Một quyết định đảo chiều
Trong báo cáo ngoại hối bán niên công bố đêm 16/4 (giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Mỹ vừa bất ngờ loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ, đảo ngược tuyên bố của chính quyền Trump vào tháng 12/2020.
Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ. |
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết họ bắt đầu "tăng cường gắn kết" với Đài Loan và tiếp tục các cuộc đàm phán như vậy với Việt Nam và Thụy Sĩ sau khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump hồi cuối năm ngoái gán Việt Nam và Thụy Sĩ là những nước thao túng tiền tệ.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ cũng không liệt kê Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ như chính quyền Trump vào năm 2019 - thời kỳ căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nước.
Hồi giữa tháng 1, theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không áp thuế hoặc các hạn chế thương mại mà có thể ảnh hưởng tới các thành viên của AmCham cũng như mối quan hệ thương mại giữa 2 nước sau những cáo buộc về thao túng tiền tệ. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được coi là rất tốt và có lợi cho người dân cả 2 nước.
Trong suốt cuộc điều tra, AmCham lập luận một cách mạnh mẽ rằng Mỹ và Việt Nam đã phát triển một mối quan hệ thương mại lành mạnh và sự gia tăng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tái cấu trúc các chuỗi cung ứng và hoạt động gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam, chứ không phải do các hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Cũng theo AmCham, nền kinh tế Mỹ lớn gấp 60 lần nền kinh tế Việt Nam và nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
AmCham tin tưởng mạnh mẽ rằng cả 2 quốc gia có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng và các lệnh trừng phạt thương mại sẽ không có lợi cho nền kinh tế Mỹ, nhưng sẽ tác động lớn đến người tiêu dùng Mỹ và doanh nghiệp của AmCham.
Trên thực tế, theo AmCham, thao túng tiền tệ không phải là vấn đề đối với các doanh nghiệp Mỹ. AmCham mong muốn và yêu cầu USTR ưu tiên nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách hơn mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt như các chính sách phân biệt đối xử về thương mại và phát sóng kỹ thuật số; các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, nhập khẩu dược phẩm, thủ tục hải quan và thủ tục thuế…
AmCham trước đó đã rất lo ngại rằng cuộc điều tra theo khoản mục 301 (Section 301) sẽ dẫn tới việc ban hành nhiều mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, sự phản hồi và áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra sự khác biệt trong kết quả của trường hợp này.
AmCham coi trọng sự tham gia của cả 2 chính phủ và tin rằng đối thoại mạnh mẽ giữa khu vực tư nhân và chính phủ sẽ giúp dẫn đến các kết quả chính sách công tối ưu. Tiếng nói của các doanh nghiệp thành viên đã được lắng nghe.
Thế giới thận trọng
Nhiều đánh giá cho rằng, việc bà Janet Yellen không đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tỷ giá trong báo cáo tiền tệ đầu tiên kể từ khi bà trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ là điều đã được dự báo từ trước. Quyết định này sẽ giúp Washington tránh được sự đụng độ mới với Bắc Kinh, trong bối cảnh mối quan hệ song phương vốn dĩ đã rơi xuống mức thấp.
Ở vào thời điểm hiện tại, nhiều đánh giá cho rằng, chính quyền mới của nước Mỹ muốn nâng tiêu chuẩn để xác định một nền kinh tế có thao túng tỷ giá đồng nội tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh hay không. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ một quốc gia bị dán nhãn thao túng tỷ giá giảm xuống.
Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp. |
Và nếu Bộ Tài chính Mỹ hành động theo hướng này, số quốc gia bị Mỹ giám sát về tỷ giá có thể giảm một nửa.
Bà Yellen cho rằng, Mỹ cần phản đối nỗ lực can thiệp tỷ giá của các quốc gia khác nhưng cũng phát tín hiệu về thay đổi tiêu chuẩn dán nhãn thao túng tỷ giá. Người đàn bà quyền lực của nước Mỹ cho rằng thâm hụt thương mại không nên được nhìn nhận như một thông số duy nhất để làm căn cứ cho việc ra quyết định.
Trên thực tế, việc một quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tỷ giá không dẫn tới một biện pháp trừng phạt tức thì nào từ Washington, nhưng có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính.
Theo quy định của Mỹ, chính quyền Washington phải phối hợp với các quốc gia bị dán nhãn thao túng tỷ giá để giải quyết mất cân đối. Các chế tài, bao gồm việc loại bỏ khỏi các hợp đồng với Chính phủ Mỹ, có thể được áp dụng 1 năm sau đó trừ phi nhãn thao túng tỷ giá được gỡ bỏ.
Trong khi đó, báo cáo tiền tệ được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra 2 lần một năm. Điều này đồng nghĩa với việc, các nước vi phạm các tiêu chí theo luật thương mại năm 2015 của Mỹ luôn nằm trong danh sách xem xét. Dù vậy, thực tế quan hệ kinh tế giữa các nước không chỉ nằm ở khía cạnh thương mại. Đại diện Thương mại Mỹ gần đây cho biết, chính sách thương mại của Mỹ phải mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, cho cộng đồng và người lao động Mỹ.
Về phía Việt Nam, NHNN đã khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Theo NHNN, việc điều hành tỷ giá những năm qua nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ vẫn là một vấn đề quan trọng. Nhưng theo quan điểm của AmCham, bằng cách mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn, Việt Nam có thể giúp điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng giữa 2 bên theo hướng có lợi cho cả 2 nước.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thông tin: Ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Danh sách các nền kinh tế trên được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015. BTC Hoa Kỳ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Tại báo cáo này, trên cơ sở tiếp xúc bước đầu với Việt Nam cũng như dựa trên các số liệu, phân tích sâu hơn, BTC Hoa Kỳ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. Trong quá trình làm việc với BTC Hoa Kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được BTC Hoa Kỳ ghi nhận. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Anh Tuấn |
M. Hà