Vào tháng 6/2020, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra bên trong tàu ngầm tấn công Perle của Hải quân Pháp, khi nó đang neo đậu ở Toulon để chờ sửa chữa. Vụ hỏa hoạn đã khiến kết cấu con tàu bị hư hỏng nặng, với phần đầu và các bộ phận bằng thép không thể sửa chữa được.

Nhưng may thay, nửa sau của chiếc tàu ngầm dài 73 mét, có lượng choán nước 2.600 tấn này vẫn chưa gặp hư hại sau vụ hỏa hoạn. Và trong cái khó ló cái khôn, giới chức hải quân Pháp đã nảy ra ý tưởng ghép nối phần còn lại với "chị em" của nó - tàu ngầm Saphir.

{keywords}
Tàu ngầm hạt nhân Perle lúc còn nguyên vẹn. Ảnh: Reddit

Dù đã ngừng hoạt động vào năm 2019, và đang chờ được tháo dỡ, song phần trước Saphir vẫn có cấu trúc tương đối ổn định. Vì vậy, giới chức Pháp xác định tàu vẫn có thể được kết hợp với phần sau của Perle để tạo thành một tàu ngầm tấn công mới.

Perle sau đó đã được di dời từ Toulon đến Cherbourg vào tháng 12 năm ngoái. Các công nhân đã cắt đôi nó và tàu Saphir. Theo nhà thầu hải quân Pháp Naval Group, đầu tháng này, nửa sau tàu Perle và nửa trước tàu Saphir đã được đưa vào "băng chuyền" tại nhà máy đóng tàu ở Cherbourg, để chúng có thể được căn chỉnh cẩn thận và hàn lại với nhau.

{keywords}
Tàu ngầm Perle sau khi bị hỏa hoạn đốt cháy gần một nửa. Ảnh: Marine Nationale

Người phát ngôn của Naval Group cho hay việc ráp nối sẽ tiếp tục được hoàn thành trong những tháng tới. Chiếc tàu ngầm hoàn chỉnh, vẫn mang tên Perle, sẽ dài hơn những "người tiền nhiệm" của nó khoảng 1,5 mét nhờ có thêm một "vùng giao nhau".

Vùng giao nhau trên phiên bản mới của tàu ngầm Perle sẽ tạo thêm một chút không gian sinh hoạt cho khoảng 70 thủy thủ hoạt động bên trong con tàu.

Mô hình kỹ thuật số

Theo Naval Group, tất cả công đoạn ráp nối được mô phỏng bằng phương pháp kỹ thuật số 3D trước khi được áp dụng lên con tàu thật. Đây là công sức tiêu tốn hơn 100.000 giờ nghiên cứu kỹ thuật và 250.000 giờ làm việc thủ công của hơn 300 kỹ thuật viên, công nhân đóng tàu.

{keywords}
Hai mảnh tàu ngầm Perle sau khi được cắt đôi tại xưởng đóng tàu Cherbourg, Pháp. Ảnh: AP

Franck Ferrer, Giám đốc bộ phận dịch vụ của Naval Group, hồi tháng 1 cho biết phiên bản mới dự kiến ​​sẽ được đưa trở lại Toulon vào cuối năm nay, để thực hiện thêm các công đoạn kỹ thuật và nâng cấp hệ thống chiến đấu. Tàu sẽ tái gia nhập hạm đội của Hải quân Pháp vào đầu 2023.

"Việc triển khai dự án đối với những trường hợp này, cụ thể là việc sửa chữa, ghép nối các phần của 2 con tàu chị em lại với nhau, là việc đầu tiên Naval Group thực hiện trong lịch sử hiện đại", Ferrer cho biết.

Sự may mắn hiếm hoi

Tàu ngầm Perle không phải trường hợp đầu tiên 2 bộ phận thuộc hai con tàu khác nhau được ráp nối lại làm một.

Theo Thomas Shugart, một chỉ huy tàu ngầm tấn công Mỹ đã nghỉ hưu, Hải quân Mỹ từng làm điều tương tự khi thay thế phần mũi bị hư hại của tàu USS San Francisco bằng phần mũi của tàu USS Honolulu sắp được cho nghỉ hưu.

Quá trình ráp nối tàu hai phần tàu ngầm Perle với Saphir. Video: Le Télégramme

Dù vậy, việc tàu ngầm Perle có thể "hồi sinh" vẫn được xem là sự may mắn hiếm hoi nếu so với các trường hợp tương tự trong quá khứ. 

Năm 2012, một công nhân bất mãn đã gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đối với tàu ngầm USS Miami, khi con tàu đang trong quá trình sửa chữa ở cảng Portsmouth, bang Maine (Mỹ). Con tàu sau đó đã trở thành phế phẩm do chi phí khôi phục quá đắt đỏ.

Đến năm 2020, tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard cũng gặp hư hại do hỏa hoạn khi đang nâng cấp ở cảng San Diego (Mỹ). Sau khi xác định sẽ mất tới 3,2 tỷ USD và 7 năm để sửa chữa, tàu USS Bonhomme Richard cuối cùng đã bị gạch tên khỏi biên chế Hải quân Mỹ.

Việt Anh

Khám phá tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của Mỹ

Khám phá tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của Mỹ

Mang theo sức mạnh có thể phá hủy cả một lục địa, tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của Mỹ hiếm khi nào hé lộ những hình ảnh bên trong.

Tính năng vượt trội của tàu ngầm Nga có biệt danh 'hố đen đại dương'

Tính năng vượt trội của tàu ngầm Nga có biệt danh 'hố đen đại dương'

Hải quân Mỹ và Anh đã vài lần thất bại trong việc đeo bám tàu ngầm lớp Kilo cải tiến của Nga, vốn có biệt danh “hố đen đại dương” vì tính năng tàng hình vượt trội của nó.