Sau, vua ban tên Anh Vũ, phong là “Văn Lang đệ nhất ngư”, ra chiếu dụ dân chúng nếu bắt được loài cá này phải dâng triều đình.
Cá Anh Vũ đã được vợ chồng anh Hoà bảo tồn thành công trên núi Ái Au. |
Có lẽ nhiều người đã từng nghe tên cá Anh Vũ, nhưng rất ít người từng tận mắt nhìn thấy loài cá này. Một phần cũng bởi đó là loài cá quý hiếm, rất khó để săn bắt, càng không dễ có trên thị trường. Cá Anh Vũ đã đi vào huyền thoại với biết bao câu chuyện huyền bí lẫn những thần kỳ.
Văn Lang đệ nhất ngư
Anh Vũ được Vua Hùng phong là “Văn Lang đệ nhất ngư”. |
Ở ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì – Phú Thọ) ai cũng từng nghe danh về loài cá Anh Vũ sinh sống dưới các hầm đá dưới sông. Thế nhưng, chỉ ít người bản địa nơi đây từng thấy hình dạng loài cá này. Ở Bạch Hạc có câu “ngũ quý hà thủy”, tức chỉ về 5 loại cá ngon của sông nước linh thiêng.
Cá Anh Vũ được xếp hàng đầu. Tiếp theo là cá chiên, dầm xanh, cá lăng và cá bông. Bốn loại cá đứng sau thì không quá hiếm, nhưng với Anh Vũ thì chỉ hơn chục năm nay đã vắng bóng. Thế nên, huyền thoại về loài cá này là niềm tự hào về sản vật mà đất Tổ vua Hùng có được.
Một số ngư dân cao tuổi ở ngã ba Bạch Hạc khẳng định từng nhìn, thậm chí bắt được Anh Vũ nhưng vì sợ bị quả báo nên lại thả ra. Có người đã từng ví loài cá này như là “thần ngư”, có được cá Anh Vũ nuôi trong nhà thì làm ăn phát đạt. Ngược lại, có thuyết quả báo nói rằng, ai sát hại loài cá này sẽ bị trừng phạt, không nhà tan cửa nát thì cũng trôi sông lạc chợ.
Khoảng 20 năm trước ở Việt Trì có một người chuyên bán cá Anh Vũ. Khách lắm tiền kéo đến rất đông, nhưng đa số phải ra về vì không đến lượt. Khách muốn ăn phải đặt hàng trước cả tháng trời, nhưng số lượng cũng không được nhiều trong khi số tiền phải bỏ ra là không nhỏ.
Người dân ở Việt Trì quả quyết rằng, Anh Vũ là món cá đặc sản quá hiếm, không phải một triệu một cân như đồn thổi mà hàng chục triệu mới đúng. Loại cá một triệu chỉ là loài cá gì đó nuôi trong trang trại, khách không biết nên bỏ tiền ra ăn. Cá Anh Vũ thật không phải muốn là bắt được, mà phải có chu kỳ theo lịch Mặt trăng.
Đại gia chuyên bán cá Anh Vũ tại Việt Trì chính là người có tên là Phiến. Trước đây, ông Phiến lấy tên vợ ghép vào làm tên cho cửa hàng, gọi là quán cá Hoan Phiến. Ông Phiến người Thái Bình lên Phú Thọ từ những năm 1965 và thuê một mảnh đất nhỏ ở gần ngã ba Bạch Hạc để lập nghiệp.
Chính ông Phiến cũng không ngờ ở ngã ba sông này lại có loài cá Anh Vũ quý hiếm ấy. Thế nên ông khá tường tận về loài cá này, khi mùa lũ về làm vẩn đục tất cả các con sông thì cá Anh Vũ theo quy luật ngược dòng lên tận Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) bắt đầu mùa sinh sản trong các hốc đá. Qua mùa lũ, cá Anh Vũ lại tìm về ngã ba Bạch Hạc nơi có ba màu nước và trú ngụ trong các hầm đá phía dưới.
Một số ngư dân từng bắt được Anh Vũ ở ngã ba Bạch Hạc. |
Đắt như cá tiến vua
Tìm hiểu sâu về loài cá này nên ông Phiến đã cho người xuống các hầm đá để bắt. Vì đặc tính chỉ sống trong hầm đá sâu nên không thể câu được mà thợ lặn phải xuống dưới hang quây lưới và dùng dụng cụ là cái đụp để bắt cá. Anh Vũ rất dễ phân biệt vì phần miệng sùi ra như mõm lợn.
Nhìn qua bức ảnh cũ, ông Phiến cho biết sở dĩ miệng cá sùi ra vì chúng chỉ ăn rêu ở các vách đá. Lâu dần, môi cá sùi ra thành sụn, đó là phần giá trị nhất của Anh Vũ. Nhiều người cho rằng, phần sụn ở môi cá Anh Vũ đem hầm cách thủy với mật ong thì sẽ có tác dụng cường dương mà không loại thuốc nào có thể thay thế.
Nhưng phần ngon nhất vẫn là lòng cá mà trên đời không có sản vật nào sánh bằng. Thần dược tăng cường sức khỏe lại nằm ở phần túi mật. Lại thêm quan niệm “phát lộc, phát tài” khi ăn cá Anh Vũ nên các đại gia bằng mọi cách nhờ ông Phiến dành phần cho một suất.
