Cúc Phương là xã miền núi nằm ở phía Đông Nam của huyện Nho Quan với gần 90% dân số là dân tộc Mường, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn... Song với sự nỗ lực, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, Cúc Phương đã đạt 20/20 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Để nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp, kịp thời… Nhờ đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng chung sức xây dựng xã nông thôn mới.
Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng nông thôn
Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số (89%),… Mặc dù đã được Trung ương, tỉnh và huyện quan tâm hỗ trợ đầu tư tuy nhiên nhiều năm trước, hạ tầng thiết yếu về giao thông, trường học, y tế của địa phương vẫn chưa đồng bộ. Bởi vậy, khi khiển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Cúc Phương đã quyết liệt trong vận dụng các chính sách, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là phát triển hạ tầng, triển khai các nguồn vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo và dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ về y tế, văn hóa, giáo dục,…
Đặc biệt, xã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng nông thôn nhằm phát triển kinh tế - xã hội: sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, xã đã tiếp nhận 2.055 tấn xi măng, xây dựng nâng cấp 91 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 38,98 km; 100% đường giao thông được bê tông, cứng hóa; 100% thôn, xóm có điện lưới quốc gia; trường học, trạm y tế xã được đầu tư cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng dạy học và đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho nhân dân; 10/10 thôn, xóm được xây dựng nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp...
Cùng với sự hỗ trợ về xi măng của Nhà nước, xã Cúc Phương đã huy động và nhận được sự tham gia, ủng hộ của nhân dân. Nhân dân tình nguyện hiến 12.622 m2 đất, đóng góp ngày công lao động, tháo rỡ tường rào, làm đường giao thông. Hội Phụ nữ triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đường làng, ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Lộ thông, tài thông
Khi đường xá đã thông thuận, để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã đã tăng cường khích lệ người dân tham gia các dự án phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Xã xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình hươu sao, mô hình gà đồi Cúc Phương, mô hình lợn rừng, lợn bản địa... Toàn xã có 3 gia trại đạt giá trị sản lượng bình quân 200 triệu đồng/ gia trại/ năm. Hai hợp tác xã nông nghiệp của xã cũng phát huy tốt vai trò hình thành các mô hình liên kết sản xuất, tổ chức các khâu dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Cùng với quan tâm phát triển nông nghiệp, xã cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng xây dựng, thương mại, dịch vụ du lịch; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn xã. Hiện xã có 04 doanh nghiệp và 113 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề đang hoạt động có hiệu quả.
Trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia
Kết quả của 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Cúc Phương đã huy động nguồn vốn đầu tư 170,7 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 86,9 tỷ đồng, chiếm 50,9%; vốn nhân dân đóng góp và huy động khác 83,9 tỷ đồng, chiếm 49,1%.
Trong đó: Nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà ở: 40 tỷ đồng, chiếm 23,5%; nhân dân đóng góp làm đường giao thông là 4,3 tỷ đồng; 1.612 ngày công lao động; hiến đất 1,3 ha, nhận 1.520 tấn xi măng để xây dựng, nâng cấp 82 tuyến đường với 11,92 km đường giao thông nông thôn; đóng góp 200 triệu đồng và 1.042 ngày công lao động để làm nhà văn hóa thôn.
Toàn xã có 10/10 thôn có nhà văn hoá, trong đó: xây mới 8 nhà, nâng cấp sửa chữa 1 nhà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư. Tiêu biểu trong những hộ hiến đất, cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình công cộng và đường giao thông là các hộ 2 bên dọc tuyến đường Cúc Phương - Nho Quan điểm từ Bưu điện Cúc Phương đến UBND xã và điểm từ chân dốc Quèn Thạch đến điểm tiếp giáp với xã Văn Phương chiều dài trên 3 km với diện tích hiến đất là 2.241 m2 (đất vườn và đất ở).
Đến nay, 46,8km đường giao thông trên địa bàn xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí cần sự đầu tư kinh phí lớn đã được quan tâm đầu tư như: sửa chữa nâng cấp và xây mới trường lớp học cho 3 khối: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa xã; trạm y tế với tổng mức kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, diện mạo nông thôn của xã Cúc Phương ngày càng khởi sắc: xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định; bản sắc văn hóa dân tộc Mường được giữ gìn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.