Đi lên trong mùa dịch

Startup Marathon huy động 1,5 triệu USD từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed, cùng với sự tham gia các nhà đầu tư thiên thần. Marathon sẽ trở thành đối tác, hỗ trợ những giáo viên giỏi nhất dạy hàng ngàn học sinh trực tuyến mỗi lớp trên cả nước...

Tương tự, Loship là startup hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn và thương mại điện tử, giao hàng trong một giờ tại Việt Nam vừa công bố gọi vốn 12 triệu USD do BAce Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm do Ant Group hậu thuẫn) và Sun Hung Kai & Co. Limited đồng dẫn dắt.

Loship- ứng dụng thuộc Công ty cổ phần Lozi Việt Nam, do Nguyễn Hoàng Trung là đại diện pháp luật. Với hơn 70.000 tài xế, Loship hiện cung cấp hơn 10 dịch vụ gồm giao đồ ăn, thương mại điện tử, gọi xe, đi chợ giùm, giặt ủi, vận chuyển hàng, mua thuốc, mua đồ cho thú cưng, giao hoa và giao nguyên liệu.

{keywords}
Dòng vốn triệu đô đổ vào Startup Việt

Dự án Got It cũng là một startup gọi vốn thành công với hơn 25 triệu USD. Nền tảng đã giải quyết bài toán về giáo dục trực tuyến giữa đại dịch Covid-19. Ông Trần Việt Hùng - CEO & Founder Got It - cho rằng, việc huy động vốn với một startup là việc rất cần thiết.

Vietcetera, một startup trong lĩnh vực thông tin, truyền thông số tại Việt Nam, kêu gọi thành công 2,7 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A do North Base Media dẫn dắt, theo Tech in Asia. Được thành lập vào năm 2016, Vietcetera cho biết nền tảng của công ty đã tiếp cận được hơn 20 triệu người dùng mỗi tháng, chủ yếu đến từ thị trường Việt Nam.

Mới đây, Forbes công bố bảng xếp hạng Forbes Asia 100 to Watch, trong đó đưa ra danh sách các công ty nhỏ và startup đáng chú ý đang trên đà phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có 4 startup góp mặt trong danh sách này gồm: Hoozing, Logivan, Lozi và Med247.

Trong đó, Med247 là đại diện duy nhất của Việt Nam trong ngành công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe. Nền tảng này cung cấp các dịch vụ y tế từ ngoại tuyến đến trực tuyến suốt ngày đêm thông qua ứng dụng di động và liên kết với các phòng khám đầy đủ dịch vụ. Công ty đã huy động được 1 triệu USD nhằm mở rộng quy mô thông qua quan hệ đối tác.

Hoozing là ứng cung cấp đánh giá của người dùng, công cụ tính giá và các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số để tăng tốc độ cho thuê và bán bất động sản. CEO Hải Lê cho biết, dù đại dịch xảy ra nhưng Hoozing vẫn đạt doanh thu khoảng 1,1 triệu USD vào năm 2020. Startup thành lập từ năm 2015 dự kiện có lãi vào cuối năm với doanh thu 2 triệu USD.

Còn Logivan, startup thành lập từ năm 2017 để giải bài toán mạng lưới giao thông manh mún ở Việt Nam. Logivan cho phép các công ty xác định vị trí xe tải và đặt thuê trong thời gian ngắn. Startup này có hơn 60.000 tài xế đang làm việc cho Coca Cola, Olam và Wilmar. Đến nay, công ty do CEO Linh Pham dẫn dắt đã huy động được khoảng 8 triệu USD từ Insignia Ventures Partners và K3 Ventures.

Phải thực sự khác biệt

Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam, một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau Covid-19.

Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore.

{keywords}
 

Bà Lê Diệp Kiều Trang, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster, cho rằng: “Hoạt động đầu tư dựa trên các yếu tố: Vốn, công nghệ và con người. Vốn và công nghệ, chúng tôi mang từ nước ngoài vào; còn về con người, chúng tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào nhân lực ở Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít nước hiếm hoi có được nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật tốt, cùng với đó là nguồn lực lao động cơ bản dồi dào”.

Đưa ra tư vấn cho các startup, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, startup cần toàn tâm toàn ý, làm việc khoảng 20 tiếng/ngày cho công việc và đam mê của bản thân.

"Làm startup, tình yêu dành cho công việc thậm chí còn vượt qua tình yêu đôi lứa, nhiều khi còn bị người yêu bỏ", ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch FPT chia sẻ rằng, startup để thành công tại Việt Nam là một điều rất khó, đồng thời lấy ví dụ từ chính bản thân. "Trước đây tôi từng đi Lexus, nhưng sau một lần sang Đức, khi đi thử BMW và được giới thiệu rằng chiếc xe đó sử dụng công nghệ của FPT, điều đầu tiên tôi làm khi về Việt Nam là bán ngay chiếc Lexus và mua BMW, mặc dù BMW rẻ hơn", ông Tiến kể lại.

"Khi nhận được một câu hỏi rằng khi nào thì FPT mới làm ra những sản phẩm mang chính tên FPT, tôi mới nhận ra rằng có thể chúng tôi thành công trên thế giới nhưng lại thất bại tại Việt Nam. Rất nhiều ứng dụng của chúng tôi khi đem trở lại nước ta không có ai sử dụng và không được thị trường chấp nhận".

Theo ông Tiến, để chinh phục được thị trường Việt Nam, startup cần bán những gì khách hàng cần, không phải bán những gì mình có. "Các bạn startup cần nghĩ lại, nếu chưa làm được điều này, tốt nhất các bạn nên giải tán... ", vị Chủ tịch FPT Telecom cho biết.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác khi làm startup là tạo ra sự khác biệt. "Nếu các anh chị làm startup mà không nhận thấy bản thân có gì khác biệt, tốt nhất cũng nên giải tán", ông góp ý. Nhiều người tin rằng những gì cần phát minh, trên thế giới đều đã có. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng ở một thị trường ngách nào đó, startup vẫn có thể tìm ra sự khác biệt.

Chủ tịch Quỹ đầu tư BestB Capital Phạm Anh Cường cho rằng, các startup Việt mặc dù có ý tưởng rất tốt, tuy nhiên trong quá trình hợp tác lại nảy sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên là đa phần startup thiếu khả năng quản trị, thiếu tính thực tế trong môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, các startup khá lạc quan vào thị trường, cứ nghĩ rằng mình là người đi đầu nên có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường mà không biết rằng trong kinh doanh các đối thủ có nhiều cách để sao chép, biến tấu ý tưởng. Do đó, muốn hút được vốn đầu tư, bản thân startup cần thay đổi và nhanh nhạy hơn. Trong mối quan hệ với nhà đầu tư cần để họ ở cùng chiến tuyến để đồng hành.

Duy Anh

Cú sụt 8.000 tỷ, kỳ lân ngành truyền thông Việt mất ngôi

Cú sụt 8.000 tỷ, kỳ lân ngành truyền thông Việt mất ngôi

Các nhà đầu tư lớn đã dần rút vốn đầu tư khỏi DN một thời được  kỳ vọng là kỳ lân của ngành truyền thông Việt Nam.