Chị Vũ Kim Thoa là mẹ của 3 cô con gái có con đường học vấn và sự nghiệp rất thành công hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ và Singapore.
Cả ba chị em Nguyễn Hà Linh, Nguyễn Quỳnh Mai và Nguyễn Linh Chi đều là cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cô chị cả sinh năm 1986 sau khi tốt nghiệp Hà Nội – Amsterdam đã nhận được học bổng ngành Kiểm toán, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Hiện Hà Linh đang giữ vị trí quản lý ở công ty PWC chi nhánh Singapore – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.
Nguyễn Quỳnh Mai nhận học bổng Astar của Singapore khi học hết lớp 9. Sau 4 năm học phổ thông ở Singapore, Mai tiếp tục nhận học bổng toàn phần ngành Sinh Hoá, ĐH Laffauet (Mỹ). Hiện tại, cô chuẩn bị hoàn thành chương trình tiến sĩ ở ĐH Thomas Jefferson, chuyên ngành nghiên cứu về ung thư da.
Cô út Nguyễn Linh Chi sẽ tốt nghiệp ĐH Colgate (Mỹ) vào tháng 5 này, và hiện đã nhận được thư đồng ý cấp học bổng toàn phần kèm với trả lương cho chương trình Tiến sĩ Dược từ 6 trường đại học, trung tâm nghiên cứu y khoa danh tiếng, gồm có: ĐH Cornell, ĐH Johns Hopkins, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, ĐH Colgate, Icah School of Medicine at Mount Sinai và ĐH New York.
Linh Chi dự định sẽ chọn Memorial Sloan Kettering Cancer Center – trung tâm nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới - làm ‘bến đỗ’ cho mình.
Chị Vũ Kim Thoa – mẹ của 3 cô gái tài năng – đã nhận lời chia sẻ với độc giả Vietnamnet về hành trình đồng hành cùng các con của mình.
- Phóng viên: Đi du học là ước mơ của rất nhiều phụ huynh, học sinh Việt Nam. Cả 3 cô con gái nhà chị đều đạt được ước mơ đó, thậm chí là có những bước tiến xa hơn trên con đường học thuật và sự nghiệp. Trong suốt quá trình này, anh chị đã hỗ trợ, đồng hành cùng các con như thế nào?
Chị Vũ Kim Thoa: Tôi cho rằng, sự dẫn dắt, đồng hành của bố mẹ rất có ảnh hưởng tới các con. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của chính các con.
Gia đình tôi không có quan điểm các con phải học trường chuyên, lớp chọn. Ngay từ nhỏ, các con luôn học đúng tuyến. Nhà ở Đội Cấn thì học Đại Yên. Nhà ở Đội Nhân thì học Hoàng Diệu. Khi chuyển sang Kim Mã thì học Kim Đồng. Nhà có 3 đứa, mẹ không thể đưa con đi học xa được. Nhưng khi các con học đến cuối cấp, thi học sinh giỏi đạt thành tích tốt thì các cô giới thiệu các con thi vào Ams. Mai và Chi đỗ Ams từ cấp 2.
Khi Mai đỗ học bổng đi Singapore, gia đình tôi còn chưa biết gì về học bổng ấy. Các cháu tiếp cận học bổng từ thông báo của văn phòng trường, thấy phù hợp với mình thì lên nộp hồ sơ, rồi đi thi.
Tuy nhiên, việc truyền đam mê, động lực để các con tự phấn đấu thì luôn có. Tôi còn nhớ, ngày xưa, khi nhà ở Đội Cấn, tôi hay dẫn con ra Lăng Bác chơi. Khi đi qua các đại sứ quán gần đó, tôi thường chỉ vào đó và nói với con rằng những quốc gia này rất văn minh, môi trường học tập, làm việc ở đó rất tốt… Tôi đưa vào đầu con tư duy bay cao và bay xa như vậy. Tôi nghĩ rằng, khi mình đặt mục tiêu thấp, mình sẽ chỉ đạt được đến đó thôi. Còn khi mình đặt mục tiêu cao hơn, mình sẽ luôn có cách để đạt được nó.
- Việc đầu tư của gia đình bây giờ cũng có tác động không nhỏ đến thành tích học tập của con cái, đặc biệt là đầu tư ôn luyện cho những bài thi chuẩn hoá như SAT, TOEFL, ACT…, chưa kể đến học các vẽ, học nhạc, học thể thao… Nhiều phụ huynh băn khoăn rằng liệu với khả năng tài chính khiêm tốn của bố mẹ, con mình có thể theo kịp con nhà người ta?
