Trong cái lạnh “cắt da, cắt thịt”của mùa đông Hà Nội, một đôi vợ chồng nghèo cùng cậu con trai nhỏ luôn ngồi cạnh bên nhau, họ cặm cụi đánh từng chiếc giày để kiếm sống.
Gia đình nhỏ, hạnh phúc to
Tại một góc nhỏ trên vỉa hè đường Minh Khai, người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh vui tươi, hạnh phúc của một đôi vợ chồng cùng cậu con trai nhỏ tuổi làm nghề đánh giày.
Đó là đôi chồng anh Trần Văn Phước và chị Phạm Thị Nượt quê gốc ở Nam Định, do “làm ăn không gặp” nên cả gia đình phải lên Hà Nội tha hương cầu thực. Cậu con trai lớn 17 tuổi vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học cấp 3 cùng cha mẹ đi làm ăn kiếm sống.
Buổi sáng, trên chiếc xe đạp cũ người dân nơi đây lại bắt gặp hình ảnh mẹ ôm con, con ôm cha, cả gia đình họ chở nhau từ chỗ trọ đến “nơi làm việc”. Cậu con trai 4 tuổi tên Hoàng miệng lúc nào cũng líu lo như chim hót, lon ton cầm đôi dép chạy khắp mấy hàng nước mời đánh giầy, được đôi nào lại mang về cho bố mẹ, cả nhà mỗi người một chiếc, giầy đánh xong lại mang trả cho khách cùng nụ cười hồn nhiên.
Bộ đồ nghề của anh Phước - “Nhà mấy miệng ăn trông cả vào đây”. |
Một chiếc làn đỏ đựng đồ nghề, đôi bàn tay gầy của anh chị đã chăm sóc không biết bao nhiêu đôi giày cho khách.
Vào những ngày đông này, đôi tay anh Phước ửng đỏ lên vì buốt lạnh, từng ngón tay run run cầm bàn chải khéo léo đi qua từng kẽ nhỏ của chiếc giày.
Anh Phước cho biết: “Dùng găng tay bất tiện lắm, trời lạnh người ta hay đeo giày, nên anh thích mùa đông hơn”.
Anh Phước kể tiếp: “Cả ngày bán lưng cho đất, mặt cho trời nhưng cũng chẳng đủ sống. Mỗi đôi giày đánh được 10 nghìn, may gặp khách sộp thì giá cao hơn. Ngày cũng được hai, ba chục đôi nhưng tiền ăn, tiền nhà, tiền tiền học gửi về cho con bé con ở quê. Thế là hết”.
Cuối tuần vắng khách, vợ anh - chị Nượt phải tranh thủ đi nhặt đồng nát ve chai hoặc làm thuê dọn dẹp để kiếm thêm thu nhập.
Những ngày vắng
bóng mẹ con chị Nượt, anh Phước ít nói hơn. |
Tuy kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình anh Phước không vì thế bất hòa.
Theo bà Kiên, một người bán nước cạnh nhà chú Phước: “ Nhà nó hay lắm, cứ líu ríu quấn quýt nhau cả ngày. Bán hàng gần đây hơn 1 năm nhưng đố ai thấy to tiếng với nhau bao giờ”.
Thi thoảng cậu con trai nhỏ sà vào lòng mẹ, chị Nượt âu yếm bế con trên tay, và nghe giọng anh Phước gọi chị là “mẹ nó ơi” thật ngọt ngào.
Ba thế hệ sống chung trong căn phòng chưa đầy 40 m2
Một căn phòng nằm sâu trong ngõ nhỏ khu vực Trần Khát Chân là nơi ở, sinh hoạt của 6 người - 3 thế hệ trong gia đình họ. Tổ ấm ấy là nơi mà mẹ, cậu mợ, vợ và hai con trai của anh Phước sinh sống.
Căn phòng nhỏ là
nơi sinh hoạt chung của 6 người |
Anh Phước cho hay, “Đây là căn phòng anh huê. Chúng chỉ kê được bốn chiếc giường nhỏ, buổi tối còn chứa thêm mấy cái xe máy”.
Qua quan sát, bốn chiếc giường chiếm phần lớn diện tích của phòng, xung quanh quần áo treo kín tường, mọi vị trí đều được tận dụng tối đa để đặt những đồ dùng cần thiết. Cu Hoàng con trai út của anh Phước vốn là cậu bé hiếu động, nhưng ở đây em không có bạn bè, cũng không có không gian để vui chơi nên lúc nào cũng chỉ lủi thủ ra vào quanh căn phòng
Bé Hoàng, thành
viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình |
Trong khoảng không gian chật chội, chỉ hít thở thôi cũng thấy khó khăn, thế nhưng tất cả họ vẫn chung sống vui vẻ và hài lòng với những gì mình đang có.
Anh Phước nói: “Có chỗ ở như thế là tử tế lắm rồi. Ở chung với người nhà nên cũng chẳng có gì bất tiện. Nhiều khi thấy càng chật càng ấm cúng”.
Khi đươc hỏi về ước mơ, chị Nượt nói, “Chỉ mong gia đình được mạnh khỏe, và sống vui vẻ, hòa thuận, rồi cố gắng kiếm tiền cho hai đứa út đi học đầy đủ, chứ không phải nghỉ học như anh nó”.
Với gia đình anh Phước, hay tất cả những người phải xa quê kiếm sống, hạnh phúc của họ chẳng liên quan đến việc cần có một khoảng không gian riêng, cần được chồng tâm lý tặng quà, tặng hoa ngày kỷ niệm.
Hạnh phúc với họ chỉ đơn giản là kiếm ăn đủ sống và gia đình luôn vui vẻ bên nhau.
T.Thúy