Bộ luật Đường cao tốc tại Anh quy định: "tài xế không được lái xe mà không quan tâm và chú ý đúng mức", hay hiểu một cách khác là tài xế luôn phải tự đảm bảo sức khoẻ và tầm quan sát của mình tốt nhất. Thậm chí, nếu có vấn đề về sức khoẻ mà vẫn cố tình "ôm vô lăng", tài xế có thể bị phạt tiền và trừ điểm trên giấy phép lái xe.

Theo The Sun, việc hắt hơi khi lái xe chính là biểu hiện của triệu chứng cảm cúm hoặc sốt cỏ khô (một dạng dị ứng phấn hoa hoặc côn trùng,...). Đây chắc chắn là dấu hiệu chứng tỏ sức khoẻ không đảm bảo để có thể cầm lái.

Hắt hơi khi lái xe The Sun.jpeg
Hắt xì, chảy nước mũi, ho dữ dội khi lái xe có thể bị phạt đến 2.500 bảng Anh (Ảnh: The Sun)

Phân tích sâu về điều này, các chuyên gia cho rằng, mỗi lần hắt hơi khiến mắt của tài xế không thể mở và bị "mù tạm thời" trong khoảng gần 1 giây. Ngoài ra, hành động hắt hơi mạnh khiến cơ thể rung lên, tác động đến tay rồi qua vô lăng, có thể làm chiếc xe chệch hướng khi đi trên đường rất nguy hiểm.

Tại Anh, nếu tài xế gây ra bất cứ va chạm nào sau khi hắt hơi, cảnh sát có thể khẳng định bạn đã lái xe mà "không quan tâm và chú ý đúng mức đến sức khoẻ". Mức phạt cho hành vi này lên tới 2.500 bảng Anh (gần 81 triệu đồng), đồng thời bị trừ 3-9 điểm trên giấy phép lái xe tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Mức phạt cụ thể sẽ do cảnh sát giao thông hoặc tòa án quyết định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi đang bị cảm cúm hoặc sốt cỏ khô (kèm theo các biểu hiện mắt đỏ, chảy nước mũi, ho dữ dội và đang phải điều trị bằng thuốc,...) tài xế chắc chắn không được lái xe. Tuy nhiên, nếu hành động hắt xì do lý do bất ngờ và không liên quan đến bệnh tật thì có thể được loại trừ và tài xế có thể kháng cáo điều này với cảnh sát hoặc toà án.

Điều này là "phản ứng tự vệ của cơ thể", giống như bị ánh sáng bất ngờ chiếu vào mắt hoặc một con ong lọt vào trong xe khiến bạn phải vùng vẫy,... Và những trường hợp này nằm trong điều khoản được loại trừ trách nhiệm.

Tại Anh, luật pháp quy định rất nghiêm về các hành vi khiến tầm nhìn của tài xế bị ảnh hưởng. Ví dụ như hành động vừa lái xe vừa uống nước có thể bị phạt 1.000 bảng (hơn 32 triệu đồng), thậm chí mức phạt lên tới 5.000 bảng (gần 162 triệu) nếu hành vi này là nguyên nhân gây ra tai nạn nghiêm trọng. Mức phạt tương tự cũng được áp dụng nếu tài xế để các bộ phận như kính chắn gió và các cửa sổ kính quá bẩn, khiến tầm quan sát bị hạn chế.

Theo The Sun

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Vừa lái xe vừa gác chân lên cửa có bị phạt?Nhiều tài xế có thể do thói quen hoặc thích thể hiện sự ngông nghênh của mình đã không ngại ngần gác chân lên cửa kính, taplo ngay cả khi đang bon bon trên đường. Hành vi nguy hiểm và "khó coi" này liệu có bị phạt?