Sản phẩm có thể tốt cho môi trường gấp nhiều lần nhưng nếu không mang lại lợi ích trước mắt cho chính sức khoẻ người tiêu dùng thì sản phẩm cũng khó có thể được đón nhận.
Đó là một thực tế mà nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường ở Việt Nam đang phải đối mặt.
6 năm kinh doanh nhà hàng đồ nướng thì đã đến hơn 3 năm nay, anh Tuân đổi sang dùng than hoạt tính làm từ lõi ngô thay cho than củi.
Cứ mỗi tháng, 2 nhà hàng đồ nướng của anh – một nằm ở Thị trấn Mộc Châu, một ở Thị trấn Nông Trường – ngốn hết khoảng một tấn rưỡi than, tương đương với một lò than.
Anh bảo, nếu giá than lõi ngô là 10 nghìn đồng/kg thì than củi chỉ có 7 nghìn đồng. ‘Nhưng cùng một mẻ nướng, than củi tốn 3kg thì than lõi ngô chỉ tốn 2,5kg. Chưa kể than lõi ngô cháy lâu hơn, sinh nhiệt nhiều, không khói và không bị bốc lửa. Thậm chí, than nướng xong rồi vẫn còn dùng lại được nữa’.
Anh Tuân cho biết, 80% các quán ăn dùng than ở Mộc Châu đều dùng loại than này. ‘Nhiều khi người dân cũng ra đây mua lại than của cửa hàng tôi’.
Chị Dương Thị Phương – chủ đại lý than ở Bắc Ninh nhiều năm nay – cho biết, chị bán than lõi ngô được gần 2 năm nay.
Trước đó, chị chỉ bán than củi, nhưng sau khách cứ hỏi than Mộc Sa – tức than hoạt tính làm từ lõi ngô nên chị lại lên mạng tìm hiểu.
Chị đặt hàng và giao dịch qua điện thoại cho đến tận bây giờ. ‘Mỗi tháng mình bán khoảng 3 tấn than lõi ngô. Chủ yếu khách buôn mua về để bán lẻ cho các bếp hoặc người dân’.
Hiện tại, chị Phương vẫn bán cả than củi và than lõi ngô, nhưng khối lượng than lõi ngô bán ra chiếm tới 70% tổng khối lượng bán than của chị.
‘Nói thật là dân không biết than này làm từ cái gì đâu. Họ chỉ gọi là tên than theo tên nhãn hiệu, thấy tốt thì họ dùng thôi. Cùng với dòng than này có than ép từ mùn cưa nhưng là từ các loại gỗ khác chứ không phải từ lõi ngô như loại than này’.
Chị nói, giá than củi rẻ gần bằng một nửa than lõi ngô nhưng người dân vẫn ưa dùng loại đắt, trước hết lợi ích nhìn thấy ngay được là nó gần như không có khói.
Nếu so sánh với cách đây 2 năm khi chị Phương bắt đầu bán than hoạt tính từ lõi ngô, doanh số bán ra hiện nay có tăng đáng kể khi người dân bắt đầu có thói quen chọn loại than tốt cho sức khoẻ và môi trường.
Để có được than thành phẩm đến tay các đại lý như chị Phương hay người tiêu dùng như anh Tuân, lõi ngô (hay cùi ngô theo cách gọi của người dân Mộc Châu) ban đầu phải được thu mua và xử lý qua xưởng sơ chế của anh Hoàng Văn Tú.
Anh Tú cho biết đã theo nghề ‘làm ngô’ được hơn chục năm nay. Xưởng thu mua, chế biến ngô của anh Tú ban đầu ra đời với mục đích lấy hạt ngô cung cấp cho các trang trại, nhà máy ở các tỉnh.
‘Cùi ngô ban đầu chỉ để làm chất đốt cho chính lò sấy khô của mình, đốt không hết thì đổ đi’.
Nhưng chỉ vài năm sau, anh Tú bắt đầu bán được cùi ngô cho các xưởng sản xuất than và cơ sở trồng nấm. Sau 2-3 năm chuyển cùi ngô đi các tỉnh, đến nay anh Tú đã có thể bán cùi ngô cho chính xưởng sản xuất than ngay tại Mộc Châu.
Từ việc thu lợi nhuận từ sấy ngô, cung cấp cho các nhà máy, đến nay lợi nhuận chính từ việc ‘làm ngô’ của anh Tú lại đến từ bán cùi ngô.
‘Làm ngô càng ngày càng khó. Thị trường cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận thấp. Lợi nhuận bây giờ lại ở cùi ngô’ – anh Tú chia sẻ.
Chủ cơ sở thu mua ngô chia sẻ, mỗi năm anh thu mua của cả người dân Mộc Châu lẫn dân bên Lào được khoảng 20-25 nghìn tấn ngô. Cùi ngô chiếm khoảng 15% khối lượng. Trừ đi số cùi ngô để lại làm chất đốt cho xưởng của mình, mỗi năm doanh thu bán cùi ngô của anh là khoảng 2 tỷ đồng, chưa trừ các chi phí.
