Thời gian qua, ngành khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình liên kết chuỗi gắn với bao tiêu và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như: Sử dụng các phần mềm quản lý hệ thống tưới, quản lý đồng ruộng kết nối với điện thoại và máy vi tính, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa giúp theo dõi việc vận hành nhà màng (nhà lưới) cũng như sản xuất ngoài đồng ruộng. Thông qua các phần mềm giúp bà con nông dân nhận biết các chỉ tiêu cần thiết cho cây trồng, vật nuôi từ đó có điều chỉnh cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất...

Những năm qua, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa, đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái đã mang lại hiệu quả đáng kể, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Tính đến nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh ước đạt trên 45.131ha, tăng 3.444ha so với cuối năm 2020, trong đó tăng nhanh nhất là cây mít. Đến nay, diện tích trồng mít là 9.774ha, ở các huyện như Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy... Diện tích mít thu hoạch là 6.657ha, ước năng suất đạt 15-23 tấn/ha.

Bởi vậy, tỉnh cũng đặc biẹt chú trọng việc xây dựng “mã số vùng trồng”, coi đây một trong những khâu then chốt góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Nhờ đó, tới nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 126 vùng trồng đã được cấp mã số (bao gồm 117 mã số duy trì và 9 mã số cấp mới trong năm 2024) và có 9 mã số đóng gói/8 cơ sở (có 1 cơ sở cấp mới). Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông sản vươn xa.

W-nongsan.png
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh việc từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nông sản, phát triển vùng trồng đạt chất lượng, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn, vận động và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất ra sản phẩm đủ lớn, ổn định, mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đăng ký mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ blockchain (thông qua phần mềm Nông sản Hậu Giang) trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tuân thủ các quy định mang tính toàn cầu; quảng bá công ty hướng đến sự bền vững, minh bạch, đáp ứng yêu cầu khách hàng; trả lời nhanh và tin cậy trong trường hợp có vấn đề liên quan đến sự an toàn và thu hồi sản phẩm...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành giám sát 61 vùng trồng, gồm: 2 vùng trồng xoài xuất khẩu sang thị trường Hoa kỳ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 1 vùng trồng chanh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, 39 vùng trồng mít, 14 vùng trồng xoài, 4 vùng trồng chôm chôm và 1 vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hải Dương và nhóm PV, BTV