Bệnh nhân là ông N.V.T, 52 tuổi, quê Nghệ An, là một trong 20 người ngộ độc liên quan sự cố an toàn thực phẩm xảy ra tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội).

Diễn biến tăng nặng rất nhanh 

Ông T. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu lúc gần 20h ngày 19/12. Bác sĩ Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết khi vào viện, người đàn ông này có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn nhiều lần. Thầy thuốc nghĩ đến tình huống bệnh nhân ngộ độc thực phẩm và xử trí theo phác đồ chống nôn, bù điện giải.

"Bệnh nhân diễn biến tăng nặng rất nhanh. Trong khoảng 1 tiếng, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, nổi vân tím toàn thân, thở nhanh. Kết quả xét nghiệm sau 1 giờ từ khi vào viện thay đổi mạnh, ban đầu không có tình trạng toan máu nhưng sau đó toan máu nặng nề. Nam bệnh nhân cũng có rối loạn sóng điện tâm đồ, một biểu hiện nguy hiểm", bác sĩ Oanh chia sẻ.

z6167612994755_5b0c66e4f96a645c6a15cf560fab8f65.jpg
Thầy thuốc trao đổi về bệnh nhân T. thời điểm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Ảnh: BVCC

Kết quả điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu bất thường của mạch vành, nhịp tim nhanh 130 lần/phút (bình thường là 60-100 lần/phút), huyết áp tăng cao lên 170/80mmHg. Xét nghiệm khí máu biểu hiện tình trạng toan chuyển hóa nặng.

Các bác sĩ hội chẩn cấp cứu, chẩn đoán nam bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, theo dõi ngộ độc. Bệnh nhân lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập, an thần, chỉ định lọc máu cấp cứu liên tục tại khu Thận nhân tạo, dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao.

Song song, thầy thuốc tiếp tục xét nghiệm và gửi mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai kiểm nghiệm, nhằm đưa ra hướng điều trị chính xác. 

"Bác sĩ đã cứu tôi từ cõi chết trở về"

Sau 4 giờ lọc máu liên tục, tình trạng toan chuyển hoá đã cải thiện hơn, 3h sáng 20/12, nam bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Lúc này, các bác sĩ nhận được kết quả xét nghiệm khẩn gửi từ Bệnh viện Bạch Mai cho thấy độc chất Ethanol là 11.8, Methanol là 2,7mg/dL. 

"Sau một giờ dừng lọc máu, tình trạng toan máu lại tiếp tục, bệnh nhân tụt huyết áp rồi suy tuần hoàn, hôn mê, phải sử dụng thuốc vận mạch, chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu", bác sĩ Oanh kể.

Sau lọc máu 4 giờ, tình trạng toan của bệnh nhân chưa cải thiện nhiều, thầy thuốc buộc phải tăng liều thuốc vận mạch, có lúc rất cao. Bác sĩ nhận định bệnh nhân có nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong, cần được lọc máu hấp phụ.

Để đưa ra phương án điều trị kịp thời và tích cực, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang liên hệ hội chẩn qua điện thoại với các chuyên gia Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời xin ý kiến làm thêm một số xét nghiệm độc chất để có thể xác định nguyên nhân.

Bệnh nhân tiếp tục được lọc máu cấp cứu kết hợp thêm quả lọc hấp phụ, lợi tiểu cưỡng bức, kháng sinh phổ rộng, dinh dưỡng và theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn cùng thông số xét nghiệm, đánh giá chức năng tim mạch.

10 giờ tiếp theo, kết quả điện tâm đồ cho thấy các sóng bất thường đã trở về đường cơ bản. Kết quả điều trị cho tín hiệu lạc quan ban đầu là đúng hướng. Tổng cộng, bệnh nhân được lọc máu 2 quả lọc M100 và 3 quả lọc MG350 cùng kháng sinh, đến tối 21/12, nghĩa là sau 48 giờ vào viện cấp cứu, các chỉ số của bệnh nhân gần như bình thường.

Chỉ số cơ học phổi đã cải thiện, huyết động ổn định, tiểu tốt, chức năng thận cải thiện, tình trạng toan chuyển hóa cũng cải thiện tốt. Bệnh nhân gọi mở mắt, dù còn kích thích nhưng thở hợp tác máy, đã cắt được vận mạch. 23h đêm 21/12, bác sĩ quyết định dừng lọc máu.

Ngày 22/12, ngày thứ 3 vào viện, tình trạng của bệnh nhân cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, thầy thuốc "chưa nói trước được các biến chứng tiếp theo về phổi, di chứng về nhận thức và tinh thần" của bệnh nhân.

Đến ngày 23/12, nam bệnh nhân được dừng thuốc an thần, giảm hỗ trợ của máy thở. Bác sĩ đánh giá khả năng tự thở, tự ho khạc của bệnh nhân tốt nên chỉ định rút ống nội khí quản. Sau rút ống, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, các thông số lâm sàng ổn định. Tình trạng toan kiềm trong giới hạn bình thường cho thấy vấn đề ngộ độc đã cơ bản được kiểm soát. 

Trở về sau khi bước một chân vào "cửa tử", thậm chí gia đình xác định rất nguy kịch, cơ hội sống chỉ là "50-50", ông T. rất xúc động, cho biết không nghĩ còn có thể nói chuyện, nhắn tin vào các nhóm công việc. "Các bác sĩ đã cứu tôi từ cõi chết trở về, cho tôi được sống lại", ông nghẹn ngào. 

ngo doc longbien.jpg
Bệnh nhân T. có thể trao đổi với bác sĩ Oanh sau khi gần 1 tuần điều trị. Ảnh: BVCC

Ngày 25/12, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể trò chuyện, chia sẻ diễn biến về buổi tiệc liên hoan có sử dụng rượu mà ông đã tham dự vào ngày 19/12. Nói với VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay với tiến triển hiện tại, tuần sau bệnh nhân có thể ra viện.

Ngày 19/12, 80 người tham dự một bữa tiệc liên hoan ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Sau đó, nhiều người bắt đầu đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài 2 người tử vong chưa rõ nguyên nhân (đang chờ kết quả pháp y), tổng cộng có 20 người vào viện ở Hà Nội điều trị.

Ngoài bệnh nhân T. đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, có 1 người vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 14 người vào Bệnh viện Bạch Mai (trong đó 5 người tình trạng nặng, đang được điều trị tích cực).

Bộ Y tế cho biết nguyên nhân khiến những người tham dự bị ngộ độc là "do hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến sử dụng trong bữa ăn".