Thị trường LPG Việt Nam hình thành muộn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh, có giai đoạn (1998-2005) đạt tới 30%/năm. Hệ thống phân phối kinh doanh bước đầu đã thực hiện được chức năng đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Để hoàn thiện hệ thống phân phối kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, vì mục đích bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào thị trường LPG phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cần thiết phải có những nghiên cứu lý luận kết hợp với tiến hành điều tra khảo sát thực tế.

Thực trạng phát triển LPG ở Việt Nam



LPG xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 50 ở khu vực phía Nam với quy mô nhỏ. Do hoàn cảnh lịch sử, sau năm 1975, LPG không còn được lưu thông trên thị trường. Công cuộc đổi mới cùng với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước đã làm cho nền kinh tế xã hội có những chuyển biến lớn lao. Thị trường các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng đa dạng đã làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng xã hội. LPG là một mặt hàng mà sự tái lập và phát triển thị trường đã minh chứng cho điều đó.


Thị trường LPG Việt Nam được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 1990 đến 1998 và từ năm 1998 đến nay.

Ban đầu LPG được tiêu thụ chủ yếu ở phía Nam cho mục đích dân sinh với lượng tiêu thụ LPG chỉ khoảng 400 tấn năm 1991. Sau đó không lâu, LPG đã phát triển tiêu thụ tại miền Bắc. Đến năm 1997, lượng LPG tiêu thụ đạt 200.000 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu từ đây, nguồn cung LPG không còn bị phụ thuộc vào nhập khẩu. LPG sản xuất trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu thị trường trong năm năm đầu.

Tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ liên tục tăng (bình quân 30%/năm trong giai đoạn 1998 - 2004; 6% - giai đoạn 2005-2008) nên hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Năm 2009, quy mô tiêu thụ LPG đạt 1079 ngàn tấn. Dự báo trong 15 năm tới nhu cầu LPG tại Việt Nam tăng trưởng mạnh và đạt 4,2 triệu tấn năm 2025. Bên cạnh nguồn cung trong nước hiện tại và từ các nhà máy lọc dầu dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn từ nay tới 2020 sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thì phần còn lại vẫn phải bù đắp từ nguồn nhập khẩu.

Các công ty có hệ thống phân phối đa cấp với phạm vi hoạt động thị trường rộng mở và phục vụ nhiều nhóm khách hàng khác nhau gồm những công ty lớn có tỷ lệ vốn đa số của Nhà nước (PV GAS, PV Gas North, PV Gas South, Gas Petrolimex, Saigon Petro…); các công ty liên doanh (VT – Gas, Thăng Long Gas…); các công ty 100% vốn nước ngoài (Shell, Total, Elf Gas…).

Các công ty thông qua hệ thống trung gian của chính các công ty (hệ thống phân phối theo chiều dọc công ty) hoặc hệ thống trung gian từ các công ty khác bằng hợp đồng (hệ thống phân phối chiều dọc theo hợp đồng) hoặc một đơn vị trung gian thực hiện phân phối LPG từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau.

Các công ty tư nhân như Quang Minh, Vạn Lộc, Gia Đình, Hồng Hà, Tân Đô… tham gia đông đảo thị trường bán lẻ LPG và tổ chức theo phương pháp phân phối chiều dọc công ty với hệ thống cửa hàng thuộc sở hữu của công ty.

Để thực hiện việc phân phối kinh doanh, một hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư gồm: 32 kho chứa LPG (đều là kho định áp có công suất chứa trên 1000 m3 ), với tổng công suất các kho chứa là 97.800 m3 và 01 tàu lạnh (kho lạnh) đang được PVGas thuê sử dụng có công suất 43.000 m3 , 20 cảng tiếp nhận tàu LPG, 160 trạm có công suất từ 350 - 700 tấn/tháng/trạm, 10 trạm nạp cho khoảng 1000 xe ô tô cùng một số ít đơn vị đầu tư hệ thống đường ống tại các khu đô thị mới, chung cư cao tầng. Hệ thống vận chuyển khá đa dạng và được kết hợp giữa các loại hình vận chuyển đường biển và đường thủy; vận chuyển đường bộ; vận chuyển đường sắt và vận chuyển đường ống nhằm tiết kiệm chi phí và tối đa hóa doanh thu đảm bảo cho việc vận chuyển và kinh doanh LPG được thuận lợi và linh hoạt.