Các con tôi đi du học đều thuộc diện được hỗ trợ tài chính, gia đình không phải mất tiền. Tôi vẫn hay đùa là “tay không bắt giặc”.
Các con đi học, quỹ lớp thì đóng rất ít, học thêm gần như không đi. Nhà tôi chỉ mất tiền đi mua sách, gần như tuần nào cũng ra hiệu sách.
Linh Chi ôn SAT để “apply” đi Mỹ cũng hoàn toàn là mua sách về tự ôn. Lớp 11 khi các bạn còn đang mải mê đi học thêm thì con đã thi xong SAT, đạt điểm gần như tuyệt đối.
Hai vợ chồng tôi đều là công chức. Tôi luôn nói với các con rằng “nhà mình không có tiền đâu”. Đến mức đôi khi các con hiểu sai ý mình. Hồi học phổ thông, cả lớp có 2 bạn không đi tham quan, trong đó có Linh và một bạn mẹ mất. Khi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm thông báo, tôi mới biết. Về hỏi con thì con nói là “con nghĩ nhà mình chẳng có tiền”.
Hay một lần, tôi có cho con đi học thêm môn Lý của một thầy Ấn Độ trước khi thi vào ĐH Công nghệ Nanyang. Học phí lúc đó khoảng 800 nghìn. Ra khỏi phòng thi, Linh bảo “mẹ ơi, mất 800 nghìn rồi”, vì Linh cho là con làm không ổn lắm. Kể như thế để thấy là các con luôn đồng hành với mẹ về mặt tài chính.
Ngoài ra, các con cũng may mắn gặp nhiều người tốt. Ví dụ như Linh, ngày xưa có một bạn được bố sang Sing mua sách về cho học nhưng bạn ấy không học được, cho Linh mượn sách về photo để học. Hay có những bạn đi học trung tâm miệt mài, về có sách vở, tài liệu gì lại cho Mai mượn.
- Các trường đại học, đặc biệt là của Mỹ, rất chú trọng tới sự toàn diện của một đứa trẻ. Chính vì thế, những ông bố, bà mẹ trẻ bây giờ, nếu định hướng cho con đi du học thường có hẳn một chiến lược bài bản cho con học đủ các thứ. 2, 3 tuổi cho con học tiếng Anh, học nhạc… Lớn hơn thì cho học trung tâm và tốn rất nhiều tiền.
Nguyễn Quỳnh Mai tốt nghiệp ĐH Laffauet (Mỹ) năm 2015 |
Thực ra, nhà tôi xuất phát điểm cũng na ná như thế.
Cũng có mời thầy đến dạy nhạc, tìm chỗ học tiếng Anh…
Nhưng sau một thời gian học, các con không thích nên bỏ. Bố mẹ cũng theo con hết, chứ không ép. Nếu con thấy hay thì tiếp tục, không thì thôi.
Ngày xưa, học tiếng Anh còn ít, không như bây giờ. Bố mẹ cũng nghĩ là học ở trường không ăn thua gì, đi tìm trung tâm, nhưng con kêu đắt tiền, không đi. Con tự bỏ, đi học ở trung tâm UNESSCO miễn phí. Nhà tôi sử dụng rất nhiều thứ miễn phí (cười).
Đúng là các trường Mỹ yêu cầu sự toàn diện, nhưng mình phải xác định cái gì là chính. Nếu văn hoá là cái chính thì năng khiếu, thể thao là bổ trợ, để các con giảm áp lực. Nếu con bỏ nhạc thì con phải tập trung sang học cái khác. Con tự biết cái gì con phù hợp hơn.
Có điều kiện cho con đi học là tốt nhưng nên đi như thế nào để đảm bảo sức khoẻ. Các con đi học triền miên như thế thì có hại chứ không có lợi. Khi con đi học thêm về, con phải có thời gian làm bài tập. Đó là lúc con biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của con. Nhưng con cứ đi học miệt mài mà không có thời gian tự học thì chẳng có ích lợi gì.
- Anh chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về lộ trình học tiếng Anh và các môn học khác của 3 con?
