Mục tiêu của Nghị quyết số 88/NQ-QH: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Sau khi xin được một số chỉ tiêu vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang - Đắk Nông, Trung tá Nguyễn Trung Hữu - Trưởng Công an huyện Cư Jút đã chủ động đến từng nhà 6 thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số trú tại xã Tâm Thắng để vận động, thuyết phục họ đi làm việc.
Khi xin những thanh niên này vào làm công nhân, ông Hữu phải đứng ra cam kết, đảm bảo với công ty.
Ban đầu, việc làm này của ông Hữu bị nhiều người thân và bạn bè ngăn cản vì sợ không thành công, ảnh hưởng đến uy tín bản thân... Tuy nhiên, xuất phát từ tình cảm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên hơn 20 năm, nhìn thấy con em người đồng bào không có việc làm nên ông Hữu đã gạt đi tất cả để thực hiện mong muốn của mình.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hữu cho biết, sau khi xin được 6 chỉ tiêu việc làm, ông đã cùng một số anh chị em trong cơ quan đến từng gia đình có thanh niên đang thất nghiệp để vận động họ đi làm.
Theo ông Hữu, anh em phải đến từng buôn làng tìm những thanh niên hiền lành, khỏe mạnh. Sau khi tìm được người, phải đến gặp các bậc phụ huynh và những người có uy tín trong làng để cùng nhau thuyết phục. Lúc đầu, bà con cứ ậm ừ cho qua chuyện và không ai nộp hồ sơ.
"Sau một thời gian kiên trì vận động, đã có 6 thanh niên nộp hồ sơ vào làm việc. Tôi phải có biên bản cam kết với Công ty về những thanh niên này. May mắn khi vào làm việc, cả 6 người đếu làm rất tốt", ông Hữu cho biết thêm.
Cũng theo ông Hữu, về chế độ đãi ngộ của công ty rất tốt, lương thử việc 8 triệu đồng/tháng, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày và có chế độ bảo hiểm đầy đủ. Nếu làm tốt sau 3 tháng các bạn sẽ được ký hợp đồng chính thức. Sau khi 6 người này đi làm, đã có thêm 20 người nữa gửi hồ sơ đến nhờ ông Hữu xin việc.
Nói về định hướng trong tương lai, ông Hữu cho biết, tới đây nếu 6 trường hợp này làm tốt, phía công ty hứa tuyển thêm mấy chục người nữa và sẽ ưu tiên cho những thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số chưa có việc làm.
"Chúng tôi đang có kế hoạch đến từng doanh nghiệp, công ty để xin các chỉ tiêu việc làm sau đó sẽ về vận động những thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số đang thất nghiệp tới làm việc. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp cho 10 chỉ tiêu là sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân dân địa phương", ông Hữu chia sẻ.
Việc làm của Trung tá Nguyễn Trung Hữu cũng là cách thể hiện cụ thể nhất về mục tiêu Nghị quyết số 88/NQ-QH ngày 18/11/2019 của Quốc hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.