4h30, cả đoàn khởi hành, chiếc thuyền từ từ rời bến, bờ lùi dần, phía trước mặt là biển cả bao la xanh ngắt một màu. Chỉ trong chốc lát, 5 con người cường tráng bỗng trở nên bé nhỏ.
Trong số những nghề đi biển đánh bắt hải sản, nghề câu cá mú của những ngư dân ở Quảng Xương (Thanh Hóa) chưa được nhiều người biết tới. Công việc của họ cũng phải lênh đênh ngoài khơi nhiều ngày, và đi vào thời điểm mặt trời còn chưa ló rạng, chỉ trở về khi khoang đã đầy cá.
Phóng viên đã trải qua hành trình cùng nhóm ngư dân Trần Văn Hưng (Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) ra khơi câu cá mú ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Mỗi chuyến đi biển trung bình trên dưới 10 ngày, nếu không gặp luồng cá, các ngư dân có thể phải cả tháng mới được về nhà.
5 anh em trên một chiếc thuyền câu
Trên bến tàu Quảng Nham, Quảng Xương (Thanh Hóa), ngày đầu ra khơi, tiết trời thuận lợi, mát mẻ. Nhóm 5 thành viên của anh Hưng, độ tuổi từ 22 đến gần 60, đã làm việc với nhau từ vài năm đến cả thập kỷ cùng lên một chiếc thuyền gỗ, chuẩn bị các công việc cho chuyến ra khơi.
Những thùng phi dầu cùng hàng chục cây đá được chất xuống khoang tàu. Đá lạnh, nước ngọt, lương thực được mang theo để vừa bảo quản cá vừa để tàu đủ trọng tải chạy êm hơn trên sóng gió biển xa.
Con thuyền chỉ dài hơn 14 m, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 4,5 m, được chia làm nhiều khoang để chứa lương thực thực phẩm, dầu máy và ngư cụ. chỉ có một góc nhỏ trong cabin đủ để trải tấm chiếu mỏng làm nơi ngủ nghỉ.
4h30, cả đoàn khởi hành, chiếc thuyền từ từ rời bến, bờ lùi dần, phía trước mặt là biển cả bao la xanh ngắt một màu. Chỉ trong chốc lát, 5 con người cường tráng bỗng trở nên bé nhỏ giữa biển trời bao la. Một hành trình đầy cam go đang ở phía trước.
Bờ lùi dần, gia đình lùi dần phía trước là biển cả bao la xanh ngắt một màu. Hẹn gặp lại sau chuyến hải hành đây cam go phía trước. |
Thuyền trưởng Hưng trao đổi với tàu bạn qua bộ đàm về vùng ngư trường có thể có cá. |
Lênh đênh ngoài biển khơi
Tàu ra đến ngư trường sau 10 giờ kể từ lúc xuất phát. Tại các khu vực có cá, thuyền trưởng Hưng điều khiển tàu chậm lại. Lúc này, các thành viên bắt đầu mang dụng cụ ra hành nghề.
Việc đầu tiên của 5 ngư dân là câu nhắp cá nhỏ, vừa để làm mồi câu cá mú và cũng là thức ăn cho mình.
Tọa độ vùng ngư trường đánh bắt của những ngư dân làm nghề câu. |
Cá nhỏ vừa để làm mồi câu và làm thức ăn. |
Câu biển khác với câu ở đồng, ở sông. Biển sóng lớn, cá to, nhiều loài cá rất hung dữ, có khi thợ câu phải vật lộn hết sức mới đưa được cá lên thuyền. Mỗi dàn câu dài hơn hải lý, lưỡi câu được dàn cả trăm chiếc trên dây câu, mồi là những con cá nhỏ được thái thành từng miếng vừa phải.
Trong hầm tàu đặc mùi khói dầu diesel cùng với tiếng máy tàu. Để theo người làm nghề biển, đòi hỏi sức khỏe tốt và khả năng thích nghi cao. Gió mạnh, nước xoáy, đá ngầm… thiên tai nhân họa luôn rình rập. Đó là chưa kể những biến cố bất thường mà họ phải chống đỡ trong những chuyến đi.
