Chị Nguyễn Hà (Nha Trang, Khánh Hoà) sau khi xem livestream trên Facebook quảng cáo bán hạt điều rang tỏi ớt của một cơ sở ở tỉnh Bình Phước với giá 100.000 đồng/5 hộp đã để lại số điện thoại và đặt mua. Song khi nhận hàng chị nhận được 5 hộp hạt điều đều bị vỡ vụn.

Tràn lan livestream bán hạt điều giá "siêu rẻ"

Theo khảo sát, hạt điều chất lượng cao giá thường trên 200.000 đồng/kg, nhưng gần đây trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử nhiều nơi rao bán với mức giá chỉ từ 100.000 đồng/6 hộp.

Trong đó, hạt điều bể có giá chỉ từ 100.000 đồng/6 hộp với trọng lượng khoảng 3 kg, hạt điều nguyên hạt rang muối hoặc bơ tỏi có giá 100.000 đồng/4 hộp, trọng lượng khoảng 2 kg.

Theo một số chủ hàng, mỗi buổi livestream có thể bán được hàng trăm hộp điều. Khi được hỏi nguồn gốc, một chủ hàng khẳng định: "Đây là hàng nhập từ xưởng ở Bình Phước. Hạt điều ở tỉnh này chất lượng hàng đầu cả nước".

{keywords}
Trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử nhiều nơi rao bán hạt điều Bình Phước với mức giá chỉ từ 100.000 đồng/6 hộp. Ảnh: Phạm Hải.

Mức giá "siêu rẻ", quảng cáo hấp dẫn nên đã thu hút được rất nhiều người đặt mua, nhưng khi nhận hàng chị Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi thất vọng vì hàng kém chất lượng. 5 hộp hạt điều chị mua đều không nhãn mác, hạn sử dụng. Hạt điều bị sâu, chảy nhiều dầu thậm chí còn bị mốc, ăn vào bị đắng.

“Vì thấy rẻ hơn giá thị trường 5 lần và nghĩ rằng hạt điều Bình Phước chất lượng nên tôi đặt mua. Không ngờ chất lượng kém thế này”, chị Nhung nói.

Đại diện một nhãn hàng phân phối hạt điều Bình Phước cho biết hạt điều chuẩn không thể có mức giá rẻ như trên. "Để sản xuất 1 kg hạt điều nhân cần tới khoảng 3,5 kg hạt điều thô, giá vốn đã 125.000-130.000 đồng. Nếu tính thêm các chi phí khác như nhân công, đóng gói, hao hụt … thì giá cũng đã lên tới 250.000-300.000 đồng/kg", vị đại diện này lý giải.

Ông cho biết, hạt điều giá siêu rẻ có thể là hàng tồn kho, chấp nhận bán rẻ để giải phóng hàng tồn, giảm lỗ và chủ yếu bán trên mạng xã hội.

Cẩn trọng với "hạt điều Bình Phước" giả mạo

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu hạt điều bình quân ở mức 6.489 USD/tấn (khoảng 150.000 đồng/kg), giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đây là mức giá bán sỉ, còn giá bán lẻ vẫn cao hơn nhiều, nhất là hạt điều Bình Phước có tiếng về chất lượng.

Mới đây, Hội điều Bình Phước đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đề nghị vào cuộc xử lý nhằm chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng kém nhất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu hạt điều Bình Phước.

{keywords}
Theo Hội điều Bình Phước, những sản phẩm này là hàng loại thải, giá xuất kho từ 7.000 đến 12.000 đồng/kg, chủ yếu bán để làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Thuy Vo.

"Sản phẩm có nhiều hạt bị sâu, nhăn nheo, nhân bị mốc, không còn mùi vị đặc trưng của hạt điều nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng. Sản phẩm bán qua mạng không có nhãn mác, không có thông tin cụ thể, không hạn sử dụng, không có người chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm với người tiêu dùng", Hội điều Bình Phước cảnh báo.

Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết thời gian qua, trên một số website và mạng xã hội, có nhiều tên miền, tài khoản đăng thông tin bán sản phẩm hạt điều có ghi chỉ dẫn “Bình Phước", với những thông tin cụ thể như: 100.000 đồng/6 hộp hạt điều bể/3 kg; 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa/1,5 kg …

Bà Lanh cho rằng hành vi giả mạo hạt điều có nguồn gốc từ tỉnh Bình Phước đã xâm phạm nghiêm trọng đến chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước" được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu “Hạt điều Bình Phước" và quyền lợi của các doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh, cũng như gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hạt điều kém chất lượng.

Theo bà Lanh, tình trạng hạt điều kém chất lượng tràn ra thị trường nội địa chỉ mới xuất hiện gần đây khi kinh doanh qua mạng phát triển. Vì vậy, để mua hạt điều có chất lượng, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có bao bì nhãn mác rõ ràng, đầy đủ từ các doanh nghiệp, cơ sở có đăng ký.
 
(Theo Zing)