- Tình cờ có được số tiền lớn trong lúc thu mua ve chai, sau nhiều "biến cố", cuối cùng, số tiền này cũng đã được trao lại cho người đã nhặt được nó.

Chị ve chai đang nhận lại 5 triệu Yên

2 giờ 30 chiều nay, công an Q.Tân Bình, TP.HCM đã gọi điện chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1978, ngụ Q.Tân Bình) và luật sư tới thống nhất phương án trả tiền và thực hiện trao tiền cho chị trong buổi chiều nay.

"Món quà" bất ngờ trong chiếc thùng sắt

Số tiền này đến với vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, tạm trú phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) một cách đầy tình cờ.

Tháng 11/2013, vợ chồng chị mua chiếc thùng loa với giá 100.000 đồng của một người đàn ông đi đường. Do chưa có thời gian phá thùng lấy đồng bán, vợ chồng chị để trong góc nhà.

{keywords}
Niềm vui của chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng 

Chiều 21/3, vợ chồng chị đem thùng loa ra tháo thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ chứa tiền. Do không biết tiền Nhật nên anh chị còn nhầm đó là tiền...âm phủ. Tổng cộng số tiền là 520 tờ tiền Nhật, có một số xấp bị mục nát, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yên (trên 5 triệu yên, tương đương 1 tỷ đồng).

Hàng trăm người tập trung đến nhà vợ chồng chị để xin tiền. Một số người lạ mặt còn đến hăm dọa đòi anh chị chia số tiền nhặt được khiến vợ chồng anh hoảng sợ.

Nhận được tin báo, sáng 23/3/2014, Công an phường 10 quận Tân Bình mời chị đến trụ sở để ký vào số tiền niêm phong. Trong khoảng thời gian 1 năm sau đó, không có thông tin gì về chủ nhân của số tiền trên.

Đến ngày 23/3/2015, Công an Phường 10 đã hướng dẫn chị Hồng và chồng hoàn tất thủ tục, gửi hồ sơ lên Công an quận đề nghị xem xét để nhận lại số tiền 5 triệu yên Nhật này.

Người phụ nữ xuất hiện ở "phút 89"

Tưởng như đã nắm được vận may trong tay nhưng đến sáng 27/4/2015, ngày cuối cùng của thời hạn công khai tìm chủ nhân số tiền, thì bất ngờ có người phụ nữ đến nhận là chủ sở. Do có người tranh chấp trong thời hạn quy định nên cơ quan chức năng gia hạn niêm phong số tiền thêm 1-2 tháng để điều tra, xác minh.

Người phụ nữ này là Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Bà này nói đó là tiền của chồng bà (ông Afolayan Caleb) đang lao động ở Nhật, gửi về cho mình. Bà cất giấu trong thùng loa cũ rồi quên. Chiếc loa này sau đó bị người thân đem bán ve chai, tới tay vợ chồng chị Hồng. Tuy nhiên, có thông tin Afolayan Caleb đã sử dụng giấy tờ giả trong quá trình lưu trú tại Việt Nam.

{keywords}

Phạm Thị Ngọt bất ngờ xuất hiện nhận mình là chủ số tiền 5 triệu yên

Với sự xuất hiện bất ngờ của nhân vật mới này, sáng 12/5, đại diện công an quận Tân Bình, đã gửi văn bản phúc đáp đến chị Hồng nói rõ vẫn chưa kết luận ai là chủ nhân thật sự của 5 triệu yên. Công an quận tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh để giải quyết vụ việc.

Ngày 13/5, chị Hồng có đơn khiếu nại gửi công an quận Tân Bình. Chị trình bày, quá thời hạn 1 năm nhưng công an chưa cho chị nhận lại số tài sản vô chủ trên.

Đồng thời, chiều 13/5, Phạm Thị Ngọt cũng đến công an quận, chủ động bổ sung những giấy tờ của người chồng Nam Phi, là ông Caleb Afolayan để phục vụ công tác xác minh.

Ngày 19/5, sau quá trình điều tra, công an quận Tân Bình cho hay, bà Ngọt chưa có giấy tờ chứng minh là vợ - chồng hợp pháp với ông Afolayan Caleb theo pháp luật Việt Nam; đồng thời người đàn ông này không xuất hiện trực tiếp để tranh chấp, để có đơn yêu cầu. Do đó công an không có căn cứ để xe xét đơn của bà Ngọt.

Đến chiều 19/5, đại diện công an quận này đã thông báo với chị Hồng và luật sư, phía công an sẽ giao trả số tiền hơn 5 triệu yên cho chị. 

Bức thư bất ngờ từ vị giám đốc

Trước ngày chị Hồng nhận hơn 5 triệu yên, một số người đến vay tiền để làm ăn, có người lại gửi thư khuyên người mua ve chai trả lại tiền cho Nhật Bản.

Đó là một phụ nữ khoảng 50 tuổi cầm xấp giấy nói là sổ đỏ, đến thế chấp để nhờ chị Hồng cho vay 200 triệu vì công việc làm ăn khó khăn. Tuy nhiên, chị Hồng đã từ chối đề nghị này vì không có tiền và sợ bị lừa gạt.

"Bà ta nói là sổ đỏ nhưng lại được đánh máy trên tờ giấy màu trắng, giống bản photocopy, không có con dấu của chính quyền", người ở cùng khu trọ với chị ve chai kể.

Sau đó, chị ve chai cũng nhận được một bức thư của ông Trịnh Đình Long (Tổng giám đốc công ty CP giải pháp doanh nghiệp Amica, Hà Nội). Ông Long là người khuyên chị Hồng trả số tiền 5 triệu Yên cho Chính phủ Nhật.

Vị giám đốc doanh nghiệp này cho biết, ông kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay quyên góp, hỗ trợ bằng tiền mặt cho chị Hồng. Sau đó khuyên chị trả lại số tiền 5 triệu yên nhặt được cho Chính phủ Nhật với mục đích tạo ra hình ảnh đẹp của người Việt trước bạn bè Nhật Bản và quốc tế.

Đến 2 giờ 30 chiều 2/6, công an Q.Tân Bình, TP.HCM bất ngờ gọi điện chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng và luật sư tới thống nhất phương án trả tiền và thực hiện trao tiền cho chị trong buổi chiều cùng ngày.

Như vậy, sau một hành trình dài chờ đợi, cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười với vợ chồng chị ve chai.

Lê Lan (tổng hợp)