Định hướng tương lai


Sau 2015, đặc biệt sau 2020, khi nhu cầu nhập khẩu LPG lớn, yêu cầu nguồn cung cấp LPG từ nước ngoài ổn định khối lượng lớn (chủ yếu từ khu vực Trung Đông) cần đầu tư mua, đóng mới 2-3 tầu lạnh hoặc bán định áp (tải trọng lớn 20.000-50.000 tấn) để vận chuyển LPG nhập khẩu.

Xe bồn cần được tiếp tục đầu tư (nghiên cứu chế tạo xe bồn - sản xuất trong nước) nâng cao năng lực vận chuyển đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển LPG từ kho đầu mối, trung chuyển đến các hộ công nghiệp hoặc trạm nạp với thời gian vận chuyển linh hoạt, có thể vận chuyển LPG trực tiếp đến các khách hàng.

Nghiên cứu phát triển đường ống dẫn LPG từ các nhà máy lọc dầu, kho đầu mối đến kho trung chuyển để tăng công suất vận chuyển đến gần thị trường tiêu thụ.

Đến năm 2025, với nhu cầu sử dụng LPG cho dân dụng và thương mại khoảng 2,1 triệu tấn (53% tổng nhu cầu). Quy mô của hệ thống trạm nạp chai tăng tương ứng gấp 3 lần công suất nạp hiện nay. Cần đầu tư phát triển đồng bộ, an toàn, hiện đại hệ thống trạm nạp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với các trạm nạp đang hoạt động, cần chuẩn bị sẵn điều kiện về mặt bằng, công nghệ phù hợp để chuẩn bị cho việc mở rộng công suất nạp trong tương lai. Về công nghệ, dần áp dụng hệ thống nạp tự động để đảm bảo chính xác về khối lượng, chất lượng sản phẩm, với hệ thống tự động kiểm tra rò rỉ, báo cháy đảm bảo an toàn cho vận hành.

Với chiến lược ưu tiên phát triển năng lượng sạch - sử dụng LPG cho ô tô sẽ chiếm khoảng 2% tổng khối lượng tiêu thụ LPG (850 nghìn tấn LPG/năm), Ch ính phủ cần các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ thống trạm nạp gas cho ô tô ở nhiều khu vực đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho giao thông vận tải. Nâng cao quy mô cơ sở hạ tầng phát triển khoảng 6-8 trạm nạp LPG tại các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu.

Về sử dụng LPG cho khu công nghiệp, chung cư cao tầng qua hệ thống đường ống, đặt mục tiêu đến năm 2025, chiếm 2-3% tổng khối lượng tiêu thụ LPG. Cần đầu tư phát triển trạm cấp rộng rãi, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn.

Hệ thống phân phối kinh doanh LPG tại Việt Nam đã cơ bản hình thành và trong quá trình cần phải hoàn thiện hơn nữa về tổ chức kênh phân phối và phát triển cơ sở hạ tầng. Qua nghiên cứu các lý luận và điều tra khảo sát thực tế thị trường LPG, một số định hướng được đề xuất như xây dựng kênh phân phối theo chiều dọc (VMS)/ hoặc đa cấp (MMS) theo công ty hoặc theo hợp đồng để đảm bảo trách nhiệm của các đơn vị tham gia vào hệ thống phân phối kinh doanh với sản phẩm LPG cung cấp cho người tiêu thụ; loại bỏ kênh phân phối theo chiều dọc/ hoặc đa cấp tự điều hành không có sự giám sát của công ty hoặc không có sự thỏa thuận bằng hợp đồng ký kết (mua đứt bán đoạn); tổ chức kênh phân phối của các công ty cần quy định các điều kiện về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh LPG, dịch vụ kho chứa; dịch vụ vận chuyển; doanh trạm nạp gas chai/ trạm nạp gas tô tô/ trạm cấp; tổng/đại lý kinh doanh LPG; cửa hàng bán chai LPG; xác định loại hình, công nghệ, quy mô thích hợp cho cơ sở hạ tầng.

  • Đức Chính