Mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn.
Đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản phẩm cụ thể
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; các dự án đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.
Tại phiên họp lần thứ 11 ngày 8/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; đến nay, các đơn vị đang triển khai 36 nhiệm vụ, đã hoàn thành 11 nhiệm vụ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 674 km/2 dự án/12 dự án thành phần, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.001 km.
Trong đó, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài gần 80 km đã được khánh thành, cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt đã thông xe đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.000 km, đồng thời cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 60 km đã được khởi công.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, sân bay Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường vành đai 3 TPHCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô được đẩy nhanh tiến độ, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Đặc biệt, đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công phần bê tông cốt thép bảo đảm tiến độ yêu cầu và phấn đấu đến tháng 9/2024 chuyển sang lắp dựng kết cấu thép mái; các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra.
Đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước nhấn mạnh, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể, quan trọng về phát triển hạ tầng giao thông vận tải; trong đó, đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.
Những chỉ tiêu này có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn vì hạ tầng giao thông nói chung, các công trình đường cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng sẽ tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, giá trị đất đai tăng lên, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá.
Biểu dương một số tỉnh, thành phố vào cuộc tích cực, Bí thư, Chủ tịch UBND đã trực tiếp vào giải quyết công việc, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tích cực tham dự đầy đủ các phiên họp vì đây là công việc quan trọng.
Thực tế cho thấy ở đâu cả hệ thống chính trị vào cuộc thì kết quả đạt được ở đó rất rõ rệt, các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ; ở đâu lơ là thì ở đó còn vướng mắc.
Tập trung thi công "3 ca, 4 kíp"
Thủ tướng nêu rõ, đến thời điểm này, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đạt các kết quả rất đáng mừng.
Đơn cử như sân bay Long Thành đã lên hình hài rất rõ; vừa qua, chúng ta đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ USD trong nước cho dự án này; các vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết, vấn đề bây giờ là tập trung thi công "3 ca, 4 kíp".
Các dự án khác như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài… được triển khai tích cực. Một số địa phương được nhắc nhở về công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án, công trình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như công tác giải phóng mặt bằng, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng… tại một số địa phương. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp, nêu rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cơ quan.
Theo Thủ tướng, khối lượng công việc lớn đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", tất cả vì sự phát triển, hùng cường, thịnh vượng của đất nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mục tiêu là bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường của các công trình, dự án, chú trọng cảnh quan, không gian của các dự án khi hoàn thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 483/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Cụ thể, Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung 2 Dự án (Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án đầu tư mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) vào Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Đồng thời, Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Bến Tre, Trà Vinh vào khoản 3 Điều 3 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Quyết định số 483/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 7/6/2024.