Sản phẩm trống da của làng nghề truyền thống trống Bình An nổi tiếng có mẫu mã đẹp, âm thanh hay. |
Trăm năm làng nghề làm trống Bình An
Những ngày đầu xuân, làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vang vang tiếng đóng chốt, thử trống… Trong không gian tĩnh lặng của làng quê, thanh âm từ công việc làm trống trở nên rộn ràng hơn.
Gần 200 năm qua, mảnh đất này đã hình thành, phát triển nghề làm trống da. Đến nay, nơi đây đã trở thành làng nghề làm trống có tiếng. Anh Nguyễn Văn An, chủ một cơ sở làm trống uy tín tại làng trống Bình An, cho biết, làng trống có chung một ông tổ nghề.
Anh An nói: “Ba tôi kể lại rằng, ông tổ của làng trống Bình An là ông sơ của tôi tên Nguyễn Văn Ty. Trống da từ thời đó đơn giản lắm. Đến đời ông cố tôi là ông Nguyễn Văn Tịnh, ông nội Nguyễn Văn Tình, trống được cải tiến nhiều cả về mẫu mã lẫn âm thanh”.
Trống được các cơ sở sản xuất từ gỗ sao, da trâu. Trước khi chế tác, gỗ phải được phơi nắng cho khô. |
Tuy nhiên, phải đến đời cha anh, ông Nguyễn Văn Mến, trống da tại làng trống Bình An mới hoàn thiện về âm thanh. Anh An thuộc thế hệ thứ 5 và cũng là người nâng tầm mẫu mã, đưa trống da tiếp cận thị trường nước ngoài.
Chung một ông tổ những mỗi cơ sở, mỗi thợ đều có tay nghề, kỹ thuật riêng. Do đó, những người trong làng trống chỉ ấm no và sống được với nghề khi có tay nghề giỏi.
Ngược lại, cuộc sống của thợ yếu tay khá bấp bênh. Bởi sản phẩm họ làm ra được liệt vào loại hàng chợ. Hàng chợ phải phụ thuộc vào sức bán của những tiệm kinh doanh trống tại TP.HCM”.
Quá trình căng da, bịt mặt trống được những người thợ thủ công thực hiện một cách cầu kỳ để đảm bảo trống cho chất lượng âm thanh tốt. |
Thế nên, làng có 22 hộ làm trống nhưng chỉ có 5 hộ là có thể sống được nhờ nghề cổ truyền này. “Hơn thế, làm trống cực lắm. Thợ phải thực sự đam mê mới theo được. Những hộ còn bám nghề đều là những nghệ nhân thực sự yêu nghề, yêu tiếng trống và luôn khát khao gìn giữ nghề cổ truyền”, anh An chia sẻ.
Cũng theo anh, khi người nghệ nhân sống cống hiến, nghề cổ truyền cũng không phụ lòng người. Những ngày cuối năm, các cơ sở làm trống uy tín trong làng gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Đơn hàng từ các đình, chùa, đoàn lân sư rồng... liên tục ập đến.
“Hàng năm chiều 30 hoặc mùng 1 Tết, thợ làm trống chúng tôi mới được nghỉ. Vì nhiều khi đến gần Tết, khách hàng mới đặt làm trống lân, trống chầu... Mùng 4 Tết, chúng tôi lại bắt tay vào làm trống vì bước qua qua Rằm tháng Giêng có nhiều lễ hội, công việc làm trống lại vào mùa”, anh An nói thêm.
Công việc đóng chốt tang trống trông có vẻ đơn giản nhưng phải là những người thợ giỏi mới có thể làm được. |
Nghe tiếng trống biết tên người chế tác
Những nghệ nhân tại làng trống Bình An cho biết, hiện nay, trống da Bình An không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đã xuất hiện ở các nước khác. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để chế tác ra một chiếc trống da đạt chuẩn, người nghệ nhân, thợ giỏi chỉ dựa vào đôi tai, đôi tay trần.
Được công nhận là thợ giỏi, nghệ nhân từ nhiều năm trước, anh An cho biết, nghề làm trống tại làng Bình An phụ thuộc nhiều vào “ông trời” và kinh nghiệm của người thợ. Kinh nghiệm tiên quyết để trống đạt chuẩn là kỹ thuật phân âm của đôi tai người thợ.
