Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ 2018-2023 có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng. Hơn 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhiệm kỳ qua, tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%; nâng tổng nguồn vốn quỹ toàn hệ thống Hội đạt 4.827 tỷ đồng. Tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 90.370 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2023); của Ngân hàng NN-PTNT là 79.702 tỷ đồng.
Đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết, giới thiệu việc làm cho nông dân và thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động.
Hội cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân được đẩy mạnh, hỗ trợ nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được giúp tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; hơn 78.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Xây dựng và duy trì trên 200 cửa hàng "nông sản an toàn" để trưng bày, giới thiệu, quảng bá kết nối hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Tại họp báo, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, tổ chức các phong trào mang lại hiệu quả, thiết thực; được thể hiện ở công tác tuyên truyền của các cấp hội, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, trên mạng xã hội, qua các hội thi, diễn đàn,...
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần đối thoại với nông dân; 149 cuộc đối thoại của lãnh đạo các tỉnh, thành phố với nông dân; 2.081 cuộc đối thoại của lãnh đạo các huyện, thị trấn với nông dân...
Đây là "cầu nối" để lãnh đạo trực tiếp nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của nông dân, từ đó phát huy vai trò đề xuất các chủ trương, chính sách, tham gia tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện.
Bà Thơm cho biết, Đại hội lần này sẽ giảm cơ cấu số lượng ủy viên BCH của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tăng cơ cấu của doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, liên quan đến chuyện hợp tác, tiêu thụ nông sản, liên kết với nông dân.