Nhờ cá Anh Vũ mà ông Phiến trở nên giàu có. Ông Phiến không tiết lộ lý do tại sao bỏ nghề bán cá Anh Vũ, nhưng nhiều người phỏng đoán ông bỏ nghề vì loài cá này đã tuyệt chủng ở ngã ba Bạch Hạc.
Bẵng một thời gian, loài cá Anh Vũ tưởng không tồn tại lại xuất hiện trở lại nhờ việc bảo tồn và thuần phục loài cá quý hiếm này. Vợ chồng anh Nguyễn Việt Hoà và chị Hoàng Thị Thơm ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình – Tuyên Quang) vốn từng có thời gian nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang đã thành công khi bảo tồn loài cá Anh Vũ trên đỉnh Ái Au.
Anh Hoà kể, đận trước nuôi cá ở khu vực lòng hồ giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng rất bấp bênh. Nhất là vào mùa đông khi trời đổi gió, lúc thì cá chết trắng lồng, khi thì người suýt mất mạng vì lật thuyền.
Thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn phá huỷ lồng nuôi cá của ngư dân trên hồ thủy điện là khó khăn, cản trở lớn nhất để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, dù nuôi cá lồng tại Tuyên Quang được coi là tiềm năng nhưng cũng được ví như một canh bạc.
Ngọn núi Ái Au cây cối quanh năm xanh tốt, nước suối sạch mát trong lành chảy róc rách suốt ngày đêm. Sau bao trăn trở nghĩ suy, anh Hòa bàn với vợ vay vốn ngân hàng mua lại đất của các hộ dân ở lưng chừng núi để nuôi cá đặc sản.
Ông Phiến và con cá Anh Vũ quý hiếm. Ảnh tư liệu. |
“Đánh bạc” với cá quý
Bây giờ nghĩ lại anh Hoà vẫn thấy ý tưởng của mình quá táo bạo, bởi từ trước đến nay chưa thấy ai nuôi cá trên núi bao giờ. Và giả sử nếu thất bại, thì không những sản nghiệp mà anh còn mất đi tất cả. Đó là một canh bạc lớn hơn bất kỳ canh bạc nào trên đời.
Ngày nhận đất ở Cốc Phát, công việc đầu tiên vợ chồng anh Hoà bắt tay vào làm là phá hết những đám lau sậy, hì hục đào những ao nuôi nhỏ rồi bắt nước suối vào ao.
Anh Vũ được xem là một loài cá quý và thường được chọn tiến vua trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam. Năm 1992, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã ghi nhận cá Anh Vũ trong sách đỏ Việt Nam - phần động vật, là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. |
Theo những người dân bản địa, Cốc Phát dịch theo nghĩa tiếng Tày là gốc nhội. Bởi ở đây trước kia có rất nhiều những gốc nhội to, nước suối Khuổi Lung Vàng bắt nguồn mãi trên Khau Đao chảy theo sườn núi Ái Au về xuôi.
Dân trong xã Thượng Lâm thường so sánh hành trình đưa những giống cá tiến vua nuôi tại núi Ái Au của vợ chồng anh Hoà, giống như trong câu chuyện cổ tích chàng Mai An Tiêm xưa tìm được giống dưa quý.
Nhiều người thấy vợ chồng anh Hoà bỏ nhà lên rừng, ai cũng ái ngại và cho là dở hơi. Ấy vậy mà bây giờ, nhiều người phải thay đổi suy nghĩ và nể phục bởi trại cá có một không hai.
Nguồn nước suối trong lành được anh Hoà dẫn vào ao nuôi thông qua hệ thống đường ống dẫn nước rồi lại từ ao nuôi thoát qua hệ thống cống tràn. Chính vì thế, ao nuôi luôn trong mát và nước lưu thông giúp cá khỏe và nhanh lớn.
Nói về những tháng ngày thuần phục những loại cá đặc sản ở vùng đất mới, chị Thơm, vợ anh kể lại, mẻ cá giống đầu lấy về chỉ sống được vài ngày, đợt hai thì chỉ 50% cá giống sống sót.
Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh mới biết cá chết do nước lạnh hoặc nóng quá. Sau này anh chị biết điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.
Khu vực rừng núi Ái Au có nhiều cây cỏ như dứa dại, cỏ ngọt, rêu đá… là thức ăn yêu thích của nhiều loại cá nên vợ chồng anh Hoà ngày nào cũng lặn lội kiếm. Nhiều lần lên núi lấy thức ăn cho cá bị đá núi sắc nhọn cứa đứt chân tay nhưng họ không nản chí.
Sau vài năm từ khi bắt tay vào thuần phục cá Anh Vũ, cho đến nay nhiều người đã biết đến trang trại của anh Hòa. Nhiều khách du lịch qua cung đường Ái Au phải ngạc nhiên trước trang trại giữa vùng đất hoang sơ.
Mặc dù giá cả bốn loài “cá tiến vua” không hề rẻ, nhưng nhiều du khách vẫn bỏ tiền ra mua. Thậm chí, không cưỡng được sức hút của những loài cá này, họ nổi lửa giữa đồi nướng cá thưởng thức tại chỗ.
Hiện nay trang trại của anh Hòa đã có 10 ao, bể nuôi cá trên 4.000 cá Anh Vũ. Đó là một hướng đi chưa từng có. Tuy nhiên, loài cá quý tiến vua rất khó nuôi và chăm sóc nên anh Hoà cho rằng, giống như một canh bạc một ăn – mười mất.
(Theo Giáo Dục và Thời Đại)