Năm 2005, Hội Xuất bản Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ chính thức tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam, để hàng năm tuyển chọn và trao giải thưởng cho những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam trực tiếp quản lý và thực hiện.
Giải thưởng Sách quốc gia kế thừa, phát triển và nâng tầm Giải thưởng Sách Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5600/VPCP-KGVX ngày 06/7/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1127/QĐ-BTTTT ngày 10/7/2017 phê duyệt Đề án Giải thưởng Sách quốc gia. Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin và truyền thông quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam là cơ quan trực tiếp thực hiện.
Nhiều tác phẩm có giá trị được giới thiệu với bạn đọc
Trải qua 5 mùa giải, Giải thưởng Sách quốc gia đã thể hiện xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy chế, Giải thưởng Sách Quốc gia quy định rút gọn từ 5 loại giải thưởng của Giải thưởng Sách Việt Nam (gồm: Giải Sách có giá trị cao; Giải Sách hay; Giải Sách đẹp; Giải Sách được nhiều người đọc yêu thích nhất; Giải Sách có số lượng phát hành cao nhất), xuống còn 1 loại Giải thưởng là Giải thưởng Sách Quốc gia (gồm 3 mức: Giải A, Giải B, Giải C được trao cho 5 mảng sách).
Về số lượng giải cũng được giảm bớt. Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ 11 (năm 2015) có tổng số giải là 83; đến Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất là 35 giải, Giải thưởng Sách quốc gia lần 2 là 27 giải,… Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia quy định số lượng giải mỗi mảng sách: 1 Giải A, 2 Giải B, 3 Giải C. Đồng thời, Quyết định Điều chỉnh Điều lệ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho phép Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia tùy theo tình hình thực tiễn và chất lượng sách hàng năm có quyền điều chỉnh số lượng giải của mỗi mảng sách.
Thực tế qua các mùa Giải thưởng Sách quốc gia, năm có số lượng giải cao nhất là 27 giải. Giá trị Giải thưởng Sách Quốc gia đã được nâng lên (Giải A: 100 triệu đồng; Giải B: 50 triệu đồng; Giải C: 30 triệu đồng), tăng gấp khoảng 4 lần so với Giải thưởng Sách Việt Nam.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai, tổ chức chấm giải, việc lựa chọn các thành viên chấm giải – một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của giải - luôn được coi trọng. Mỗi mùa giải, các Hội đồng chấm Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia thường xuyên mời hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có đủ tiêu chuẩn và điều kiện tham gia chấm giải, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín, phù hợp với chuyên ngành sách. Các Hội đồng còn mời một số nhà khoa học trẻ, một số chuyên gia, nhà khoa học ở TP.HCM tham gia. Các thành viên Hội đồng chấm giải luôn bám sát quy chế giải thưởng, tham gia nhiệt tình, thể hiện sự công tâm, trách nhiệm cao.
"Tất cả các bộ sách và cuốn sách đều có bản nhận xét, đánh giá theo quy định. Thành viên của các hội đồng chấm giải làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, nghiêm túc, khách quan", ông Bảo chia sẻ.
PGT.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học Trung ương đánh giá rất cao khi Giải thưởng Sách quốc gia đã mời được nhiều thành viên chấm giải là những chuyên gia "nếu không nhất nhì thì cũng thứ ba trong lĩnh vực mà họ đang làm". Chính vì lẽ đó, họ am hiểu, thẩm định những cuốn sách tốt hơn.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng trở thành giải thưởng uy tín, tác động tích cực lên ngành xuất bản, một mặt ghi nhận đóng góp của ngành xuất bản mặt khác cổ vũ những người làm công tác xuất bản trên cả nước thực hiện nhiều công trình, tác phẩm có giá trị góp phần phục vụ bạn đọc.
Các nhà xuất bản cần hưởng ứng hơn nữa
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, dù đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 vẫn còn những mặt hạn chế cần phải sớm được khắc phục: Mùa giải lần này vẫn còn 9/57 nhà xuất bản chưa có sách tham dự giải thưởng. Qua kiểm tra của Cục Xuất bản, In và Phát hành, mùa giải năm nay có 47 cuốn sách nộp lưu chiểu không đúng thời hạn, tăng hơn so với các năm trước.
