Tôi năm nay 31 tuổi, đã kết hôn được gần 4 năm nay. Hai vợ chồng đều quê Thanh Hóa, học đại học xong thì ở lại Hà Nội lập nghiệp. Vợ tôi làm giáo viên tiểu học, mức lương 5 triệu/tháng, tôi làm bên công ty xây dựng trung bình 10 triệu/tháng.
Cưới xong, vợ chồng tôi thuê một phòng trọ cũ chỉ vỏn vẹn 20m2 ở quận Thanh Xuân, với giá 4 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng sau khi sinh con, căn nhà trọ bỗng trở nên chật chội, ngột ngạt hẳn. Bởi thế vợ chồng tôi luôn mong muốn mua một căn hộ chung cư ở Hà Nội để sinh sống chứ không thể ở mãi trong căn nhà trọ tồi tàn này.
Hồi đó, nghe chuyện bảo muốn mua nhà, gia đình hai bên ai cũng phản đối, thậm chí có người còn mắng vợ chồng tôi là điên, thích sang chảnh,... bởi, trong tay chúng tôi khi đó chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng tích cóp được từ tiền mừng cưới và vàng là của hồi môn khi đi lấy chồng của vợ tôi.
Nói thực lòng, việc mua nhà Hà Nội là mơ ước và khao khát bấy lâu nay của vợ chồng tôi. Mới đầu, khi nghĩ tới việc này, chúng tôi rất đắn đo, lo lắng vì giá nhà khá cao, với hơn 200 triệu, thì chúng tôi mua nhà ở đâu? vay vốn như thế nào, và bao giờ thì trả hết nợ? Nhưng rồi mong muốn vợ chồng con cái có chỗ ở thoải mái hơn, chúng tôi đành tặc lưỡi làm liều.
Ảnh minh họa |
Qua 2 tháng tìm hiểu khắp nơi, được sự tư vấn của một người bạn là "chuyên gia bất động sản" chúng tôi chọn được một căn hộ thu nhập thấp diện tích 65m2, có giá 11,5 triệu/m2 ở khu vực Hà Đông, Hà Nội. Tổng giá trị căn hộ này gần 750 triệu đồng.
Ngoài số tiền 200 triệu có sẵn, chúng tôi phải chạy vạy ngược xuôi hỏi vay bố mẹ, anh em họ hàng. Còn lại, chúng tôi vay ngân hàng với lãi suất 10%/năm.
Khi thủ tục mua căn hộ hoàn tất cũng là lúc vợ chồng tôi lên kế hoạch làm ăn để có thể trả được khoản nợ khổng lồ đang gánh trên vai.
Mới đầu, chúng tôi dự kiến trả trong 3 năm sẽ hết. Nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày, tiền nuôi con, bỉm sữa khiến 2 vợ chồng tôi đứng ngồi không yên. Thế nên, chúng tôi quyết tâm lên kế hoạch chi tiêu thật tiết kiệm, đồng thời lao vào làm việc như "con thiêu thân" để kiếm tiền.
Vợ tôi, ngoài công việc giảng dạy ở trường, các buổi tối trong tuần, cô ấy đều đi gia sư cho các em nhỏ trong khu chung cư. Cộng cả tiền lương và tiền làm thêm của vợ lại mỗi tháng cũng được 9 triệu đồng. Tiền này, mỗi tháng chúng tôi chi tiêu hết 7 triệu tiền sinh hoạt hàng ngày, từ điện nước, xăng xe, cho đến tiền ma chay đám hỏi, còn 2 triệu đồng, chúng tôi gửi về quê làm tiền bỉm sữa cho con.
Tôi tốt nghiệp Đại học kiến trúc nên ngoài thời gian đi làm công trình tại các công trường, tôi cũng chủ động làm thiết kế nội thất cho các gia đình nào có nhu cầu.
Vừa làm xây dựng vừa thiết kế, nửa năm đầu tiên mỗi tháng thu nhập của tôi được khoảng 12 triệu đồng do còn ít khách hàng. Sau đó, tôi quyết định lập một trang facebook riêng để quảng cáo và nhờ bạn bè giới thiệu thêm khách hàng, nhờ vậy, thu nhập cũng dần dần tăng lên trung bình 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Năm đầu tiên, nhờ làm chính rồi làm thêm, vợ chồng tôi để dành được 150 triệu đồng để trả nợ.
Để có khoản tiền này, vợ chồng tôi “cày cuốc” ngày đêm không nghỉ. Trong khi, mỗi tháng chỉ dám tiêu vỏn vẹn 9 triệu đồng cho tất cả các khoản xăng xe, điện thoại, điện nước, tiền ăn uống, bỉm sữa (con gái tôi gửi về cho ông bà ngoại ở quê trông giúp )... Tất cả tiền kiếm được đều ưu tiên cho việc trả nợ. Thậm chí, chúng tôi còn không dám ăn hàng, hạn chế về quê.
Cứ thế, suốt 3 năm tiếp theo, chúng tôi duy trì công việc như vậy và nỗ lực hết mình để có thể trả hết nợ càng sớm càng tốt. Tiền nợ phải gánh lãi nên ưu tiên trả trước, nợ anh em họ hàng trả sau.
Bây giờ khi ngồi viết những dòng này thì vợ chồng tôi chỉ còn món nợ gần 100 triệu đồng phải trả. Giờ nghĩ lại tôi mấy thấy mình thật may mắn vì ngày đó đã quyết định liều mua nhà.
Nói thật, trong suốt 3 năm qua, cả gia đình tôi dù chưa có điều kiện mua sắm nội thất, con cái vẫn phải gửi về quê cho ông bà nuôi, nhà không bàn ghế, không giường nhưng chúng tôi vẫn sống rất vui vẻ.
Tôi nghĩ, ai mua nhà mà không phải nợ. Có nợ mới có động lực để vươn lên làm giàu. Khi nào thoát được gánh nặng nợ nần này, vợ chồng tôi sẽ sắm sửa nội thất, đón con gái lên thành phố học và ổn định cuộc sống.
Trước 40 tuổi chưa có nhà Hà Nội thì nên xách vali về quê
- “Trước 40 tuổi mà không có nhà cửa ổn định ở Hà Nội hay các thành phố lớn trên toàn quốc thì nên xách vali về quê cho sớm”.