Cuốn sách Lê la từ nhà ra ngõ của tác giả Làn bạn đọc dễ dàng bắt gặp chính mình trong đó, bằng những “thước phim” về bà, về mâm cơm tựa mâm cỗ mỗi lần con gái học xa về thăm nhà, hay như về sự ấm áp trong dăm ba câu bố hỏi mỗi lần gọi điện - dù lần nào câu hỏi cũng chỉ là con có khỏe không, con đã ăn cơm chưa?
Tác giả Làn chia sẻ: “Văn chương của mình không thể miêu tả được mọi sự tình tứ và nghệ thuật. Nhưng niềm vui thật đẹp từ những mẩu chuyện đời đời nhỏ tí bé mỗi ngày thì luôn có. Bà dành cho chục trứng, nhiều quả trong đấy đã ung. Bố nấu cho một bát mì trứng, đợi con dậy thì mì đã trương phềnh. Mẹ thích mặc đồng phục, đồng phục cấp 2 cấp 3 thửa lại từ các con. Anh bán rau mướt mải sắp rau thành từng túi nhỏ vừa phần “ai thiếu thì lặt” trong khu phong toả đồ ăn thiếu thốn,...
Mình nhặt nhạnh trong bữa cơm nhà, sân thượng đầy hoa, chạy ra đầu xóm và trong chuyến hành trình 2 năm qua chạy ngược rồi lại xuôi đất nước. Lê la từ nhà ra ngõ từ đó đã ra đời”.
Cuốn sách gồm 2 phần Từ nhà và Ra ngõ bao gồm 83 mẩu truyện ngắn.
Từ nhà đưa ta vào thế giới của những an yên thường nhật, có những người thân trong gia đình, có những ngọt ngào chỉ có thể miêu tả bằng 2 chữ “tình thân”. Đọc Từ nhà để hiểu cội nguồn của yêu thương chính là gia đình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng không chỉ về thể xác mà còn về tâm hồn của mỗi người. Lật từng trang sách như lật một lớp vỏ mà bố mẹ đang cất giấu, bố mẹ thực ra cũng chỉ là những người bình thường, cũng là lần đầu tiên làm bố mẹ. Bởi vậy nếu được, hãy tha thứ trước sự quan tâm vụng về và hãy kiên nhẫn hơn với gia đình của mình.
Ra ngõ được Làn kể dưới dáng vẻ của bác bán nước đầu ngõ, của bà đồng nát, của những người lạ mặt mà ta từng gặp gỡ hay chỉ lướt qua nhau một lần rồi không bao giờ gặp lại. Tất cả những cái tên đều thật lạ tai và có lẽ cũng chẳng hề liên quan đến nhau. Nhưng với Làn, với Lê la từ nhà ra ngõ ta hiểu tất cả mọi người đều có một mối liên kết, đó chính là "lòng tốt" - thứ keo kết nối vô hình song vô cùng bền bỉ và chắc chắn.
“Lòng tốt nó như một cái vòng. Ai đó tốt với cậu, cậu nhận và đem tặng nó cho người khác, người ta sẽ nhận và lại gửi gắm đi. Rồi nó sẽ trở thành một cái vòng rộng ơi là rộng. Cậu sẽ là một mắt xích của cái vòng đó. Việc của mình đôi khi không phải bằng mọi giá quay lại cái mắt xích bên trên, mà là nối thêm một mắt xích nữa. Và tuyệt đối đừng để mình là mắt xích cuối cùng”, tác giả viết.
Với cách kể chuyện hóm hỉnh và có chút “ngẫu hứng”, đọc Lê la từ nhà ra ngõ như đang trò chuyện cùng cô bạn nhà kế bên. Để khi khép lại những trang sách cuối cùng, ta chấp nhận rằng cuộc sống này dù không hoàn hảo nhưng cũng đáng sống đó chứ. Cuộc sống nơi những người ta thương vẫn đang hít thở dưới bầu trời cao rộng.
Cuốn sách tựa một cuốn “hồi ký” chung dành tặng cho tất cả những người trẻ - những người từng thấy chênh chao và vô định trên hành trình trưởng thành, những ai cần một nơi để tìm về và gửi gắm những nỗi lòng của mình.
Tình Lê
Cuốn sách chỉ cách chữa lành cho tâm hồn
Tác giả mong muốn những người đọc sách 'Tâm an ắt bình an' có thể tìm kiếm được sự bình an trong tâm hồn.