Tiểu ban Sách Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật qua chấm vòng 1 đã lựa chọn được một số tác phẩm như Huynh Đệ, Bùi Xuân Phái – Cuộc đời và sự nghiệp, Về Huế ăn cơm,... dự kiến đề xuất trao giải. Nhưng các tác phẩm này đều phạm quy, dẫn đến tình hình mảng sách Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật chỉ lựa chọn được 3 tác phẩm đạt giải.
Có tác phẩm nhìn tổng thể được đánh giá cao, nhưng do vẫn còn những hạn chế nên không đạt giải cao. Tác phẩm Hồ Chí Minh: Những bài viết và những cuộc tranh đấu của nhà báo, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio được các hội đồng chấm giải đánh giá cao. Có ý kiến còn đề nghị Hội đồng Giải thưởng có sự vinh danh riêng cho tác giả vì ông là người có niềm say mê đặc biệt trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và sưu tập các tài liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về cách mạng Việt Nam và tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Rất tiếc, trong quá trình biên dịch và biên tập có những tài liệu do tác giả sưu tầm được giữ theo tinh thần nguyên bản, chưa có điều kiện để tiếp cận, xác minh, hay việc chuyển ngữ, phiên âm tên người, địa danh, nhất là tên Trung Quốc chưa thống nhất làm cho người đọc khó theo dõi. Do đó, tác phẩm không được xếp giải cao.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, giải thưởng sách giúp nâng cao nhận thức trong xã hội, tạo tiền đề lan tỏa văn hóa đọc. Nhiều tổ chức đã hưởng ứng, đứng ra tổ chức tặng sách, xây dựng tủ sách nông thôn, tủ sách trường học. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cũng quan tâm đến sách nhiều hơn, nhiều cơ quan báo chí có chuyên mục giới thiệu sách hay. "Tôi cho rằng nhận thức của người làm xuất bản, các cấp lãnh đạo, công chức về sách và đọc sách có thay đổi rõ rệt", ông Bảo nói.
Kết quả Giải thưởng Sách quốc gia qua 5 mùa giải Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất triển khai 2 loại giải (Giải Sách hay và Giải Sách đẹp), được trao cho 5 mảng sách. Tham gia giải thưởng có 40/59 nhà xuất bản; với 452 tên sách và bộ sách, trong đó có 252 tên sách và bộ sách hay và 200 tên sách và bộ sách đẹp. Kết quả: Sách hay có: 3 Giải A, 9 Giải B, 10 Giải C; Sách đẹp có: 3 Giải A, 5 Giải B, 5 Giải C. Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai thực hiện theo quy định mới, chỉ có 1 loại giải (Giải thưởng Sách quốc gia), được trao cho 5 mảng sách. Giải lần này có 42/59 nhà xuất bản tham gia, với 259 tên sách và bộ sách, gồm 355 cuốn sách. Kết quả có 27 cuốn sách và bộ sách đoạt giải, trong đó có 2 Giải A, 13 Giải B và 12 Giải C. Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba có 48/59 nhà xuất bản tham gia, với 255 tên sách và bộ sách, gồm 362 cuốn sách. Kết quả có 27 cuốn sách và bộ sách đoạt giải, trong đó có 3 Giải A, 10 Giải B và 14 Giải C. Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư có 47/59 nhà xuất bản tham dự giải; với 284 tên sách và bộ sách, gồm 365 cuốn sách. Kết quả có 24 cuốn sách và bộ sách đoạt giải, trong đó có 2 Giải A, 9 Giải B và 13 Giải C. Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm có 48/57 nhà xuất bản tham gia; với 298 bộ sách và tên sách, gồm 386 cuốn. Kết quả có 26 cuốn sách và bộ sách đoạt giải, trong đó có 1 Giải A, 9 Giải B, 16 Giải C. |
Bài 2: Giải thưởng Sách quốc gia giúp tác giả trẻ có niềm tin vào con đường sáng tác