Một con đẻn biển cắn câu (loài rắn biển có nọc độc rất mạnh) được ngư dân dùng dao cắt dây cước, tránh bị nó tấn công. |
Ngư dân Trần Văn Ba tâm sự nghề đi biển nói chung và nghề câu biển nói riêng, cuộc sống không phụ thuộc vào ngày hay đêm mà phải nhìn vào từng mẻ lưới, đường câu. "Đôi khi tìm được vùng ngư trường có nhiều cá, chúng tôi phải câu thông cả ngày, quên ăn, cầm hơi bằng những hộp sữa, miếng lương khô", anh nói.
Chiếc rổ câu được các anh gọi là "vàng nghề", thả nó xuống dưới biển thì gọi là "đánh nghề". Anh Ba nói rằng chỉ khi nào đưa được "vàng nghề" vào vị trí thuận lợi mới yên tâm nghỉ ngơi. Nhưng cũng có khi "đánh nghề" xong họ lại bận rộn với việc phân loại cá, thái mồi. Khi mọi việc hoàn tất cũng là lúc đến giờ kéo mẻ câu tiếp theo.
Ngư dân Trần Văn Yên nhờ đi biển từ năm 12 tuổi có rất nhiều kinh nghiệm. Có khi chỉ nhìn mặt biển là anh biết nơi nào có cá. |
Công việc cứ thế diễn ra liên tục, rất vất vả.
Công việc không kể ngày đêm mà phụ thuộc vào luồng cá, từ sáng sớm tới chiều muộn tới đêm khuya. |
Trên tàu, bữa ăn của ngư dân là những con cá tươi vừa đánh bắt, được cho vào nồi nước sôi với chút muối, chút ớt, chỉ vậy thôi. |
Mọi sinh hoạt cá nhân đều ở trên tàu. |
Giấc ngủ chập chờn trên cánh sóng giữa biển khơi |
Ngày thứ 3 của chuyến đi, chúng tôi được thuyền trưởng thông báo đêm nay có không khí lạnh xuống. Lần đầu tiên giữa mênh mông là biển tôi chứng kiến cảnh con thuyền trồi lên, ngụp xuống giữa những làn sóng, gió cấp 3 - 4. Một chút lo ngại ập đến.
Anh Trần Văn Yên tâm sự các ngư dân có thể đến từ nhiều quê nhưng nếu đã lên một con thuyền thì phải rất đoàn kết. Ròng rã dài ngày trên đại dương họa phúc khôn lường, phải chung vai đấu cật mới có thể trụ lại được. Trong công việc, họ phải sử dụng tinh tế giác quan, mắt phải nhìn trời, tai phải nghe gió, mũi ngửi mùi cá, tay chân phải nhanh nhẹn, đầu óc phải minh mẫn, bình tĩnh, và nhất là có sự chịu đựng hơn người.
Nếu chẳng may đau ốm đột ngột, dù trong đêm tối mịt mù hay mưa gió thất thường, giữa biển khơi xung quanh không một chỗ bám víu, 5 con người chỉ có thể nương tựa nhau cùng giữ vững tay lái. Bấp bênh, khó khăn là vậy nhưng những ai đã gắn bó với biển sẽ không thể nào rời xa. Để đánh bắt và đưa những con cá cách bờ hàng trăm cây số vào đất liền là cả một hành trình đầy thử thách.
Công việc bắt đầu từ 3h, vẫn bộ đồ cũ mặc vào các ngư dân lại trở vào cái vòng liên tục trong mỗi chuyến ra khơi của mình. |
Ngư dân Thanh Tùng (25 tuổi), người có 10 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ: "Những ngày đầu đi biển say sóng nằm một chỗ, lúc đó chỉ có anh em trên thuyền đùm bọc nấu cho từng bát cháo, ngụm nước, rồi dần dần quen sóng thì câu vá lưới. Nghề đi biển nếu không đoàn kết không sống nổi".
