Nộp đơn bảo hộ phá sản, cổ phiếu chạm mức 15 cent
Fisker là nhà sản xuất xe điện khởi nghiệp tại Mỹ. Theo báo cáo mới đây, tình hình tài chính của Fisker đang gặp nhiều vấn đề. Ngày 13/3, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng Fisker đã thuê cố vấn tài chính FTI Consulting và công ty luật Davis Polk để làm việc về vấn đề nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ. Ngay lập tức, thông tin đã làm dấy nên những mối lo ngại lớn cho các nhà đầu tư và giá trị cổ phiếu của công ty đã ngay lập tức giảm tới 50% trong phiên giao dịch cùng ngày.
Tờ Carscoops bình luận, kể từ năm 2020 cho tới nay, cổ phiếu của Fisker đã giảm tới 97% giá trị và hiện tại chỉ còn đạt 15 cent (khoảng 4.000 đồng) cho mỗi cổ phiếu, là mức đáy thấp nhất kể từ trước tới nay.
Chỉ mới năm ngoái - năm 2023 - hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng khởi nghiệp xe điện Fisker dường như đầy hứa hẹn khi hãng bắt đầu bàn giao tới khách hàng những sản phẩm đầu tiên của mình- mẫu SUV điện Ocean. Hoạt động bán hàng đầu tiên này mang lại khoản doanh thu tới 273 triệu USD. Thế nhưng, báo cáo tài chính mới đây cho thấy, hãng chịu khoản lỗ ròng hơn 463 triệu USD cho năm 2023.
Đầu tháng 3/2024, Fisker đã đưa ra thông tin rằng hãng đang gặp khó khăn về tài chính và không có đủ vốn cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh trong năm tới. Do đó, công ty đã giảm 15% lực lượng lao động và tạm dừng phát triển xe điện nhỏ gọn Pear nhưng cũng đồng thời thông báo, hãng đang tích cực tìm kiếm các khoản đầu tư tiền mặt để "giải cứu" tình trạng xấu.
Truyền thông quốc tế đưa tin, Fisker đã đàm phán với hãng Nissan về khoản tiền mặt trị giá 400 triệu USD để đổi lấy quyền truy cập vào nền tảng bán tải Fisker Alaska.
CEO của Fisker đã “phớt lờ” các đồn đoán về tin đồn phá sản song ông khẳng định Fisker đang cố gắng để huy động thêm vốn. Dẫu vậy, khoản nợ lên tới 1 tỷ USD đang là một áp lực tài chính quá lớn đè nặng lên hãng xe điện khởi nghiệp này.
NHTSA xem xét các khiếu nại của người dùng về xe điện của Fisker
Tuy nhiên, tin xấu liên tiếp vẫn "đeo bám" Fisker khi Cơ quan Quản lý an toàn giao thông quốc gia (NHTSA) thông báo bắt đầu các xem xét về những khiếu nại của người sử dụng về những chiếc xe điện của Fisker về lỗi khi dừng đỗ hay không thể chuyển sang chế độ lái, cũng như nhiều lỗi khác, càng khiến uy tín của công ty giảm sút nghiêm trọng.
Tháng 11/2021, Fisker đã giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên Fisker Ocean thuộc phân khúc SUV hạng D đến thị trường toàn cầu. Mẫu xe có 3 phiên bản gồm Standard Sport với giá bán 37.500 USD, Ultra và Extreme có giá từ 50.000 USD và bản Extreme giá từ 69.000 USD.
Trong đó, bản Sport dùng pin lithium-ion phosphate, có phạm vi hoạt động 402 km mỗi lần sạc. Phiên bản này dùng động cơ điện công suất 275 mã lực cho phép tăng tốc 0-97 km/h trong 6,9 giây.
Các phiên bản cao hơn sử dụng pin nickel mangan coban. Phiên bản Ocean Ultra có 2 động cơ điện, phạm vi hoạt động 547 km mỗi lần sạc, với công suất 540 mã lực và thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3,9 giây. Phiên bản Ocean Extreme có phạm vi hoạt động 562 km cho mỗi lần sạc, công suất 550 mã lực, tăng tốc từ 0-100km trong 3,6 giây.
Các phiên bản xe điện này của Fisker sử dụng pin do Tập đoàn CATL của Trung Quốc cung ứng.
Đến tháng 8/2023, Fisker gây ấn tượng khi giới thiệu tới 4 mẫu xe điện gồm: hatchback Fisker Pear, bán tải Alaska và siêu xe điện mui trần Ronin có phạm vi hoạt động 600 dặm (960 km) và một phiên bản nâng cấp của SUV Fisker Ocean là Fisker Force E.
Theo một số nguồn tin, năm 2023, Fisker sản xuất hơn 10.000 chiếc xe nhưng số lượng bàn giao thực sự chỉ chưa đến một nửa. Dự kiến năm 2024, hãng vẫn đặt mục tiêu giao tới 20.000 xe cho khách. Giống như Tesla, Fisker bán hàng trực tiếp mà không thông qua đại lý. Tuy nhiên gần đây, hãng đã thay đổi chiến lược bán hàng này và bắt đầu có các hoạt động hợp tác với các đại lý để phân phối xe.
Công ty Fisker Inc hiện nay có tiền thân là Fisker Automotive được nhà thiết kế ô tô người Đan Mạch- Henrik Fisker và hai đối tác Bernhard Koehler và Quantum Technologies thành lập năm 2007. Đây là thời điểm dự án nhận được khoản đầu tư 5,2 triệu USD của thương gia người Ý- ông Gianfranco Pizzuto. Tháng 4/2008, Tesla kiện Fisker với cáo buộc hãng "ăn cắp" công nghệ của Tesla và sử dụng để phát triển mẫu Karma. Đến năm 2009, Tesla bị xử thua kiện và phải bồi thường cho Fisker hơn 1,1 triệu USD. Đến năm 2015, Fisker Automotive phá sản và được bán lại cho tập đoàn Trung Quốc Wanxiang ngoại trừ thương hiệu Fisker. Năm 2016, nhà sáng lập Henrik Fisker tiếp tục thành lập pháp nhân mới là Fisker Inc như trên. Còn Tập đoàn Wanxiang tái cấu trúc công ty Fisker Automotive thành hãng Karma Automotive. Ngày 13/7/2020, Fisker Inc. đã công bố đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên Sở giao dịch chứng khoán New York thông qua việc sáp nhập với Spartan Energy Acquisition Corp, một SPAC được hỗ trợ bởi công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management. Đến ngày 30/10/2020, Fisker Inc. đã hoàn tất việc sáp nhập ngược và Fisker đã được niêm yết, giao dịch công khai trên Sở giao dịch chứng khoán New York với mã cổ phiếu FSR. |
(Theo Carscoops, The Wall Street Journal)
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!