Các con bắt đầu học tiếng Anh vào khoảng lớp 4. Ban đầu, con có học ở các trung tâm gần nhà, học phí rẻ, trong khoảng 2 năm. Các trung tâm cũng có đĩa phát cùng sách. Ngày xưa là đĩa CD, nhà không có laptop nên nghe đài.
Đồng thời, tôi có mua các đĩa phim hoạt hình như “Tom và Jerry” có phụ đề tiếng Việt. Dần dần, mua đĩa không có phụ đề, mỗi ngày cho con xem 30 phút.
Khi lên cấp 2, các bạn đều vào được Ams nên học theo thầy cô ở trường. Con không đi học thêm, chỉ mua sách và đĩa, phim, tự nghe tự học. Thời điểm này, tôi cho con xem phim có phụ đề như Titanic…
Các bạn cũng có học bơi (học hè cho đến khi bơi được) và có học đàn nhưng thấy các bạn không mặn mà với nhạc nên khoảng 1, 2 năm thì thôi. Riêng Linh Chi thì có tham gia các hoạt động hát hò, nhảy nhót từ nhỏ đến tận giờ.
Tôi cũng không dạy chữ trước cho bạn nào cả để tôn trọng tuổi thơ của con.
Theo tôi, quan trọng nhất là truyền cảm hứng cho các con. Kể chuỵên, nói chuyện hằng ngày sao cho các con thích học, say sưa và sẵn sàng thích thú khi làm nhiều bài hơn. Muốn thế, đừng ngay một lúc đòi hỏi cao làm con sợ.
Ngoài ra, bố mẹ, ông bà cũng phải làm gương cho con. Muốn con học nhưng bố lại bật tivi xem thể thao oang oang, mẹ chơi game, buôn điện thoại thì con sẽ không tập trung được. Khi con học, bố mẹ cũng ‘học’ bằng các hoạt động như xem sách, đọc truyện hoặc ngồi cùng con. Những việc đó tạo thành cái gọi là nếp nhà.
Việc ăn uống của gia đình cũng phải khoa học, đúng giờ. Bữa tối cố gắng ăn trước 7 giờ. Trong bữa cơm cố gắng đoàn tụ đủ người và tâm sự, kể chuyện rôm rả. Sao cho 7 giờ 30 phút kết thúc bữa tối, con ngồi vào học trong khoảng 2 tiếng. Sau đó cho con xem đĩa tiếng Anh…
Cha mẹ nhớ luôn tôn trọng con, chia sẻ hết khó khăn, vui buồn với con, thì con cũng sẽ luôn chia sẻ với mình. Phải làm cho con tin tưởng mình tuyệt đối.
- Nhiều bạn học giỏi ở Việt Nam hay bị gọi là ‘gà công nghiệp’, vốn hiểu biết xã hội ít. Anh chị làm như thế nào để khắc phục điều này cho các con?
Ngay từ nhỏ, tôi đã cho con đi nhiều. Cuối tuần, gia đình vẫn thường có những cuộc tụ họp bạn bè, người thân, để cho con có cơ hội tiếp xúc với mọi người.
Bố mẹ cũng nên tận dụng những dịp đó để hướng dẫn các con tham gia làm việc nhà, tự lo cho mình. Khi nhà có khách, thông báo với con là hôm nay cả khách cả chủ là bao nhiêu người, hướng dẫn con lấy bát, kê bàn ghế. Trước khi đi du lịch, hãy để con tự chuẩn bị đồ của mình. Con thiếu cái gì, lần sau con sẽ tự rút kinh nghiệm, bố mẹ không cần quan tâm. Cứ thế, con lớn đến đâu, mình giao việc đến đấy. Và luôn nhớ nói với con rằng con là người quan trọng trong gia đình.
- Trong quá trình đồng hành cùng con, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn giữa việc khuyến khích con hay đang gây áp lực cho con. Anh chị làm thế nào để không vượt quá ranh giới ấy?
Tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế. Đi du học là mong muốn của nhiều gia đình. Thế nhưng, vấn đề là mình không phải là người đi học, mà là các con. Vì thế, mong muốn ấy phải là của các con đã.
Bố mẹ có thể gợi ý, tạo điều kiện, thổi vào các con ước mơ đi du học dần dần từ năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Khi nó đã là mong muốn của các con rồi thì tự khắc các con sẽ tìm cách đi du học.
Bố mẹ đừng nói con sẽ đi học chỗ này chỗ kia trong khi con không hề chuẩn bị tinh thần, chẳng biết đất nước đó ở chỗ nào.
