
CLIP: Phó chủ tịch xã chia sẻ về quyết định hồi sinh nghề dệt truyền thống:
Năm 2023, Câu lạc bộ dệt may thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê tại buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân (TP Buôn Ma Thuột) được thành lập dựa vào kiến thức dệt may thổ cẩm của một số phụ nữ cao tuổi truyền lại.
Tuy nhiên, do nhiều thành viên đã già yếu, nhà trưng bày, địa điểm làm việc không đảm bảo nên câu lạc bộ ít hoạt động rồi dừng chỉ vài tháng sau khi thành lập. Những thành viên trong câu lạc bộ quay về dệt thổ cẩm tự phát, ai đặt thì làm.
Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm ở địa phương có thể bị mai một, anh Y Ni Wa Byă, Phó chủ tịch UBND Hòa Xuân trăn trở với quyết tâm hồi sinh nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê tại buôn Drai Hling....

Cuối năm 2024, anh Y Ni chủ động bàn với vợ cầm bìa đỏ của gia đình vay ngân hàng gần 400 triệu đồng để hồi sinh nghề thổ cẩm và được vợ là chị H Dring Niê đồng ý, hỗ trợ.
Sau khi vay được tiền, vợ chồng anh Y Ni dựng một căn nhà sàn rộng cả trăm mét vuông ngay trên đất mà gia đình đang sinh sống tại buôn Buôr (xã Hòa Xuân) để các thành viên làm việc cũng như trưng bày sản phẩm thổ cẩm.
Xây dựng xong nhà sàn, anh Y Ni đến từng hộ gia đình có người biết dệt thổ cẩm trình bày nguyện vọng, kế hoạch khôi phục nghề dệt thổ cẩm và được ủng hộ tuyệt đối.

Đến ngày 24/3 vừa qua, Tổ dệt may thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê, xã Hòa Xuân được thành lập với 15 thành viên nữ sinh sống tại xã Hòa Xuân. Tất cả những người này đều được thế hệ đi trước truyền lại nghề dệt may thổ cẩm.
Bà H’Di Ktul (70 tuổi) cho biết, bà được truyền lại nghề dệt may thổ cẩm từ ngày còn nhỏ và biết dệt nhiều mặt hàng như chăn, mền, váy, tuy nhiên rất ít người mua nên thu nhập không cao. Vào năm 2023, khi Câu lạc bộ thổ cẩm được thành lập cứ nghĩ sẽ ổn định nhưng rồi cũng ngừng hoạt động.
Bà H’Di Ktul kể, khi biết vợ chồng anh Y Ni quyết tâm phục hồi nghề dệt thổ cẩm, bà con trong xã ai cũng vui mừng, ủng hộ. Dù chưa biết được thu nhập hàng tháng là bao nhiêu nhưng mọi người rất siêng năng làm việc.

"Chúng tôi chủ yếu dệt may phần thô ở nhà, đến cuối tuần mọi người mới tập trung tại nhà sàn của anh Y Ni để hoàn thiện sản phẩm. Bà con rất vui mừng vì có nơi để duy trì nghề thổ cẩm mà các thế hệ đi trước đã truyền lại", bà H’Di Ktul nói.
Nghề thổ cẩm dần hồi sinh

Dù mới thành lập chưa đầy một tháng nhưng với sự nỗ lực của các thành viên, Tổ dệt may thổ cẩm đã cho ra lò một số sản phẩm để bán cho khách hàng với giá từ 250.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.
Anh Y Ni chia sẻ, mục đích của việc phục hồi nghề thổ cẩm là duy trì, bảo tồn nét văn hóa truyền thống người Ê Đê. Bên cạnh đó, những phụ nữ lớn tuổi, ít khả năng lao động có thêm nguồn thu nhập. Trước mắt, câu lạc bộ sẽ tạo thu nhập cho mỗi thành viên từ 2-3 triệu đồng/tháng, về lâu dài 5-6 triệu đồng/tháng.
Nói về khó khăn trong việc hồi sinh nghề dệt thổ cẩm, anh Y Ni cho biết, hiện tại giới trẻ chủ yếu chạy theo thời trang mới dẫn đến thổ cẩm truyền thống không được chú ý. Hơn nữa khâu bao tiêu sản phẩm là rất quan trọng nhưng việc tìm kiếm đầu ra không dễ dàng. Hiện đã có một số khách hàng hứa hẹn sẽ hợp tác trong thời gian tới nhưng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn.
"Về lâu dài chúng tôi sẽ không ngừng tìm kiếm đầu ra, cùng với đó phải nâng cao tay nghề cho các thành viên để đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng. Tôi rất mong chính quyền các cấp luôn đồng hành, hỗ trợ để nghề dệt may thổ cẩm ngày càng phát triển vì đó lài tài sản vô giá mà thế hệ đi trước để lại cho con cháu", anh Y Ni nói.

Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cho biết, nghề dệt thổ cẩm tại địa phương đang dần bị mai một do không làm tập trung, manh mún, không có đầu ra. Địa phương rất muốn phục hồi nghề truyền thống này nhưng việc tìm người đi tiên phong gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, địa phương sẵn sàng làm mọi biện pháp hỗ trợ cho anh Y Ni phục hồi nghề truyền thống này.
"Xã Hòa Xuân chủ yếu là người Ê Đê sinh sống nên nguồn nhân lực dệt may thổ cẩm rất dồi dào. Để phát huy hết tiềm năng cần phải có nhiều cơ quan ban ngành hỗ trợ, đặc biệt phải tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm", ông Hợi nêu thực tế.