Giấc ngủ chập chờn giữa biển được đánh thức bởi tiếng máy tàu báo hiệu một ngày đánh bắt cá mới bắt đầu. Vẫn bộ đồ cũ mặc vào các anh trở lại công việc quen thuộc của ngày hôm qua.
Công việc hôm nay là thuyền câu thả xuống. Nghe qua thì đơn giản, nhưng thực sự rất công phu. Trước hết họ phải xác định đúng luồng cá để thả câu, rất kiên nhẫn, vừa nhẹ tay buông cần, lẹ mắt giật câu, lại phải có đủ sức khỏe để ngồi nhiều giờ trên mặt biển cháy nắng. Khi câu được cá rồi ngư dân cũng phải biết cách chăm sóc, hô hấp sao cho cá sống để bán được giá cao.
Cá mú sẽ bán được giá cao khi nó còn sống. Theo kinh nghiệm khi câu được cá người ngư dân phải hút hết hơi trong bụng để cá sống lâu hơn chờ tàu đại lý tới thu mua. |
Thoát hơi trong bụng cá. |
Tàu đại lý thu mua cá mú sống ngay ngoài khơi. |
Cá mú nuôi sống dưới khoang thuyền được vớt lên để bán cho tàu thu mua ngay trên biển. |
Cờ Tổ quốc giữa biển khơi
Ở thành phố, thường chỉ có những ngày lễ người ta mới thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi nhưng giữa biển khơi vốn mênh mông dài rộng là thế, hình ảnh này lại trở lên thân thuộc và gần gũi.
Với những ngư dân đánh bắt cá ngoài khơi, cờ Tổ quốc cắm trên tàu là một việc làm để khẳng định những nơi họ xuất hiện đều là vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Còn riêng những người câu cá mú, cờ đỏ sao vàng còn được dùng để làm dấu mốc của những đường câu mà họ đã thả xuống biển.
Đầu và cuối mỗi mẻ câu là một lá cờ được buộc đánh dấu đây là câu của ngư dân Việt Nam. |
Với những ngư dân chịu thương chịu khó, những gì đang làm sau mỗi chuyến ra khơi còn chứa chan tình yêu đối với vùng biển chủ quyền Tổ quốc. Nhờ đó, những vùng quê yên bình luôn có cá bạc đầy khoang mỗi khi chân mây hửng lên màu đỏ.
Sau mỗi chuyến đánh bắt, khi đã bán cá mú sống ngay trên biển, số cá vặt khác còn lại được muối bằng đá lạnh kỹ càng dưới khoang thuyền để về bờ. |
Mệt nhoài vì thiếu ngủ, cạn sức vì sóng gió, ngư dân Phạm Văn Đức bảo rằng vất vả nhưng vẫn rất yêu cái nghề lênh đênh sóng nước này... Dù những chuyến đi biển hôm nay có gặp khó khăn như thế nào, ngày mai họ vẫn phải tiếp tục công việc của mình.
Chúng tôi về đến bờ vào buổi sáng sớm, sau bao ngày dong thuyền tìm đánh bắt cá cần mẫn đánh câu, kéo cá. Cảm giác sau bao ngày lênh đênh ngoài khơi khi được đặt chân lên đất liền, được ngửi mùi đất, là niềm vui không thể diễn tả.
Chào tạm biệt các ngư dân để về thành phố, tôi không thể quên những con người một tháng có 20 ngày "ăn sóng nói gió". Không thể quên tâm sự của các anh, những người sẵn sàng chịu mọi gian lao "cốt để gánh nặng kinh tế bớt đè nặng lên vai gia đình, để lo cho tụi nhỏ đang tuổi ăn tuổi học sau này không phải bán mặt cho biển bán lưng cho trời".
(Theo Zing)