy cơ ô nhiễm được quản lý chặt chẽ.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chuyển biến thực chất.
Tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 05 năm thực hiện Kết luận số 43 ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” tại Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực:
Công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực, chú trọng nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; Sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường và có nhiều đổi mới.
Nổi bật là công tác tiếp xúc, đối thoại với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh là điểm nhấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần tạo sự đồng thuận, tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Tỉnh cũng đã ban hành “Quy định các tiêu chí đánh giá công tác dân vận đối với các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp”, tạo cơ sở cho các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thống nhất, hiệu quả.
Cửu Long