Từ lâu, nhiều người mỗi ngày nhận được vài chục tin nhắn, vài chục cú điện thoại với đủ loại dịch vụ tiếp thị. Nếu như những tin nhắn, cuộc gọi này đến từ những địa chỉ vu vơ thì đành chịu nhưng lại từ những công ty hàng đầu trong nước và thế giới thì quả là hết chỗ nói.

Nhiều người bị nhận  nhiều cuộc điện thoại đến mức có thời điểm không làm được việc gì. Họ cũng nghĩ ra đủ chiêu trò, tìm mọi cách để đỡ bị gọi điện nhưng hình như…không ăn thua. Hết bất động sản là bảo hiểm, hết bảo hiểm là ngân hàng, hết ngân hàng lại đến phân phối xe, rồi cả trung tâm ngoại ngữ, dịch vụ làm đẹp, mỹ phẩm….thượng vàng hạ cám… đều gọi điện tiếp thị, không phát điên cũng lạ! Không trả lời, không được; cáu tiết văng tục với bên gọi, chưa ăn thua; nghĩ ra đủ các trò đùa với các nhân viên tiếp thị qua điện thoại, không giảm; van lạy đừng gọi nữa vì không có nhu cầu, không được… Tóm lại, khổ chủ chẳng biết làm gì để bớt điên.

{keywords}

Nhiều người bị nhận  nhiều cuộc điện thoại đến mức có thời điểm không làm được việc gì.

Có người vì nhận được quá nhiều điện thoại của một A group, B group- những doanh nghiệp hàng đầu- tiếp thị bất động sản đã nhã nhặn nhưng nghiêm túc nói với cô nhân viên tiếp thị rằng: “Anh đã nói nhiều lần rồi, là anh không có khả năng tài chính cũng như nhu cầu, lẽ ra các em phải tích vào dữ liệu rằng khách hàng này đã được gọi nhiều lần và họ không có nhu cầu để đừng gọi cho anh nữa. Một ngày riêng công ty các em gọi mấy chục cuộc anh còn thời gian đâu làm việc…!”.  Cô kia trả lời: “Anh thông cảm, sếp em bắt gọi, em không gọi thì bạn khác sẽ gọi, rồi thì đảo danh sách khách hàng cho từng nhân viên… nên việc của bọn em là phải gọi”. Đến thế là cùng.

Vấn đề của việc xâm phạm quyền riêng tư nằm ở đâu? Nếu như việc tiếp thị như vậy không mang lại hiệu quả, liệu ngay cả những tập đoàn hàng đầu có hành hạ khách đến mức như vậy?

Câu trả lời là cách làm ăn vô nhân tính kiểu này rõ ràng là mang lại hiệu quả. Nếu không thì các công ty cũng chẳng mất thời gian làm gì. Điều đáng nói là chưa có đơn vị nào bị kiện hay bị xử lý bởi cách kinh doanh hành hạ khách hàng, tìm cách tiếp thị sản phẩm bằng mọi giá. Và chưa có phong trào nào tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp kinh doanh thiếu văn hóa như vậy.

Những công chức, viên chức bình thường mỗi ngày nhận vài chục cuộc điện thoại là bình thường, còn giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cỡ khá không những mệt mà còn nhục nữa. Ngoài các lĩnh vực nói trên thì ôi thôi họ nhận đủ cả, từ điện thoại xin góp quỹ A, quỹ B, xin tiền làm từ thiện, mời dự sự kiện này nọ, mua vé ủng hộ phong trào x,y; tham gia giải thưởng lớn, bé… đủ cả. Giám đốc một doanh nghiệp nói rằng, nhiều lúc anh đành chịu thua, chặn số này thì cũng chính người ấy lại gọi bằng số khác, số khác nữa… đến khi doanh nghiệp nhả tiền mới chịu.

Anh cũng nói, ngay ở các nước kém phát triển so với ta như Myanmar, Campuchia, Lào…  trong kinh doanh cũng không đến mức chèo kéo khách kiểu lao ra đường chặn xe chỉ vào quán hay nhằng nhẵng đến mức khách phát mệt. Và chuyện doanh nghiệp lớn cũng sai nhân viên đeo bám điện liên tục ngày lại ngày chắc chỉ có ở xứ mình. Nước họ dù vẫn còn nghèo, dù vẫn còn khó, nhưng ít nhất họ cũng có văn hóa tôn trọng người khác. Còn ở ta, không chỉ phổ biến trong kinh doanh, hình như thói quen hành hạ nhau là hạnh phúc đang ngày càng nở rộ.

Khôi Nguyên