Có lúc tôi vào Đại sứ quán Mỹ làm visa, thấy có những trường hợp đến nơi mới bảo bố mẹ gọi cho chị A, chị B - tức là con đi tay không. Tôi hiểu những trường hợp đó là qua trung tâm. Sau đó có một chị hớt ha hớt hải cầm hồ sơ đến. Tức là em chẳng hiểu cái gì cả, thì làm sao sang đấy em học nổi.
Tất cả phải bắt đầu từ con. Bố mẹ chỉ truyền cho con cảm hứng, ước mơ, chứ không làm thay con được. Bố mẹ cũng đừng gây sức ép, thấy con quá sức thì thôi ngay. Ở Việt Nam cũng có nhiều trường rất tốt. Phù hợp với mình là tốt. Không phù hợp là không tốt.
Nguyễn Linh Chi - cô con gái út - trong ngày tốt nghiệp phổ thông |
Hồi Mai nhận kết quả học bổng AStar, tôi nhìn thấy các con trượt, các con khóc kinh khủng. Rất thương! Có con khóc rũ rượi, khóc mấy tiếng đồng hồ. Các con quá sợ hãi, quá thất vọng. Nhưng liệu rằng như thế sự sợ hãi, cảm giác thất vọng có ám ảnh các con những lần sau?
Con tôi học trường Ams, có trường hợp họp phụ huynh cô giáo nhận xét bạn A, bạn B học rất kém, cứ thi là đau bụng. Nhưng đến khi bố mẹ cho ra khỏi Ams, sang trường khác thì đứng đầu trường và cực kỳ khoẻ mạnh. Đó là do con quá sợ hãi.
Ở Việt Nam hay có thói quen đọc điểm các con toáng lên trên lớp. Cho nên bạn 2 điểm rất xấu hổ với bạn 10 điểm. Các con bị tổn thương. Ở bên Sing, khi trả bài, bạn nào biết bạn đấy, nên khi ra trường các bạn nhìn nhau cũng khác, chứ không có chuyện ‘ôi, thằng kia ngày xưa học dốt lắm’.
Trong kỳ thi học bổng A Star, cũng có những bạn không làm được bài. Ra khỏi phòng thi, con gọi cho bố, bảo ‘bố ơi con không làm được’. Bố đến đón, nói ‘không làm được thì thôi con ơi’, rồi chở con về. Đấy, phải như thế!
Bố mẹ chỉ nên thổi vào con ước mơ, để đến khi các con phải nói với mình rằng, ‘mẹ ơi có học bổng này, họ cần hồ sơ như thế này’. Bố mẹ chỉ có mỗi việc chở con đi thi.
Chẳng bao giờ chúng tôi nghĩ rằng con sẽ đi học bên Mỹ. Chúng tôi cũng không nghĩ học đại học xong, con sẽ học tiến sĩ. Nhưng tự các con tìm đường cho mình hết.
- Hiện tại, nhìn vào các con chị thì chỉ thấy những thành công. Nhưng chắc hẳn, không ít lần các con đã thất bại. Những lúc ấy, anh chị ứng xử với con như thế nào?
Điều quan trọng nhất là phải luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu.
Cả quá trình học tập của các con được như ngày hôm nay nhưng không phải lúc nào con cũng được như thế. Có những lúc con thi trượt học bổng hoặc những kỳ thi khác, bao giờ tôi cũng chia sẻ cùng con. Nếu con khóc, tôi bảo con cứ khóc. Nhưng tôi nói với con là còn rất nhiều cơ hội khác.
Bố mẹ đừng nghĩ rằng đã thi thì phải đỗ. Bản thân con thi trượt đã buồn rồi.
Mình là phụ huynh, phải là chỗ dựa tinh thần cho con. Mình không thương con thì còn ai thương con nữa. Những thất bại của con thì đừng nhắc lại.
- 3 cô con gái xinh đẹp và tài năng có bao giờ khiến bố mẹ bực mình hay phải dùng đến kỷ luật thép?
Quỳnh Mai và Linh Chi trong lễ cưới của chị cả Hà Linh |
Bọn trẻ con nhà tôi cũng lắm trò như trẻ con nhà khác. Có những lúc biết con nói dối nhưng mình lờ đi. Ví dụ như con lấy tiền ăn sáng mua cái bút nhũ, về bảo mẹ là bạn con cho. Nhưng khi cần rắn thì phải rắn.