Anh An phân tích: “Trống đạt là trống có âm thanh hay, mẫu mã đẹp. Ví dụ như trống lân phải giòn giã, thúc giục, trống chầu phải trầm bổng, êm ái... Muốn như vậy, người thợ phải phân âm chuẩn”.
Da trâu làm mặt trống phải được phơi nắng trời để rút nước, đạt độ khô phù hợp. |
“Việc phân âm, thợ làm trống chỉ dựa vào đôi tai. Kinh nghiệm, năng khiếu thẩm âm của người thợ quyết định phần lớn quá trình phân âm trống. Người thợ giỏi, chỉ cần nghe tiếng trống cũng biết trống đó do thợ hay nghệ nhân nào chế tác”, anh An nói thêm.
Ngoài việc phân âm, thời tiết cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chế tác trống. Người đàn ông này nói, thời tiết tác động đến chất lượng của các vật liệu làm trống như da, gỗ. Thợ làm trống phải phơi gỗ cho khô mới làm trống được.
Gỗ làm trống thường thuộc họ sao, có thân lớn. Các cơ sở làm trống tại đây thường liên hệ các các trại cưa lớn để tìm kiếm, chọn lóng cây đẹp để mua lại, cưa đem về gọt dũa trước khi phơi nắng làm thân trống.
Ngoài nắng trời, người thợ không thể dùng phương pháp làm khô da khác. |
Đối với các loại trống nhỏ, thợ phải phơi nắng mỗi ngày. Gỗ để làm trống lớn, thợ phải đem phơi nắng cả năm trời mới có thể sử dụng. Tại xưởng trống của anh An có nhiều lóng gỗ đường kính lớn đến 3-4 người ôm không xuể.
Những lóng gỗ này anh mua từ hàng chục năm trước và chủ yếu làm trống cho các đình, chùa lớn trong, ngoài nước. Những chiếc trống khổng lồ như thế phải mất nhiều năm trời mới làm xong và có giá lên đến vài trăm triệu đồng.
Không chỉ gỗ mà da trâu dùng để bịt trống cũng đặc biệt phụ thuộc vào nắng trời. Chỉ có nắng trời mới làm da trâu khô đúng độ để làm mặt trống. Một bộ da trâu chỉ dùng được phần da ở lưng, vai.
Anh An giới thiệu lóng gỗ nguyên khối có đường kính lớn vừa được thợ đục rỗng ruột để làm thân một chiếc trống khổng lồ. |
“Chỉ có phần da này mới cho âm thanh đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu mua vào đúng ngày trời mưa, âm u, không có nắng, không kịp phơi, tấm da ấy cũng thành “đồ bỏ đi” vì mình không thể làm gì được cả. Da mua về chỉ có thể phơi nắng tự nhiên để nó rút nước từ từ. Nếu sấy, da sẽ bị giòn, không căng mặt trống được”, nam nghệ nhân phân tích.
Do đó, từ tháng Giêng bước qua tháng 3 âm lịch, các cơ sở sản xuất trống tại làng trống Bình An phải mua, trữ sẵn da của hơn 100 con trâu để sản xuất trong 1 năm. Da trâu mua xong phơi khoảng tuần lễ, mười ngày thì có thể cuốn lại, đem vào nơi khô ráo cất trữ.
Để chế tác những chiếc trống từ lóng gỗ khổng lồ như thế, các nghệ nhân phải đục từ ngày này qua tháng khác. Giá thành một cái trống khổng lồ từ gỗ nguyên khối như thế trên 100 triệu đồng. |
Anh An nói rằng, nghề này cực nhưng anh vui vì góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống. Đặc biệt, dịp Tết đến, nghe tiếng trống vang vang, anh thấy hạnh phúc khi đem lại những thanh âm rộn ràng cho ngày xuân.
Xem thêm video: Thương hồ miền Tây chở hoa xuân lên Sài Gòn tìm Tết
Người phụ nữ Hà thành hơn 50 năm làm nghề sửa chữa ô tô
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề sửa chữa ô tô, bà Hồng Sâm vẫn chưa có ý định nghỉ, dù đã bước qua tuổi 70.
Bài, ảnh: Nguyễn Sơn