“Hạnh phúc không phải chỉ là một cuộc hôn nhân, càng không phải và không thể là một ông chồng” - nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh khi tranh luận với ý kiến cho rằng, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng.

Cách đây ít ngày, một ông bố đã gửi đến con gái chuẩn bị vào lớp 1 bức thư với nội dung hài hước nhưng sâu sắc. Trong đó có đoạn ông bố này viết: “chuẩn bị vào lớp 1 rồi, mình cứ “học ít thôi, chơi là chính”, phận làm con gái, hơn nhau ở… tấm chồng. Học nhiều, bằng cấp cao, đa phần là gái xấu. Bố thề luôn".

Bức thư của ông bố nhận được sự quan tâm và chú ý của rất nhiều người. Tuy nhiên, nhà báo Trương Anh Ngọc lại cho rằng, việc xác định “phận làm con gái, hơn nhau ở … tấm chồng” và việc "Học nhiều, bằng cấp cao, đa phần là gái xấu. Bố thề luôn" là tư tưởng quá phong kiến và lỗi thời.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, phụ nữ có những giá trị của riêng mình chứ không thể là bản đính kèm của bất cứ người đàn ông nào. Nam nhà báo cũng nói, anh luôn nhắc nhở con “hãy học đi, hãy lớn lên và rồi vỗ cánh bay đi, bằng tri thức, sự khao khát hiểu biết và tính thiện của bản thân”.

Và “hạnh phúc của một người phụ nữ hiện đại không nhất thiết phải được quy định bởi một tấm chồng. Hạnh phúc không phải chỉ là một cuộc hôn nhân, không phải và không thể là một ông chồng”.

{keywords}
Nhà báo Trương Anh Ngọc bức xúc trước quan niệm: Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng

Dưới đây là chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc: 

“Người phụ nữ có những giá trị của riêng mình. Họ như thế nào trong cuộc sống và xã hội là từ những giá trị và phẩm chất ấy, chứ không thể là "file attach" của một người đàn ông nào đó. Họ cũng không trở nên sang trọng, quý phái hay bần hàn, nhếch nhác chỉ vì một người đàn ông.

Tư tưởng ấy quá phong kiến và lỗi thời rồi và xin thưa là chính tư tưởng ấy, cái thói cứ nhìn con gái lớn lên độ 19, 20 là bắt đầu hỏi "có người yêu chưa", "sắp lấy chồng chưa" để rồi sau đó xác định độ ế, là một hình thức phân biệt đối xử và hạ thấp vai trò và phẩm giá của người phụ nữ.

Mà xin lỗi, chính vì những tư tưởng đó mà các ông bố và bà mẹ đang có con cứ thế nhồi nhét vào đầu những đứa trẻ. Trong khi đó, những người đàn ông văn minh lịch sự và trân trọng phụ nữ thực sự bằng trái tim, bằng ý thức, bằng tình yêu, bằng sự giáo dục chẳng có mấy người.

Tại sao từ đầu họ không dạy đứa con trai biết yêu quý và trân trọng các giá trị của các bạn gái trong lớp, của cô giáo? Tại sao từ đầu họ không dạy những đứa con gái của mình hiểu được giá trị của mình đến từ đâu và sao không nhấn mạnh rằng, tri thức và học vấn là một điều cực kỳ quan trọng để xác lập vị trí của mình trong thế giới, thay vì dạy chúng học ít thôi và rồi phó mặc số phận mình vào một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông với cánh đàn ông đa phần là gia trưởng?

Và nữa, tại sao cứ phải dạy bọn trẻ về việc "hơn nhau", nghĩa là so kè các giá trị và hạnh phúc của bản thân với những người khác, vốn có những giá trị khác?

Mình là một ông bố có con gái, mình không bao giờ dạy con rằng, học làm gì, trước sau rồi kiểu gì cũng có một người đàn ông để con phụ thuộc.

Mình luôn nói với con rằng, con hãy học đi, hãy lớn lên và rồi vỗ cánh bay đi, bằng tri thức, sự khao khát hiểu biết và tính thiện của bản thân. Bố mẹ luôn ủng hộ con, cuộc sống của con không bao giờ là cắm mặt trong bốn bức tường của căn bếp, tự mình hoặc bị ai đó cột chặt vào những quan điểm cổ hủ về chuyện đảm đang, nhưng là những gì con làm, con lựa chọn, những chân trời con mơ ước và rồi con sẽ đến.

Hạnh phúc của một người phụ nữ hiện đại không nhất thiết phải được quy định bởi một tấm chồng. Hạnh phúc không phải chỉ là một cuộc hôn nhân, không phải và không thể là một ông chồng. Bố mẹ không thích các gông xiềng cổ hủ và bố mẹ không dạy con theo các giá trị và tiêu chuẩn lỗi thời.

Hạnh phúc của con là tri thức, là những phương trời xa, là những gì con thích và con đang làm. Cứ dong buồm lên. Bố mẹ sẽ lướt sóng cùng với con...”

Chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc hiện cũng đang nhận được sự quan tâm và tán đồng của rất nhiều ông bố bà mẹ hiện đại.

Nhiều người cho rằng, quan niệm hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào chồng đã không còn chính xác trong thời điểm hiện tại và càng không thể đúng trong xã hội tương lai.

'Facebook khác gì một quán nước, một sạp hàng hóa đâu'

'Facebook khác gì một quán nước, một sạp hàng hóa đâu'

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, Facebook giống như một cái quán nước, một sạp hàng mà ở đó người ta có thể tìm được tất cả mọi thứ hỷ nộ ái ố. Nó thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người.

Minh Anh