Tối ưu hóa nguồn nhân lực trong giai đoạn khó khăn

Đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, đòi hỏi ban lãnh đạo và đội ngũ quản lý phải linh hoạt trong chiến lược nhân sự. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp định hình công việc trong tương lai và phân bổ trọng trách cho “đúng người đúng thời điểm”.

Một trong những giải pháp tối ưu hoá hệ sinh thái nhân lực tài năng là chiến lược chia sẻ nguồn nhân lực hay còn gọi là “chia sẻ nhân sự liên ngành”. Thay vì phải cắt giảm nhân sự ở những vị trí không cần thiết, các công ty có thể phân bổ công việc cho đội ngũ lao động ở những vị trí khác nhau. Hoặc rộng hơn, ban lãnh đạo có thể “chia sẻ” nhân sự đến các công ty đối tác hoặc trong cùng một tập đoàn đang cần. 

{keywords}
Chia sẻ nguồn nhân lực là một giải pháp sáng tạo bất ngờ và có hiệu quả giữa cơn khủng khoảng

Đơn cử, trong thời gian đại dịch, ngân hàng Bank of America (Mỹ) đã đề ra chiến lược phân bổ nhân sự tạm thời khi chuyển hơn 3000 nhân viên từ khắp hệ thống vào bộ phận “chăm sóc khách hàng” với công việc giải đáp thắc mắc và câu hỏi từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Một ví dụ tiếp theo cho việc “vận chuyển” nhân sự từ công ty này sang công ty khác là nhà phân phối thực phẩm Sysco Corporation và chuỗi hệ thống bán lẻ Kroger của Mỹ. Thay vì cho nhân viên tạm nghỉ phép trong suốt thời gian khủng hoảng, Sysco cho Korger “vay mượn” nhân viên trong vòng một tháng để làm việc tại các cửa hàng của đơn vị. Trong suốt thời gian đó, đội ngũ lao động này được Kroger trả lương, trong khi Sysco bảo đảm các quyền lợi bảo hiểm của họ.

Bằng việc “thoát” ra khỏi bộ máy phân ban cồng kềnh, mô hình “chia sẻ nhân sự liên ngành” đã mang đến những hiệu quả cho các doanh nghiệp. Đầu tiên là kích thích tính linh hoạt của nhân sự và hỗ trợ đội ngũ nhân viên trong việc phát triển các kỹ năng mới. Giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể các chi phí vận hành và giải quyết được những hệ luỵ hậu khủng hoảng. Đây chính là “đòn bẩy” để tạo nên sức bật cho doanh nghiệp trở lại đường đua khi cuộc khủng hoảng qua đi. Cuối cùng, chia sẻ nguồn lực giúp doanh nghiệp củng cố trách nhiệm xã hội của mình đối với người lao động.

“Khó khăn sẽ đi kèm cơ hội. Đối diện với thách thức, con người tìm ra lối đi đầy sáng tạo. Việc áp dụng mô hình “chia sẻ nhân sự liên ngành” giúp cho doanh nghiệp có sự chủ động trong việc cấu trúc nhân sự và tận dụng tối ưu nguồn nhân lực hiện hữu.” - Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Talentnet - công ty có hơn 13 năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cấp cao tại thị trường Việt Nam chia sẻ.

Vẫn còn nhiều chỗ trống cho vị trí then chốt

Sau khủng hoảng, những nhóm ngành như công nghệ, thương mại điện tử,… được dự đoán tăng trưởng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua cũng kỳ vọng sẽ hồi phục và trở lại “đường đua” trong năm sau. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đề ra chiến lược tuyển dụng kịp thời để tối ưu hoá vận hành và nhanh chóng phục hồi, chuẩn bị cho một năm 2021 được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn. Bên cạnh việc chia sẻ nguồn nhân lực liên ngành từ các công ty, ban lãnh đạo cũng cần cân nhắc bài toán tuyển dụng nhân sự cho các vị trí then chốt.

Theo bà Trinh, việc các công ty “vay mượn” nhân tài từ những nguồn khác nhau trong nội bộ hay bên ngoài chỉ là một phương án ngắn hạn nhằm giải quyết và đáp ứng nhu cầu kịp thời, bởi lẽ khi “mượn” nhân sự, doanh nghiệp phải tốn thời gian và công sức đào tạo nhân sự thích nghi với công việc mới. Tuy nhiên, đối với những vị trí then chốt, liên quan đến mục tiêu phục hồi và ổn định kinh doanh trước mắt, doanh nghiệp vẫn cần phải đầu tư một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ tài năng.

Trong bối cảnh mới còn nhiều bất định mà mỗi nhân viên cần phải linh hoạt thích ứng, doanh nghiệp cần ưu tiên những ứng viên vừa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của công việc, vừa có thể linh hoạt làm việc đa phòng ban và nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc. Một nhân sự đa năng không chỉ giải quyết bài toán nhân sự cho giai đoạn “chiến đấu” sắp tới mà còn mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp linh hoạt vượt qua giai đoạn khó khăn.

{keywords}
Trên đường đua cạnh tranh lâu dài, những vị trí then chốt của doanh nghiệp cần được tuyển dụng mới, đảm bảo được nhu cầu phục hồi và ổn định tài chính của đơn vị

Thực tế cho thấy, dù nhu cầu tuyển dụng cuối năm 2020 không dồi dào như những năm trước, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư và tuyển dụng mới những vị trí then chốt để đảm bảo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh doanh hậu khủng hoảng. “Các doanh nghiệp nên kiểm kê chặt chẽ nguồn “tài sản” nhân tài hiện hữu để có những “nước cờ” chiến lược về nhân sự trong 2021. Tùy vào kế hoạch kinh doanh mà các doanh nghiệp vẫn nên cân nhắc tuyển mới hay “vay mượn” nhân tài để đảm bảo nguồn nhân sự thức thời cả về trình độ lẫn phong độ để sẵn sàng cho những bất định chưa lường trước được trong năm mới.” - Bà Tiêu Yến Trinh khuyến cáo.

Theo bà Trinh, bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp nên xem xét kĩ nguồn lực hiện tại và kế hoạch kinh doanh năm tới của tổ chức để xây dựng chiến lược hợp lý. Công ty cũng có thể nhờ sự tư vấn của các công ty nhân sự để đánh giá nguồn nhân lực của mình và lựa chọn phương pháp “nới rộng” nhân sự thích hợp cho năm mới.

Thu Hằng