Bộ phận Amazon Global Selling có mặt tại Việt Nam kể từ năm 2019, với nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu hàng hoá ra thế giới thông qua trang thương mại điện tử amazon.com.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay hơn một nửa tổng hàng hoá trên trang Amazon hiện nay đều đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu. Do đó, tại Việt Nam, bộ phận này của Amazon cũng đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ tham gia bán hàng hoá trên nền tảng của họ.

Đại diện Amazon cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon hiện đã tăng gấp đôi so với giai đoạn năm 2019. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam là nước tăng trưởng mạnh nhất nếu so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

{keywords}
Gốm sứ Minh Long, hàng Việt tiêu biểu bán chạy trên Amazon. (Ảnh: AGS)

Trả lời ICTnews về khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với các nước khác trên toàn cầu, ông Gijae Seong thừa nhận năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước không thể so sánh với một số nước tiên tiến về các loại hàng có hàm lượng công nghệ cao, ví dụ các mặt hàng điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt có thế mạnh về hàng thủ công, nội thất, đồ nhà bếp, đồ gốm, mây tre đan…

Do đó, các thương nhân trong nước nên tận dụng thế mạnh sẵn có này để đưa các sản phẩm Made in Vietnam ra toàn cầu.

Trong năm vừa qua, ông Gijae chia sẻ, nhờ hàng hoá Việt Nam lưu chuyển toàn cầu, mã vạch 893 (hàng Việt Nam) đang dần phổ biến hơn, đến được nhiều ngóc ngách trên toàn thế giới.

Số liệu của Amazon cho thấy, trong một năm qua, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới (trung bình 14 sản phẩm mỗi phút). Số lượng sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp Việt Nam trên cửa hàng của Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo, số doanh Việt Nam vượt mốc doanh số 100.000 USD bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng doanh nghiệp vượt mốc 500.000 USD tăng hơn 53%. Số doanh nghiệp vượt mốc doanh thu 1 triệu USD tăng hơn 40%.

Trả lời tiếp về vấn đề cạnh tranh của hàng Việt, ông Gijae Seong khẳng định ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt cần nắm những quy tắc cạnh tranh toàn cầu trên thương mại điện tử.

Chẳng hạn, cần phải kể các câu chuyện riêng về sản phẩm của mình sao cho thu hút so với các đối thủ khác trên sàn. Khách hàng toàn cầu hiện nay chú trọng về câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, do chất lượng hàng hoá đã ngang nhau giữa nhiều nhà bán.

Song song đó, cần chú trọng các phản hồi của khách hàng về sản phẩm để trả lời kịp thời, nhằm cho khách hàng thấy được sự nhiệt tình từ nhà bán. Việc lắng nghe phản hồi trên sàn cũng giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu để được khách hàng toàn cầu biết đến nhiều hơn.

Phía Amazon Global Selling cũng hỗ trợ các công cụ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ở chuẩn quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, cũng như đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Với lợi thế về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo ra những đột phá quan trọng trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Gijae Seong nhận định.

Hiện nay phía Amazon cũng cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA). Dịch vụ này nhận hàng từ nhà bán, đóng gói, lưu kho, sau đó vận chuyển đến tay người mua. Do đó, doanh nghiệp sản xuất chỉ việc chú tâm phát triển sản phẩm, khâu vận hành và giao nhận được Amazon nhận lấy.

Hiện Amazon có hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới, với 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, giao sản phẩm đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hải Đăng

Hàng Việt ngày càng dễ tiếp cận thị trường toàn cầu

Hàng Việt ngày càng dễ tiếp cận thị trường toàn cầu

Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong năm qua tăng trưởng tốt, với hàng triệu sản phẩm hàng hoá được bán trực tuyến ra nước ngoài.