Ví dụ như Mai, ngày xưa tôi còn phải bê máy tính xuống phòng khoá lại. Con ăn cơm xong, ngay lập tức biến mất. Hoá ra con chơi điện tử. Mẹ lên xem thì con kể, hôm nay con nuôi gà, vắt sữa bò, trồng cây, thu hoạch… mất 4 tiếng đồng hồ. Lúc ấy, tôi lại phải quản lý chặt chẽ. Tôi nói là con không làm như thế này được, mẹ chỉ cho con chơi mỗi ngày 30 phút.
Còn Linh Chi, ngày xưa năm cuối cấp 3, sau khi đã được nhiều trường nhận rồi, mọi thứ bắt đầu suôn sẻ rồi, mẹ vẫn phải tịch thu điện thoại 4 tháng.
Lúc ấy, tâm lý “thả cửa”, bắt đầu ham mê thời trang, thích mốt này mốt kia, son này son khác, rồi đi chơi, đi ăn uống với các bạn. Các bạn rủ đi liên hoan, tiễn bạn nọ bạn kia quá đà. Mẹ tịch thu điện thoại 1 tháng. Mẹ nói, con cần điện thoại thì bảo mẹ, cần đến nhà bạn nào ở đâu, mẹ đưa con đến. Sau khi mẹ trả điện thoại, vẫn còn thấy hiện tượng, mẹ tịch thu tiếp. Đến tháng thứ 4 thấy ổn thì mẹ trả điện thoại.
- Anh chị có kinh nghiệm đúc kết gì muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh và các con trong quá trình ‘apply’ không?
Trong hồ sơ ‘apply’, một yếu tố không thể bỏ qua là quá trình học tập của con, thể hiện qua học bạ (điểm GPA), chủ yếu là những năm cấp 3. Điểm GPA theo chiều hướng đi lên hay đi xuống. Nó phải logic với điểm số chuẩn hoá của con. Nếu điểm học bạ kém mà điểm thi chuẩn hoá cao thì cũng không thuyết phục.
Theo tôi, quá trình học chiếm 30%; 25% là SAT, TOEFL; 40% là bài luận, 5% điểm cộng cho các hoạt động ngoại khoá, năng khiếu. Vì thế, nếu sa đà quá vào các hoạt động ngoại khoá thì cũng không ổn.
Đóng góp tài chính cũng là vấn đề mà nhiều phụ huynh băn khoăn. Theo tôi, gia đình cứ nêu một mức đóng góp mà gia đình có thể chi trả. Sau đó trường có thể chấp nhận mức đóng góp này hoặc không.
Nếu trường muốn gia đình đóng góp nhiều hơn mức đó, hãy cứ bình tĩnh viết thư lại cho trường. Có 4 điều cần viết mà tôi tư vấn cho các mẹ đều thành công hết.
Thứ nhất là bày tỏ sự vui mừng khi được trường nhận. Thứ 2 là bày tỏ sự biết ơn khi trường đã rất hào phóng cho mình số tiền đó. Thứ ba là gia đình đã cực kỳ cố gắng và đã huy động hết mọi nguồn tài trợ cho việc học ở trường. Tuy nhiên, mức đóng góp của trường quá lớn với gia đình và mong muốn trường hỗ trợ thêm cho mình.
Ngày xưa, Linh Chi cũng đã “mặc cả” với trường như thế. Con bình tĩnh viết thư lại cho trường và đưa ra lý do “năm nay bố nghỉ hưu”. Ngay lập tức, trường đồng ý với mức đóng góp của gia đình là 5.000 USD/ năm, nhưng sau đó Linh Chi làm quản lý ký túc xá cho trường, nên khoản này cũng được trường trả lại.
Một điều nữa mà tôi muốn chia sẻ là, mọi người đừng nghĩ ở những nước tiên tiến thì không cần quan hệ khi đi xin việc. Các mối quan hệ ở nước ngoài cũng cực kỳ quan trọng, tất nhiên quan hệ ở đây hiểu theo nghĩa là mình vẫn phải là người đủ khả năng làm công việc đó. Quan hệ chỉ giúp hồ sơ của mình được nhà tuyển dụng chú ý đến hơn mà thôi.