Từ khi cùi ngô có giá trị sử dụng trong việc làm than, giá thu mua ngô cũng tăng lên một chút – khoảng 500 đồng/ yến.
Tuy nhiên, điều mà anh Tú lo lắng là dân trồng ngô ngày càng ít đi, vì lợi nhuận thấp, người ta bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả.
Anh Tuân, chị Phương, anh Tú đều là những cơ sở thu mua, phân phối và tiêu dùng làm việc trực tiếp với thương hiệu than hoạt tính lõi ngô Mộc Sa nhiều năm nay.
Ông Giang Minh Thái – một trong những người sáng lập Mộc Sa – chia sẻ, tiền thân của công ty là cơ sở sản xuất rượu Mộc Sa nổi tiếng. Ban đầu, cơ sở của anh sử dụng than đá để nấu rượu. ‘Sau chúng tôi thấy người dân vứt cùi ngô đi rất phí thì lấy mang về đốt. Nhưng đốt lõi ngô lượng nhiệt không lớn, cháy kém. Anh em mới nghĩ ra cách ép lõi ngô để lượng nhiệt lớn hơn’.
Thời gian đầu, công ty làm than lõi ngô chỉ để phục vụ sản xuất rượu. Về sau, nhận thấy thị trường than từ năng lượng tái tạo rất tiềm năng nên họ mạnh dạn bắt tay vào làm.
‘So với các loại than khác, than hoạt tính làm từ lõi ngô tận dụng rất tốt các phế phẩm nông nghiệp của bà con thải ra. 80% thanh than của chúng tôi là lõi ngô, còn lại là mùn tre’.
‘Nếu như trước đây, lấy hạt ngô xong bà con vứt lõi ngô đi, hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường. Có người mang lõi ngô đi bón cho cây nhưng phải mất 2-3 năm lõi ngô mới có thể phân huỷ, chỉ thích hợp cho cây trồng lâu năm’ – ông Thái chia sẻ.
So với than mùn cưa, than lõi ngô có chất lượng và giá thành tương đương. Còn so với các loại than truyền thống như than củi, than tổ ong thì loại than này có nhiều lợi ích rõ rệt như: không khói, không mùi, không thải ra môi trường các loại khí độc hay gây ô nhiễm nguồn nước.
Hiện tại, 2 cơ sở sản xuất than Mộc Sa ở Mộc Châu mỗi tháng thu mua trung bình khoảng 500 tấn lõi ngô - chủ yếu ở 2 huyện Mộc Châu và Yên Châu. Ông Thái ước tính con số này chỉ chiếm 10% lượng lõi ngô thải ra trên toàn tỉnh.
2 nhà máy của Mộc Sa hiện có công suất tối đa là 3.600 tấn than/ năm. Hiện nay, với thị trường trong nước, sản phẩm chủ yếu được bán buôn cho các đại lý, cơ sở sản xuất. Lượng hàng tiêu thụ cho thị trường trong nước chỉ chiếm 30% khối lượng sản xuất của công ty. Trong vòng 2 năm nay, 70% sản phẩm được xuất sang thị trường Ả Rập, Nhật Bản.
‘Trong 1 năm nay, chúng tôi đã đàm phán với một công ty Nhật Bản để cung cấp than cho dự án ‘đến năm 2025 Nhật Bản chỉ dùng năng lượng tái tạo để đốt rác’. Đàm phán đang đi tới những bước cuối cùng’.
Ông Thái cũng cho biết, yêu cầu của phía Nhật Bản là năm đầu tiên phải cung cấp được 5 nghìn tấn than lõi ngô, đến năm 2050 là 50 nghìn tấn. ‘Hiện tại, năng suất của công ty không đáp ứng được yêu cầu này nên chúng tôi phải liên kết với các nhà máy khác ở Sơn La để thực hiện dự án’.
Vị phó giám đốc này cũng nhận định, thị trường than từ năng lượng tái tạo đang rất tiềm năng và đó cũng là xu hướng chung của thế giới.
‘Chúng tôi là đơn vị đầu tiên sản xuất than lõi ngô ở Sơn La nên giai đoạn đầu có nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đổi lại, chúng tôi phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ cho những cơ sở muốn sản xuất sản phẩm này. Hiện tại, chúng tôi đã hướng dẫn xong cho 2 nhà máy ở Sơn La và Mai Sơn’.
Năm 2017, sản phẩm than nhiên liệu ép từ lõi ngô, phế phẩm nông nghiệp của công ty được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đây cũng là mô hình sản xuất bước đầu được đánh giá mang lại hiệu quả, phù hợp với các địa phương có nhiều nguyên liệu phế phẩm nông sản, được khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.
Bài: Nguyễn Thảo
Thiết kế: Quốc Dũng