Mỗi năm có 5 triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài. Thế nhưng, chúng ta lại chưa có những công viên giải trí hàng đầu thế giới như của Disneyland hay Universal Studios. Sắp tới, đây sẽ là hướng đi mới của các chủ đầu tư bất động sản.

Bao giờ Việt Nam có khu vui chơi Disneyland?

So với các nước trong khu vực, mảng bất động sản giải trí của Việt Nam vẫn đang thiếu. Đơn cử như thị trường Đà Nẵng, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế song theo ý kiến của một chủ đầu tư, việc khách nước ngoài không quay lại lần 2 với Đà Nẵng cũng như Việt Nam một phần là do thiếu các loại hình giải trí, vui chơi - điều mà các trung tâm du lịch khác như Phuket, Las Vegas hay Bali rất chú trọng.

Ở Singapore, Thái Lan, Malaysia,... mô hình này đã phát triển song song và đồng bộ cùng với thị trường du lịch từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Singapore là ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này khi thu hút lượng khách du lịch rất lớn và tăng trưởng cao trong nhiều năm, mặc dù họ gần như không sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và phong phú.

{keywords}
Việt Nam đang thiếu các tổ hợp vui chơi giải trí 

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, phân khúc này đang được đánh giá có tiềm năng cao, bởi các dự án đang vận hành có mức lấp đầy tới mức 90% như ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,... Người nước ngoài tới du lịch tại Việt Nam rất cao, người trong nước cũng có nhu cầu lớn.

“Việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng giải trí trở nên không đồng bộ trong thời gian qua: có lễ hội nhưng không đủ hạ tầng để đảm bảo lễ hội diễn ra tốt đẹp”, ông Võ nói.

Tờ Nikkei dẫn báo cáo của Sanrio cho thấy, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang ngày càng đông đảo. Đây là nhóm người sẵn sàng chi tiền nhiều cho các hoạt động giải trí. Ngoài ra, mỗi năm có 5 triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài. Thế nhưng, chúng ta lại chưa có những công viên giải trí hàng đầu thế giới như của Disneyland hay Universal Studios nên việc tới sớm sẽ giúp Sanrio đầu tư vào Việt Nam có những lợi thế.

Cuộc chơi triệu đô

Tìm cách giữ chân khách du lịch tới Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung trong nước lưu ngày càng gia tăng, các ông lớn đang chuyển hướng sang một lĩnh vực khá mới mẻ là đầu tư công viên vui chơi giải trí. Tuy nhiên, cuộc chơi này cũng khá tốn kém hàng triệu đô và cần có sự đầu tư bài bản. 

Công ty Sanrio của Nhật Bản đang lập kế hoạch mở công viên giải trí trong nhà mang tên Hello Kitty ở Hà Nội và kỳ vọng biến nó trở thành công viên giải trí lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2018. Theo kế hoạch, đây sẽ là công viên giải trí thứ 6 của Sanrio ở nước ngoài.

Thông qua thỏa thuận với BRG, Sanrio muốn tranh thủ các điều kiện này để thu hút người chơi. Hiện tại, chưa thể xác định khoản tiền Sanrio muốn đổ vào Việt Nam.

{keywords}
Đầu tư BĐS vui chơi giải trí tốn hàng triệu USD

Trong những năm gần đây, Sanrio liên tục đẩy mạnh xây dựng các công viên giải trí ở châu Á. Năm 2012, họ mở một công viên giải trí nhỏ ở Malaysia trước khi khai trương một công viên giải trí ngoài trời quy mô lớn tại Chiết Giang, Trung Quốc trong năm 2015.

Sun Group mới đây khởi công dự án công viên 4.600 tỷ đồng tại Hà Nội. Với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 4.600 tỷ đồng, công viên Kim Quy được mô tả là kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland. Trước đó, Sun Group đầu tư nhiều khu vui chơi giải trí như Sun World Halong Park giá trị đầu tư 6.000 tỷ đồng, Asia Park tại Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, tập đoàn Empire đã chính thức khởi công khu du lịch - giải trí Cocobay Đà Nẵng. Với tổng diện tích khoảng 31ha, dự án được thiết kế, đầu tư nhiều hạng mục có quy mô lớn như sân khấu biểu diễn trong nhà với sức chứa 1.200 chỗ,  sân khấu biểu diễn ngoài trời quy mô 2.000 chỗ, quảng trường du lịch lớn và nhiều dịch vụ kèm tuyến phố đi bộ.

FLC cũng từng tham vọng đầu tư một công viên giải trí ngang tầm Disleyland tại Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 của dự ánvới quy mô diện tích hơn 250 ha.

Vingroup là một trong những chủ đầu tư đi đầu trong lĩnh vực này với khu vui chơi thương hiệu Vinpearl Land tại Nha Trang, Phú Quốc và một nhiều khu vui chơi trong nhà tại Hà Nội và TP.HCM.

Đánh giá về triển vọng của phân khúc này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ trong vòng khoảng 10-20 năm tiếp theo, các vị trí thuận lợi này sẽ hết, việc tìm kiếm vị trí để phát triển các dự án này cũng hạn chế hơn. Giá các BĐS này đã hình thành do tính khan hiếm của nó. Như vậy, các nhà đầu tư thứ cấp còn được một nguồn lợi nhuận nữa do tính khan hiếm của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí mà mình có.

Theo ông Võ, vấn đề là có đủ nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao để cho "gã khổng lồ" tỉnh giấc hay không. Việc phát triển các dự án đòi hỏi nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao, có kinh nghiệm quản lý dự án, có trình độ phát triển khoa học công nghệ mới đảm bảo triển khai.

Duy Anh