Như trường hợp của Mai, khi học xong, con định xin vào hãng dược Novartis – một hãng dược lớn. Nhưng thử tưởng tượng mỗi năm ở Mỹ có hàng nghìn sinh viên Sinh Hoá tốt nghiệp. Trong hàng nghìn hồ sơ kia, bao nhiêu hồ sơ đến tay nhà tuyển dụng. Nhưng Mai lại chơi với một bạn mà bố mẹ bạn ấy làm trưởng phòng ở Novartis. Người ta nói con họ không có khả năng vào Novartis, nhưng có nghe thấy con kể về Mai. Họ hỏi Mai có mong muốn vào Novartis không thì họ giúp đỡ. Họ sẽ điện thoại cho bên tuyển dụng để khi Mai gửi hồ sơ, người ta sẽ chú ý.
- Khi cho con đi du học, nhiều phụ huynh sợ rằng sẽ “mất con”. Sống ở những môi trường xã hội khác nhau, mối quan tâm chung giữa bố mẹ và con cái sẽ không còn nữa. Anh chị làm thế nào để giữ kết nối với các con khi các cháu xa nhà từ nhỏ?
Khi các cháu đi du học, văn hóa nước ngoài, ngôn ngữ sẽ thấm dần vào. Thậm chí, Tiếng Việt có lúc nó quên mất. Chính vì thế, sự kết nối của gia đình sẽ giúp con duy trì mối liên kết với cả quê hương, đất nước mình.
Gia đình tuy không có nhiều điều kiện kinh tế, nhưng chúng tôi luôn cố gắng đầu tư cho những chuyến du lịch, để có cơ hội gặp gỡ nhau. Thậm chí có năm tôi phải bảo vợ vay tiền để đi gặp con, tạo sự gắn kết với con.
Có nhiều gia đình có con đi học bên Mỹ 4 năm, gia đình rất có điều kiện nhưng không sang thăm con một lần nào.
Nhà tôi có một điều đặc biệt là đi đâu cũng đủ 5 người. 5 người học tập và làm việc ở 5 nơi khác nhau, thời gian nghỉ phép cũng khác nhau. Để 5 người được gặp nhau thì sẽ có người phải hi sinh công việc riêng của mình.
Ngoài ra, hầu như ngày nào tôi cũng skype, messenger với các con. Tôi kể chuyện ở Việt Nam, kể chuyện nhà với các con để các con không cảm thấy xa lạ với quê hương.
Thậm chí, hết chuyện rồi, tôi còn kể chuyện con chó nhà hàng xóm hôm nay đẻ, thì con kể chuyện con chó của bạn trai vừa mới chết. Rồi ông bà nội của bạn trai hôm nay sơn hàng rào như thế nào. Mình kể cho con những gì thì con cũng kể lại cho mình những chuyện tương tự trong cuộc sống.
Cho nên, khi các con về, chúng ôm mình như khi còn nhỏ. Có người bạn tôi kể rằng, con đi du học mỗi năm cho 30 nghìn hỗ trợ tài chính, nhưng con chỉ gọi về khi con cần tiền. Bố mẹ nhớ con quá thì hẹn ngày này sẽ gọi cho con. Nhưng bố mẹ hỏi gì, con trả lời nấy.
Khi hỏi bạn ấy, tại sao lại làm như thế với bố mẹ thì con kể rằng, ngày xưa lúc còn bé, khi còn ở nhà, 4 người ăn cơm hầu như chẳng nói chuyện với nhau. Ăn cơm xong mỗi người vào một phòng, nên bây giờ gọi cho bố mẹ, không biết nói chuyện gì. Tôi thấy quá xót xa cho bố mẹ. Cái nguy hiểm của các con khi đi du học là nó xa rời Việt Nam, thì việc xa rời mình chỉ tính bằng thời gian thôi.
Có trường hợp bố mẹ đón con từ sân bay về, chưa về đến nhà con đã bảo con muốn thuê nhà ở riêng. Nhiều khi nghe bạn kể 2 tháng không liên lạc với con, tôi đã giãy nảy lên. Tôi chỉ cần 2 ngày không thấy con trên mạng là đã làm loạn lên rồi. Mà con không thấy tôi 2 ngày, bao giờ cũng nhắn tin “mẹ ơiiiiiii… mẹ đâu rồiiiiiiii……?” (cười)
Cảm ơn anh chị đã dành thời gian cho Vietnamnet.
Bài: Nguyễn Thảo
Thiết kế: Phạm Luyện